14:05 | 15/11/2015

Lại đi chợ nổi Cái Răng

(LV) - Với những nét văn hóa đặc sắc của mình, chợ nổi Cái Răng đã trở thành một địa điểm không thể bỏ qua đối với du khách khi có dịp du lịch xứ Tây Đô.

Chợ nổi Cái Răng cách bến Ninh Kiều khoảng 4km và gần như ai cũng đi chợ vào sáng sớm, mặc dầu cơn buồn ngủ vẫn còn lượn lờ trên mí mắt trong buổi sáng Cần Thơ. Mới 5 giờ sáng, anh chủ tàu mà chúng tôi đặt để chở đi đã có mặt ở khách sạn, mọi người cùng theo anh để đi từ lúc bình minh lấp ló trên con sông. Bởi theo kinh nghiệm thì chợ nổi Cái Răng tụ họp từ rạng sáng, đó là khi mọi con thuyền từ nhiều nơi tụ về, trao đổi hàng hóa, để từ đây, dạt về các chợ trên bờ cho kịp phiên chợ sáng. Khi chúng tôi ra bến tàu thì cũng đã có nhiều đoàn khách đến, cùng đi xuống bến cầu tạm, lúc đó mặt trời bắt đầu thả những tia nắng đầu tiên của một ngày, để cùng đi chợ.

Chợ nổi Cái Răng được hình thành do nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa giữa bà con nông dân trong vùng; trải qua bao năm tháng thăng trầm, chợ vẫn giữ nguyên bản sắc rất mộc mạc và đời thường của bà con. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, từ tờ mờ sáng đến khoảng 9 giờ sáng thì tan dần, nhưng những hoạt động mua bán vẫn diễn ra suốt cả ngày. Thời gian lý tưởng nhất để tham quan chợ nổi là khoảng từ 5 giờ đến 8 giờ, đây là lúc chợ nhộn nhịp nhất.

Lần trước, chúng tôi đi chợ nổi Cái Răng vào mùa mưa, cho nên chủ tàu phải che bạt, đến chợ chúng tôi chỉ thấy một màn nước phủ trắng xóa. Còn lần này thì là một ngày đẹp trời, nên mọi người có thể di chuyển mọi tư thế để săn ảnh. Cứ thế tàu bắt đầu đi trên con sông Cái Răng trong mờ sương, chợ nhộn nhịp, tấp nập người đi chợ, mà đa phần là khách du lịch. Người dân sông nước Cần Thơ vốn hiền hậu, cho nên trong cuộc mưu sinh, họ dùng đủ loại thuyền lớn nhỏ chở khách, có chiếc thuyền bé tí chở đúng hai người. Vì thế, trong mờ sương, con đường sông từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng dập dìu tàu thuyền đi ngắm chợ nhiều hơn thuyền đi chợ.

Đến chợ, rất dễ dàng nhận ra với đủ loại thuyền lớn, thuyền nhỏ dày đăc trên một khúc sông. Sự thích thú của chúng tôi chính là hình ảnh cây cột chống cao trên thuyền, treo chuối, treo trái thơm, treo trái dưa hấu… mà mọi người gọi là cây “bẹo”để giới thiệu mặt hàng mà họ đang chở để bán. Để rồi cũng như bao nhiêu chiếc thuyền khác, chiếc thuyền của chúng tôi cứ chen trong “chợ” ấy với mục đích nhìn ngắm và chụp ảnh lưu niệm là chính. Dẫu là lần thứ hai đi chợ nổi Cái Răng, nhưng trong lòng tôi vẫn đầy ắp sự tò mò và hào hứng với cái chợ chỉ lênh đênh trên mặt nước vào buổi sáng như thế này. Người buôn bán quen hàng ngày có nhiều khách du lịch tham quan, nên họ vẫn sinh hoạt tự nhiên, không quan tâm đến những người lạ mặt. Thuyền nhỏ tấp vào thuyền lớn, trái cây chất đầy, trả giá xong là vận chuyển vào thuyền nhỏ và thuyền lại chạy đi về phía một điểm hẹn nào đó.

Chợ nổi Nam Bộ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2013.   Ảnh: Minh Phương, Thanh Hà
Chợ nổi Nam Bộ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2013. Ảnh: Thanh Hà.

Du khách sẽ rất thú vị khi được thưởng thức ly cà phê và các món ăn điểm tâm vào buổi sáng sớm trong không khí mênh mang sông nước. Quán ăn là con thuyền nhỏ, bán đủ thứ từ cà phê, nước ngọt, bún, phở, mì gói… Nguyên tắt buôn bán trên sông là “tiền trao cháo múc”, bạn cầm tiền sẵn đưa sang, bên kia đưa hàng hóa… Việc mua bán như thế đối với khách du lịch thuần chất giải trí, tạo cho mình niềm vui hơn là ăn uống. Và đặc biệt cũng có rất nhiều chiếc thuyền nhỏ bán trái cây lưu động, những chiếc thuyền này có hai người, một lái thuyền và một cứ đứng giữa chông chênh ấy mà rao bán. Khách với gọi mua vài kilogam vú sữa, vài kilogam ổi hay thứ gì đó họ đang bày bán. Không cần kiểm tra cân, không cần trả giá, việc mua bán diễn ra mau lẹ, sau đó hai con thuyền tách rời xa nhau.

Cứ thế mà chộn rộn, chợ nổi Cái Răng như không nghỉ ngày nào, mưa hay nắng cũng đều có những con thuyền ra phiên chợ trên sông trong hành trình mưu sinh sông nước.

Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015, được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ ngày 15 - 22/11/2015, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức tái hiện không gian Chợ nổi Nam Bộ và Nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ tới du khách đến với “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Khuê Việt Trường

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site