22:15 | 24/11/2018

Làng gốm Thanh Hà: Dấu xưa hồn đất

(LV) - Không theo con đường chính trải nhựa từ phố cổ tới Thanh Hà. Tôi men theo dòng Thu Bồn, qua hàng tre trúc xanh rì mát lành và bến thuyền neo đậu bên sông. Một khung cảnh làng quê Việt đẹp yên bình trải dài cho đến làng gốm có tuổi đời hơn 500 năm.

 >>> Tinh hoa nghề truyền thống Huế

Bảo tàng sống về nghề gốm cổ truyền

Sáng sớm, ngôi làng Thanh Hà trong vắt sương mai, tiếng chim lảnh lót bên những hàng rào cây thấp đặc trưng. Hàng rào cây bao bọc những ngôi nhà ngói xưa của Thanh Hà tạo thành một mê cung xanh với những ai lần đầu đến ngôi làng gốm cổ. Trong mê cung ấy, bên những đèn, chậu, bát, hủ, lu, nồi, niêu, các vật trang trí bằng gốm chung một màu hồng đỏ trầm mặc bao giờ cũng có một thợ gốm với bàn xoay cần mẫn.

 

Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đang tạo dáng cho sản phẩm
Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đang tạo dáng cho sản phẩm.

Xoay về quá khứ, trong cuốn Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn đã đề cập đến gốm “Cochi”, “Cauchi” (Giao Chỉ) được người nước ngoài ưa chuộng. Trong dòng gốm này có cả gốm Thanh Hà xứ Quảng. Từ thế kỷ XVII, do việc tái tạo thành phố Hội An mà sinh ra ngành gạch ngói rất thịnh hành ở Thanh Hà. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu địa phương các vùng lân cận mà còn trở thành một mặt hàng trao đổi mua bán cho cả xứ Đàng Trong. Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân được gọi ra Huế xung vào đội thợ xây dựng cố cung. Thanh Hà cũng chính là nơi sản xuất và cung cấp gạch, ngói lợp cho các ngôi nhà cổ ở Hội An - nơi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Sản phẩm gốm Thanh Hà chủ yếu là gốm sành nâu, thỉnh thoảng có gốm tráng men, được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét. Qua bàn tay của các nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống, gốm Thanh Hà có chất lượng bền đẹp, trở thành mặt hàng được nhiều thương gia lựa chọn khi đến phố Hội.

 

Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đang tạo dáng cho sản phẩm
Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đang tạo dáng cho sản phẩm.

Ngày nay, làng gốm Thanh Hà không còn cảnh tấp nập như thời hoàng kim nhưng nhiều nhà trong làng lò vẫn đỏ lửa. Làng gốm Thanh Hà vẫn tồn tại và hoạt động sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống. Chính vì thế làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung. Ngoài những lò gạch lớn rải rác cách xa nhau thì hầu như mỗi gia đình nơi đây đều có những lò gốm nhỏ nằm trong sân vườn. Các sản phẩm thường nằm chất đống ngổn ngang chờ phân loại cho khách hàng đến mua, phân phối cho các chợ Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng và các địa phương khác... Nhiều gia đình ở Thanh Hà giờ đây không làm hàng để bán nhiều mà chủ yếu phục vụ khách du lịch đến tìm hiểu nghề. Chị Maria (du khách Pháp) vốn là người học kiến trúc rất thích thú khi đến Thanh Hà. Điều chị tìm thấy ở Thanh Hà là một số ngôi nhà cổ khác biệt, hàng rào theo lối cũ và con đường nhỏ quanh làng tạo nên vẻ yên bình đáng sống. Chị cho rằng dù nhiều sản phẩm gốm Thanh Hà giờ chủ yếu làm đơn giản bán cho khách du lịch nhưng chị vẫn mua những chiếc đèn gốm ở đây. Nó khá hợp với phong cách trang trí hiện đại.

Điểm đến độc đáo

Trong câu chuyện về nghề gốm ở Quảng Nam, anh Nguyễn Văn Sáu, một chủ gia đình làm gốm của Thanh Hà kể với chúng tôi về cuộc mưu sinh của đời anh. Thời trẻ, anh bươn chải khắp các làng gốm trong Nam ngoài Bắc, rồi cũng đủ nghề nhưng cuộc đời nay đây mai đó cũng không mang lại một cuộc sống đầy đủ. May mắn thay, những năm gần đây, nghề gốm quê hương được hồi sinh. Thanh Hà trở thành địa chỉ được khách du lịch ưa chuộng. Anh quay về cùng vợ con chăm lo cho lò gốm nhỏ của gia đình. Cuộc sống khấm khá hơn. Gia đình anh lại được đoàn tụ sum vầy, vì thế việc giữ lửa lò gạch, giữ làng, giữ nhà được anh và những người dân trong làng bây giờ coi như chính là giữ lửa cho cuộc sống của họ.

 

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm gốm
Du khách nước ngoài trải nghiệm làm gốm.

Anh Sáu khoe với chúng tôi về Công viên đất nung Thanh Hà được xây dựng từ năm 2011 và chính thức được đưa vào hoạt động năm 2015. Với diện tích rộng hơn 6.500 m2, gồm hai bố cục chính bao gồm: Lò úp - nơi lưu giữ những tác phẩm gốm truyền thống của làng nghề gốm Thanh Hà; Lò ngửa với ba tầng là nơi để trưng bày và tổ chức các buổi triển lãm sản phẩm gốm mới, trong đó mỗi hộ dân sẽ có một lô riêng để giới thiệu sản phẩm do chính gia đình mình sản xuất ra. Nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của nhân loại được tái hiện một cách rõ nét và sinh động nơi đây như: Tháp nghiêng Pisa (Italia), đền Taj Mahal (Ấn Độ), nhà hát Sydney (Australia)... Không chỉ là công viên đất nung, nơi đây còn là Bảo tàng nghề gốm của Việt Nam với hàng nghìn sản phẩm gốm, hiện vật gốm, tranh ảnh... liên quan đến lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc điêu khắc gốm của người Việt. Công viên đất nung Thanh Hà được đề cử trong top 10 công trình kiến trúc ấn tượng nhất của Việt Nam năm 2016. Công viên là niềm tự hào của dân làng cũng như nghề gốm của làng.

 

Thu hoạch mẻ gốm vừa ra lò
Thu hoạch mẻ gốm vừa ra lò.

Trở về từ Thanh Hà chúng tôi mang theo những đồ vật nhỏ xinh làm kỷ niệm của một vùng quê Việt thuần phác. Những người dân Thanh Hà hẹn gặp chúng tôi vào lễ hội làng Gốm. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là một hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân Thanh Hà mang đậm tín ngưỡng dân gian với nhiều nghi thức cổ truyền được chính các nghệ nhân và bà con nhân dân trong làng thực hiện.

Linh Lan

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site