15:25 | 10/08/2016

Rực rỡ nhà tranh Ndebele

(LV) - Từ cách đây bốn thế kỷ, người Ndebele của Nam Phi, Zimbabwe và một số vùng ở châu Phi đã có những ngôi nhà tuyệt đẹp với các họa tiết rực rỡ trên tường, thể hiện cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc.

>>> Một số luật lệ khó tin trên thế giới 

Sản phẩm độc đáo từ lối sống du cư

Vốn dĩ là các chiến binh nay đây mai đó, sống tạm trong các lều cỏ, vì một trận chiến ác liệt giữa thế kỷ XVIII, họ đã di cư đến địa điểm hôm nay và hình thành nên những sinh hoạt độc đáo, trong đó có việc xây dựng nhà cửa không chỉ để ở mà còn truyền đạt thông điệp về cái đẹp, sức sống và nguyện vọng bảo lưu văn hóa lâu đời.

Tùy nơi, tùy gia đình, mỗi nhà có những hình vẽ, màu sắc khác nhau khiến cả làng như một bảo tàng tranh kỳ thú. Mặc dù vẽ tay, không dùng thước và chỉ ước lượng song các hình vẽ đều rất đối xứng, thẳng hàng. Chúng nằm san sát cứ như thể những chị em song sinh khoác trên mình vô số gam màu sặc sỡ. Nhờ chúng, mỗi ngôi nhà như được mặc áo thổ cẩm và đeo vòng hạt đa dạng. Du khách tới đây đều muốn nán lại, dạo quanh ngôi nhà bởi những hình vẽ sinh động cứ như nhảy múa trước mắt và chạy dài không chỉ mặt ngoài tường nhà, mà còn ở bên trong phòng, các gian bếp, chuồng trại, hành lang...

Những người Ndebele sống ở Nam Phi đã xây dựng và sáng tạo nên hàng loạt các ngôi nhà được trang trí bằng các họa tiết trừu tượng đầy tính nghệ thuật
Những người Ndebele sống ở Nam Phi đã xây dựng và sáng tạo nên hàng loạt các ngôi nhà được trang trí bằng các họa tiết trừu tượng đầy tính nghệ thuật.

Thường phần tường sau và hai tường bên sẽ có các hình học đơn giản, nhẹ nhàng với màu đất mộc mạc, còn tường trước, hướng ra vườn, ra đường vẽ các hình cầu kỳ, sặc sỡ. Ngoài ra, trên các tường rào cũng có họa tiết trang nhã, mà thường là các hình cố định như trái tim, hoa thị, ngôi sao, con sóng, cái chùy, cái khiên, viên kim cương… được xem là các vật bảo hộ hoặc linh hồn của tổ tiên, được viền đen và tô màu tươi thắm.

Phần lớn nhà ở đây đều không có cửa sổ hoặc rất ít cửa sổ, có lẽ để dành diện tích trang trí hoặc đảm bảo sự không ngắt quãng của tranh. Thay vì cửa thật, người ta vẽ những ô cửa giả trên tường, du khách nếu không ở gần thì khó phát hiện nổi. Thường quanh các cửa sổ này sẽ được bao bởi những đường viền bằng vôi trắng, như vậy người xem sẽ hiểu là cửa sổ. Cứ khoảng hai năm, chủ nhà lại cho sửa sang, đổi mới hình vẽ trên tường, nhờ thế mà con cháu, bạn bè xa gần có thể tiếp cận và hiểu biết về phong tục độc đáo này.

Mỗi phụ nữ là một họa sĩ tranh tường

Trong gia đình người Ndebele, chỉ có phụ nữ đảm nhiệm việc vẽ tranh. Điều ấy có lẽ xuất phát từ ý nghĩa đàn ông lo cơm gạo, đàn bà lo tổ ấm. Về hình dạng, nhà Ndebele có hai kiểu cơ bản là hình tròn, nằm khá độc lập và ở cách xa nhau và hình chữ nhật với sân trước (lapa) và tường bao quanh. Trên sân thường có

khu tiếp khách và nấu ăn. Nhà được làm bằng gỗ, quây vách mắt cáo, đắp đất. Nam giới nhờ sức khỏe sẽ phụ trách việc dựng cột, lợp mái còn phụ nữ sẽ đắp vách và tô vẽ. Do đó, cả ngôi nhà là tài sản của người phụ nữ, nó có thể sẽ được dỡ đi nếu người phụ nữ yêu cầu hoặc khi họ mất. Bình thường nhà ai, người ấy vẽ song cũng có lúc hàng xóm chạy sang giúp đỡ. Các bà, các chị thường tụ tập từ 3, 5 – 7 người, vừa nói chuyện vui vừa dùng các ngón tay để vẽ và tô màu. Công việc thủ công tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đầu tiên, họ sẽ quét một lớp vôi trắng lên tường. Kế đó chia bức tường vôi thành nhiều phần hình chữ nhật hoặc vuông, mỗi phần kẻ hai đường chéo màu đen, rồi lần lượt vẽ hoa văn, họa tiết cũng màu đen, cuối cùng tô màu cho chúng gồm các gam nâu, đỏ, đen, hồng, vàng, dương, lam. Các màu này đều lấy nguyên liệu từ tự nhiên như: đất son (đỏ), đá vôi (trắng), than tro (đen), vỏ cây (xanh hoặc vàng)…

Những bức tranh trên tường thường do phụ nữ vẽ
Những bức tranh trên tường thường do phụ nữ vẽ.

Căn cứ vào diện mạo của bích họa, bạn sẽ biết được chủ nhà có cá tính ra sao. Những nhà trang trí cầu kỳ là nhà có người phụ nữ (mẹ hoặc con gái) tài đảm, nết na. Còn nhà sơ sài thì người chủ hẳn rất vụng về, lười biếng. Cũng vì thế trai tráng khi tìm vợ đều đến xem tường của mỗi ngôi nhà trong vùng, xem nhà ai đẹp hơn, ắt sẽ có người con gái đẹp, giỏi giang hơn.

Từ bé, các em gái đã được bà và mẹ dạy vẽ rất cẩn thận và cho đến tuổi cập kê có thể vẽ được hầu hết các mẫu hoa văn trên trang phục. Cô dâu khi về nhà chồng đều được dành cho một gian phòng trắng để ở và tùy ý trang trí theo ý thích của mình, là cơ hội giúp cô thể hiện tài năng. Các họa tiết càng cổ càng đưa cô lên một vị thế cao trong gia đình. Thường là người phụ nữ sẽ vẽ sau khi sinh đứa con đầu lòng. Ngoài vẽ, nhiều phụ nữ còn biết tạc tượng, dệt quần áo, xâu vòng cổ làm ra bộ sưu tập của riêng mình. Là tác giả của các bích họa, những nữ chủ nhân là vợ, là mẹ, chị em ở đây ngoài những chuyện chung của làng xóm còn đưa vào tranh nhiều câu chuyện của gia đình mình hoặc bản thân như một lời tự sự buồn, vui đối với cuộc sống hàng ngày, do đó tạo nên một hệ thống mật mã, ký hiểu giúp cho nơi ở của mình độc đáo, khác lạ và huyền bí hơn so với nơi khác và trở thành địa danh thu hút khách du lịch gần xa.

Chu Mạnh Cường

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site