05:40 | 11/09/2014

Tượng Phật ở chùa Long Sơn

(LV) - Được biết đến bởi hai pho tượng Phật khá độc đáo: Kim Thân Phật Tổ và Phật nhập Niết Bàn, chùa Long Sơn hiện nay là một trong những thắng tích bậc nhất ở miền Trung, một điểm đến không thể bỏ qua đối với đông đảo phật tử, du khách trong và ngoài nước khi đến “xứ trầm hương”.

Uy nghiêm Kim Thân Phật Tổ

Ai về viếng cảnh Khánh Hòa

Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên

Kim thân Phật tổ nhớ lên

Nhìn ông Phật trắng ngồi trên lưng trời.

Tượng Kim Thân Phật Tổ chùa Long Sơn
Tượng Kim Thân Phật Tổ chùa Long Sơn.

Kim Thân Phật Tổ (còn gọi là ông Phật trắng) được xây dựng trên chính khu vực ngôi chùa cũ trên núi Trại Thủy. Đây là bức tượng do điêu khắc gia Phúc Điền Bùi Văn Thêm, pháp danh Thiện Sáng phác thảo. Ông cũng là người phác thảo Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu. Vào năm 1961, khi ấy đồi Trại Thủy đầy cỏ dại, chỉ có con đường mòn từ chùa Long Sơn sang chùa Hải Đức. Giáo hội Phật Giáo tỉnh Khánh Hòa đã đi quyên góp rộng rãi trong Phật tử để có tiền xây tượng. Một phần khác là nhiều bạn trẻ đã góp công trong việc san mặt bằng đồi Trại Thủy. Năm 1963, tượng Kim Thân Phật Tổ bắt đầu xây dựng và hoàn thành năm 1965.

Tượng được làm bằng bê tông cốt thép, sơn trắng, cao 24m, đài sen làm đế cao 7m. Muốn dâng hương lên Kim Thân Phật Tổ, phải vượt qua 153 bậc tam cấp, trên đường lên hai bên là hai con rồng, chiều dài mỗi con là 7,20m. Kim Thân Phật Tổ Tượng Phật đang ngồi thuyết pháp với dáng ngồi uy nghiêm, nụ cười thanh thoát điểm nhẹ trên môi. Xung quanh đài sen là chân dung bảy vị hòa thượng, đại đức đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1963. Dưới chân đài sen là bức tường chia thành những ngăn nhỏ để chứa hài cốt do các gia đình Phật tử gửi. Pho tượng Kim Thân Phật Tổ, đã được sách kỷ lục Guiness Việt Nam ghi nhận là “tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam”.

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Chùa Long Sơn, Nha Trang.

Chiêm bái Phật tổ nhập Niết Bàn

Một tượng Phật khác ở chùa Long Sơn dù không đi vào kỷ lục nhưng lại rất đẹp. Đó là Tượng Phật nhập Niết Bàn. Khi khách đi lên những bậc cấp, tới bậc cấp thứ 44 rẽ về bên trái là khoảng đất lưng chừng đồi Trại Thủy, sau chùa, cao hơn mặt đất khoảng 15m. Đó là tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn, được xây dựng năm 2003. Khoảng đất tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn không rộng, vì nằm ở lưng chừng núi nên chỉ có khoảng trống vừa đủ cho khách hành hương đến tham quan chiêm ngưỡng. Từ nơi này có thể nhìn thấy phía sau chùa Long Sơn. Tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn dài 17m, cao 5m, gương mặt Phật thanh thoát, toàn tượng sơn màu trắng. Tượng Phật nằm, hai chân xếp chồng lên nhau, Phật tì đầu lên một cánh tay, cánh tay kia để xuôi trên người. Đằng sau tượng là bức phù điêu khắc họa cảnh 49 đệ tử chắp tay niệm Phật. Ngài nhập Niết Bàn tại rừng Ta La nước Câu Thi La giữa hai cây Long Thọ vào nửa đêm ngày mồng 8 tháng hai âm lịch, năm 543 trước Dương lịch. Sau đó được dân chúng Mạt La thành Câu Thi cùng các đệ tử Phật cúng dường thân Phật, rồi trà tỳ (thiêu) và chia Xá Lợi Phật cho tám nước rước về xây tháp để mọi người chiêm bái.

Chùa Long Sơn là một trong những thắng tích bậc nhất ở miền Trung. Hai pho tượng Phật tọa lạc tại chùa ngoài việc là nơi hành hương cho tín đồ Phật giáo, còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Nha Trang.

Chùa Long Sơn do Hòa thượng Thích Ngộ Chí dựng trên núi Trại Thủy (xưa còn có tên là núi con Dơi) vào năm 1886, tên là Đăng Long tự, thuộc hệ phái Bắc tông.

Năm 1900, sau một trận bão lớn, chùa bị hư hỏng, tổ khai sơn chùa quyết định dời chùa xuống chân núi Trại Thủy (nay là số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, mở rộng, chùa Long Sơn ngày càng khang trang, bề thế. Năm 1938 (năm Bảo Đại thứ 14), chùa được phong “Sắc tứ Long Sơn tự”.


Khuê Việt Trường

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site