15:36 | 12/09/2017

Chuyên nghiệp trong làm du lịch

Cần tự mình giúp mình

(LV) - Nói về tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, thoạt đầu nhiều người cho rằng đó là thứ gì cao siêu, khó đạt tới với một nước nghèo như Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, thực tế cho thấy, chuyên nghiệp không phải quá xa vời. Chuyên nghiệp ở nhiều tầm mức và Việt Nam hoàn toàn có thể có một môi trường du lịch chuyên nghiệp.

 >>> Bến Tre chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Mất lợi thế vì thiếu chuyên nghiệp

Du khách quốc tế đến Việt Nam tăng từng năm, nhưng thường lưu lại ngắn ngày, chi tiêu không nhiều và “một đi không trở lại” đang là những trở ngại, kìm hãm sức hút đầu tư cũng như khả năng sinh lợi, khả năng hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Chia sẻ thực tế từ cá nhân, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup đưa ra một ví dụ cụ thể về tính chuyên nghiệp là khi ông ở tại một khách sạn ở Huế, đang trong phòng thì một kỹ thuật viên đạp cửa xông vào rồi nói, “Thôi chết em tưởng không có ai” và việc này tạo ra cảm giác rất khó chịu.

 

Chuyên nghiệp trong cách phục vụ sẽ góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế
Chuyên nghiệp trong cách phục vụ sẽ góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Ông Trịnh Minh Tú, Phó tổng giám đốc Hanoi Toserco (Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hà Nội) nêu khó khăn chung của các doanh nghiệp du lịch tại các điểm đến. Ví dụ: “Theo quy định của Bộ Tài chính, thanh toán tiền vé thắng cảnh Vịnh Hạ Long nếu từ 20 triệu trở lên thì phải chuyển khoản. Tuy nhiên, khi đưa đoàn khách đến Vịnh Hạ Long, chúng tôi đã liên hệ rất nhiều kể cả bằng điện thoại, công văn tới UBND TP. Hạ Long yêu cầu cung cấp số tài khoản để chúng tôi được phép thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước mà hơn một năm nay vẫn không có phản hồi nào cả. Khi đó, doanh nghiệp phải cầm tiền mặt giao trực tiếp cho hướng dẫn viên xuống mua vé. Khi gặp đoàn khách đông, số lượng tiền lớn, việc này nảy sinh hai vấn đề: một là không đảm bảo về an toàn, hai là không đúng quy định của Bộ Tài chính…

Theo các chuyên gia, môi trường du lịch còn nhiều bất cập, kinh doanh lữ hành bất hợp pháp, tình trạng đeo bám, ép khách, không đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm, ứng xử của người dân với du khách ở một số nơi chưa văn minh… là những nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam bị đánh giá thấp. Để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tính chuyên nghiệp là bước đi không thể đảo lùi với du lịch Việt.

Chuyên nghiệp từ những việc nhỏ

Nói về tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, có hai nội dung cần xác định là chuyên nghiệp của quản trị nhà nước và chuyên nghiệp của quản lý kinh doanh. Hiện nay, du lịch ở nhiều nơi vẫn đang phát triển một cách tùy nghi tùy hứng, phát triển thiếu tầm nhìn, kiểu “đánh cờ nước một”. Trong khi đó, chuyên nghiệp trong quản trị quốc gia phải bắt đầu từ tầm nhìn định hướng chiến lược, tạo ra cơ chế khuôn khổ cho du lịch. Do đó, cần lật lại cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch với các địa phương giữa các bộ, ngành liên quan.

Trình bày món ăn đẹp mắt là một trong những cách hữu hiệu thể hiện tính chuyên nghiệp
Trình bày món ăn đẹp mắt là một trong những cách hữu hiệu thể hiện tính chuyên nghiệp.

Một điển hình về làm du lịch tương đối thành công ở Việt Nam, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, chia sẻ, nhận thức rằng phát triển du lịch không chỉ đem tới lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao mức sống cho người dân, mà còn góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Do đó, huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện chính là việc làm rất thiết thực; là chìa khóa bảo đảm cho ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững. Trong thời gian qua Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình thành phố “5 không”: Không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của và “3 có”: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đà Nẵng cũng ban hành đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn thành phố đến năm 2020: An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm và An sinh xã hội và triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó với các doanh nghiệp có tham gia hoạt động du lịch, tính chuyên nghiệp được nhìn nhận rất cụ thể. Theo ông Lê Khắc Hiệp, “chuyên nghiệp là phần rất quan trọng của du lịch vì khách hàng đã bỏ nhiều tiền để sử dụng dịch vụ du lịch mà không được phục vụ chuyên nghiệp thì rất khó chịu. Công tác kinh doanh du lịch cần có quy trình chuẩn chỉ cho tất cả các khâu từ những việc nhỏ nhất như vào phòng của khách thì phải gõ cửa thế nào, phải nói gì, ứng xử ra sao… Trong một cơ sở kinh doanh có nhiều bộ phận và nơi nào cũng cần chuyên nghiệp, do đó cần chuẩn hoá, đơn giản hoá, để làm sao động tác đơn giản mà rất chuyên nghiệp vẫn mang lại sự hài lòng cho khách hàng”.

 

Đồng tình với quan điểm này, từ thực tế tập đoàn mình, theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, “chúng ta hoàn toàn có thể xây những khu du lịch tầm cỡ, những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Và để tạo dựng được những công trình nhằm ghi danh Việt Nam lên bản đồ thế giới, chúng tôi đã mời bằng được những kiến trúc sư lừng danh thế giới, những đơn vị thiết kế, nội thất nổi tiếng toàn cầu. Nhưng có một việc mà kể cả những người khổng lồ trên thế giới trong lĩnh vực du lịch cũng không thể làm giúp chúng ta được, đó là tạo đẳng cấp, chất lượng ngay từ ý thức làm du lịch, ý thức, thái độ phục vụ của từng cá nhân trong ngành du lịch. Văn hóa, văn minh đó không phải từ những gì cao siêu mà đơn giản là từ những nghi thức cúi mình xin chào khách từ lúc khách đến cho đến khi khách đi. Chúng ta có thể gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi, và chi nhiều tiền hơn. Nhưng chúng ta cần cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay, nếu không thay đổi cung cách, thái độ của người làm du lịch và cộng đồng. Đẳng cấp, chất lượng của du lịch Việt Nam sẽ được dễ dàng tạo dựng, nếu chúng ta quyết tâm làm, và làm du lịch bằng cái tâm của chính các nhà đầu tư và của mỗi người Việt Nam”.

Linh Lan

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site