08:53 | 19/10/2016

Du lịch Thủ đô: Phát triển gắn với bảo tồn di sản

(LV) - Với những thế mạnh riêng, du lịch Thủ đô Hà Nội đã có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ trong những năm qua, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch. Chính những di sản văn hóa đã góp phần làm nên bản sắc riêng của nhiều loại hình du lịch hấp dẫn và ý nghĩa…

>>> Nâng cao hình ảnh của Du lịch 

Đa dạng hóa các loại hình du lịch

Hiện tại, Hà Nội đang phát triển rất nhiều các loại hình du lịch, như hoạt động du lịch giải trí, nghỉ dưỡng với nhiều địa điểm nghỉ dưỡng hình thành và phát triển như Đồng Mô, Đại Lải, Ao Vua… du lịch lịch sử, tâm linh với nhiều di tích nổi tiếng như: Hoàng Thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám... cùng nhiều đền chùa như chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, Đền Ngọc Sơn… góp phần đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới.

Trong quy hoạch tổng thể các sản phẩm du lịch - một trong những sản phẩm được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng và quan tâm là loại hình du lịch văn hóa gắn với di sản, là sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội trong đó tập trung vào loại hình tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, tham quan phố cổ, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng. Mục đích chính của quy hoạch là phát triển đa dạng hóa các loại hình du lịch, bên cạnh đó góp phần bảo tồn và giữ gìn các di sản văn hóa đã gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố. Những di tích lịch sử - văn hóa không chỉ góp phần lưu giữ và phản ánh lịch sử, nó còn có giá trị to lớn trong việc bảo vệ, giữ gìn truyền thống văn hóa Thủ đô. Tuy nhiên, để phát triển hài hòa giữa phát triển du lịch với việc lưu giữ các di tích, lưu giữ di sản truyền thống của dân tộc là một bài toán còn nhiều thách thức.

Phát triển chưa xứng tầm

Thực tế cho thấy, trong những năm qua lượng khách du lịch đến với Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ đô. Đặc biệt với một địa phương có số lượng di tích lịch sử - văn hóa lớn nhất trong toàn quốc với hơn 5.000 di tích các loại.

Khảo sát thực trạng hệ thống cơ sở lưu trú, thống kê các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, văn phòng đại diện, các chi nhánh du lịch trên toàn địa bàn cho thấy trong mùa cao điểm, khi mà lượng khách gia tăng hệ thống khách sạn còn thiếu, chưa đáp ứng được khả năng lưu trú của du khách, trong khi đó các doanh nghiệp lữ hành, chi nhánh du lịch chưa cung cấp được những sản phẩm du lịch riêng biệt và mới lạ, việc tổ chức các tour du lịch gắn với những di sản văn hóa còn chưa thực sự đa dạng và hấp dẫn.

Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội
Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội.

Việc phát triển du lịch Hà Nội gắn với bảo tồn di sản văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch. Xứng tầm của một trung tâm có số lượng khách du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc. Hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện không chỉ giúp phát triển ngành du lịch mà còn quảng bá các di sản ngàn năm văn vật đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Biến di sản thành sản phẩm du lịch

Hiện nay, một trong những hạn chế cơ bản của du lịch Thủ đô là thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Chiến lược phát triển du lịch Hà Nội trong giai đoạn tới sẽ ưu tiên khắc phục hạn chế này. Trong trường hợp này, bản thân các di sản văn hoá, đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới là những tài nguyên du lịch có giá trị. Vấn đề là cần có quy hoạch và đầu tư hợp lý để biến những giá trị di sản văn hoá thành sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch.

Chùa Một Cột
Chùa Một Cột.

Bên cạnh đó, cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, trong nhiều trường hợp cộng đồng chính là linh hồn, là tâm điểm của di sản. Chính vì vậy phát triển du lịch di sản không thể tách rời phát triển cộng đồng ở khu vực di sản và lợi ích có được từ du lịch di sản phải được chia sẻ với cộng đồng. Trong trường hợp này, cộng đồng sẽ là nhân tố tích cực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên quê hương của họ. Phát triển du lịch văn hoá gắn với cộng đồng sẽ còn khai thác được những giá trị văn hoá bản địa góp phần làm đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch điểm đến, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch.

Để phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản thế giới, hoạt động xúc tiến du lịch văn hóa thông qua sự hợp tác với các nước trong khu vực sẽ có ý nghĩa quan trọng. Để các ý tưởng gắn kết du lịch di sản văn hoá, cần thiết phải có liên kết phát triển du lịch giữa các vùng du lịch; giữa du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực thông qua một số chương trình cụ thể. Việc quảng bá và phát triển các chương trình này chính là phương thức phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Anh Vũ

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site