12:17 | 16/12/2019

Thiêng liêng cực Tây A Pa Chải

(LV) - Mang trong mình nét đẹp xanh tươi trùng điệp của núi rừng Tây Bắc, A Pa Chải không đơn giản là nơi có cột mốc ngã ba biên giới, cũng không đơn giản là điểm mốc cực Tây thân yêu của Tổ quốc, mà nơi đây còn hội tụ nét đặc trưng của không gian văn hóa vùng cao độc đáo.

Đi để trải nghiệm...

A Pa Chải là đỉnh núi nằm ở độ cao hơn 1.800 m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên), cách thành phố Điện Biên 250 km. Theo tiếng Hà Nhì, A Pa Chải có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. Đây là nơi sinh sống từ lâu đời của đồng bào Hà Nhì. Vùng đất này khá đặc biệt bởi đây là điểm cực Tây của đất liền Việt Nam, nơi tiếp giáp với biên giới Lào, Trung Quốc. Vì thế, vào sáng sớm tinh sương, con gà cất gáy trên đỉnh A Pa Chải là cả ba nước nghe thấy.

Tình quân dân sâu đậm của những người lính biên phòng A Pa Chải
Tình quân dân sâu đậm của những người lính biên phòng A Pa Chải.

Vào mùa xuân và mùa thu (từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch) là thời điểm lý tưởng để chinh phục, khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của A Pa Chải. Vào mùa thu, bên triền núi, những thửa ruộng bậc thang của người Hà Nhì uốn lượn như những đường viền tô điểm sắc xanh, sắc vàng cho núi. Dưới chân núi còn có những vạt cải nương đang trổ hoa rực vàng dưới nắng chiều. Vào mùa xuân, hoa mận, hoa mơ, hoa đào và hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc tạo nên những họa tiết tươi đẹp cho bức tranh A Pa Chải giữa mây trời. Hoa dã quỳ mọc hai bên những con đường mòn và cả bên triền núi khiến cho không gian rực vàng.

Hành trình khám phá A Pa Chải không chỉ là hành trình thử thách sức khỏe mà còn cả ý chí của người chinh phục. Vào mùa khô đường lên A Pa Chải có phần dễ đi hơn, bởi mùa mưa con đường sẽ nhanh chóng trở nên trơn trượt. Tuy nhiên mùa này mây mù ngập lối, luôn thường trực là cảm giác âm u, ẩm ướt của cánh rừng già. Bởi vậy, không mưa nhưng con đường nhỏ hẹp, khúc khuỷu, gập ghềnh lên cột mốc số 0 trở thành thử thách đáng gờm của bất kỳ ai mê chinh phục. Với độ dốc lớn, bạn phải đi thẳng một mạch chứ không thể vừa đi vừa nghỉ, đôi khi phải nhặt cây làm gậy, bám dây leo để cố đu lên.

… Để biết yêu thương từng tấc đất của Tổ quốc

Sau chặng đường dài, A Pa Chải hiện ra trước mắt với một không gian núi non trùng điệp rộng lớn và khoáng đạt. Bao nhiêu ưu phiền, mệt nhọc xua tan khi được tận tay chạm vào mốc số 0, nơi phân chia ranh giới 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Cột mốc được cắm vào ngày 27/6/2005. Toàn bộ cột mốc được làm bằng đá granit, được đặt trên bệ hình lục giác, ngoài cùng là khối vuông với diện tích 5 x 5 m. Cột mốc cao 2 m với 3 mặt quay về 3 hướng, bên trên mỗi mặt là tên nước bằng tiếng quốc ngữ và quốc huy riêng của mỗi quốc gia. Đến đây bạn sẽ chứng kiến nghi thức chào và kiểm tra mốc số 0 của các chiến sĩ đồn biên phòng A Pa Chải. Sau khi làm lễ chào cờ, hát Quốc ca, ngắm thật lâu hình Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, cảm thấy dâng dâng lòng tự hào dân tộc.

Nghi thức chào cờ linh thiêng trên cột mốc số 0 A Pa Chải
Nghi thức chào cờ linh thiêng trên cột mốc số 0 A Pa Chải.

Đứng từ mốc số 0 ở A Pa Chải nhìn xuống, chúng tôi cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc và trân trọng từng tấc đất quê hương mình. Trân trọng phút giây hòa bình mà đất nước có được ngày hôm nay. Càng trân trọng bao nhiêu, lại càng cảm thấy biết ơn những người lính biên phòng nói chung và những người lính biên phòng ở đồn A Pa Chải nói riêng. Họ ngoài nhiệm vụ bảo vệ từ cột mốc số 0 đến cột mốc số 8, có đường biên giới giao với nước bạn Lào và Trung Quốc, còn thực hiện nhiệm vụ kết nối quân - dân, tuyên truyền để người dân hiểu hơn về chủ quyền biên giới.

Kết thúc cuộc hành trình, chúng tôi quay lại Đồn Biên phòng A Pa Chải, chúng tôi được các chiến sĩ mời ăn bữa cơm trưa ngay tại đồn. Cũng chỉ là những món ăn hàng ngày như rau, thịt lợn, cá, chỉ có điều khác đây là những sản phẩm do chính các chiến sĩ tự nuôi trồng và chế biến, chất chứa tình cảm quân - dân. Bữa cơm đầu tiên của tôi với những người lính biên phòng A Pa Chải giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tình quân dân. Thêm yêu những người lính biên phòng.

Những món quà ý nghĩa của Ban tổ chức Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi gửi tặng tới bà con nơi đây
Những món quà ý nghĩa của Ban tổ chức Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi gửi tặng tới bà con nơi đây.

A Pa Chải như cô gái xinh đẹp, kiêu kỳ, muốn thử thách lòng kiên nhẫn lẫn thành ý của những lữ khách đam mê khám phá cũng là đạo lý thường tình, “đi để trải nghiệm và để biết yêu thương từng tấc đất của Tổ quốc mình”. Có vất vả, mạo hiểm, xuyên rừng, leo dốc, bám cây… nhưng đến được cực Tây là hoàn toàn xứng đáng với lòng quyết tâm của du khách. Bởi đó là cung đường chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

 

Lưu ý: Để chinh phục được A Pa Chải bạn phải xin được thủ tục cho phép lên A Pa Chải.
Trước khi là địa điểm du lịch thì A Pa Chải là nơi trọng yếu về biên giới và chủ quyền. Hãy chắc chắn là mình mang đủ bộ 3: Chứng minh nhân dân, giấy giới thiệu từ cơ quan nơi mình sinh sống, địa chỉ làm việc và liên hệ. Bạn đến Bộ chỉ huy quân sự Điện Biên để xin phép. Có được giấy phép bạn mới có thể đi qua đồn biên phòng và chính quyền địa phương tại A Pa Chải để được lên với khu địa giới quan trọng này.

Kim Nương

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site