07:25 | 10/10/2018

Phim truyền hình nhiều tập - càng xem càng chán!

(LV) - Phim truyền hình nhiều tập “Quỳnh Búp bê” vừa bị tạm dừng phát song một thời gian trên Đài Truyền hình Việt Nam, với lý do: đề tài “nhạy cảm” và có nhiều nội dung “tự nhiên chủ nghĩa”. “Quỳnh Búp bê” bị dừng phát sóng không “oan”, mà “oan” ở chỗ nhiều bộ phim khác cũng sai như nó mà vẫn được phát sóng đàng hoàng.

>>> Đợt phim kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Phim miêu tả cái xấu nhiều hơn cái tốt

Những năm gần đây, tuy không phải là tất cả, nhưng đã có nhiều bộ phim truyền hình nhiều tập khắc họa khá đầy đủ hình ảnh “người Việt xấu xí” trên màn ảnh nhỏ. Những bộ phim như thế nhiều lắm, đơn cử như: “Bữa tối của diều hâu”, “Nhà ông Hoàng có ma”, “Chạm vào danh vọng”, “Vòng vây hoa hồng”, “Nếu còn có ngày mai”… những bộ phim này được nhắc tới, đơn giản là vì tôi còn nhớ được, vì chúng mới được phát sóng trên truyền hình cáp và Đài Truyền hình Việt Nam.

Cảnh trong phim Nếu còn có ngày mai
Cảnh trong phim Nếu còn có ngày mai.

Thử lấy phim “Nếu còn có ngày mai” (dài hơn 30 tập), vừa phát xong trên VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam (chiều thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần), xem “bản chất xấu xa” của người Việt Nam được các nhà làm phim khắc họa như thế nào! Bố của Duyên nhu nhược, để mẹ ghẻ hành hạ con riêng của mình, chỉ biết lấy rượu giải khuây và cuối cùng chết vì rượu. Mẹ ghẻ của Duyên hành hạ con chồng như với kẻ thù, bằng tất cả tâm địa xấu xa và có phần thích thú với dã tâm ấy. Bố chồng của Duyên bề ngoài đạo mạo, nhưng đã nhiều lần ngủ với con ở. Chồng Duyên bỏ bê vợ con, tằng tịu với Trâm và nghiện ngập. Mẹ chồng Duyên nghiện cờ bạc, chỉ muốn Duyên đẻ con trai để nối dõi, nếu không sẽ tống Duyên ra khỏi nhà. Duyên - một người bị mẹ ghẻ hành hạ đến điều, bề ngoài ra vẻ hiền thục, chịu đựng, nhưng bên trong lại là một nhân cách đáng sợ: Cướp người yêu của Ngọc (em gái cùng cha khác mẹ với mình), lập mưu trả thù Ngọc mặc dù cô không có lỗi gì. Khi hai chị em cùng đẻ con một ngày, Duyên đã tráo con trai của em, để mưu đồ có vị trí trong nhà chồng. Khi con ở vô tình làm chết mẹ chồng, Duyên đã lập mưu đổ tội cho Trâm - nhân tình của chồng mình… Tất nhiên là cuối cùng Duyên phải đền tội, nhưng “khắc họa một cách sinh động” một con người tàn độc đến như vậy, những người làm phim vô tình đã khiến người xem ghê sợ. Và đây có thể là hành động vô tình “khuyến khích” cái ác và “vẽ đường cho hươu chạy”? Một bộ phim dài mấy chục tập chỉ trĩu nặng buồn đau và ác độc.

Cảnh trong phim Người phán xử
Cảnh trong phim Người phán xử.

Không phải là tất cả, nhưng đa số các phim truyền hình nhiều tập của Việt Nam những năm gần đây đã miêu tả quá kỹ, quá sâu phần “con”, phần “tăm tối” của con người cũng có những con người tốt trong các bộ phim này, nhưng người tốt thì quá ít và cũng có khi bị diễn tả hời hợt, thiếu thuyết phục. Thông thường mấy tập đầu của một bộ phim nhiều tập, các tác giả dành để triển khai cốt truyện, tình huống… Còn hầu như tất cả các tập tiếp theo dành để miêu tả, khắc họa cái xấu, tâm địa hiểm độc của nhân vật trong ứng xử với đồng nghiệp, với bạn bè; thậm chí cả với người thân. Mục đích sống của những người này là tiền và quyền lực. Vì tiền và quyền lực họ có thể làm tất cả, thực hiện mọi tội ác, dẫm đạp tất cả lên cái gọi là “đạo đức, lương tâm… Cứ thế cái ác được phô diễn, được tung hoành trong mấy chục tập. Khi cái ác đã tác oai tác quái đến mức tối đa, những người làm phim cho “hạ màn”, gói ghém lại một cách vội vã với tiêu chí: cái ác bị trừng phạt.

Cảnh trong phim Quỳnh búp bê
Cảnh trong phim Quỳnh búp bê.

Có thể nói phim truyện truyền hình nhiều tập của ta trong những năm qua đã mắc phải căn bệnh giản đơn, sơ lược, giáo điều mới. Trước kia người ta chỉ miêu tả những con người cực tốt còn bây giờ là những con người cực xấu. Thực ra người ta ai cũng có tốt có xấu. Người xấu thì tính xấu nhiều hơn tính tốt. Còn người tốt thì tính tốt nhiều hơn điều xấu. Chỉ có ma, quỷ mới xấu 100%. Những năm qua nhiều phim truyền hình của ta chỉ toàn khắc họa ma quỷ và thánh thần, tức là những nhân vật không có thật. Những người làm phim tưởng như thế là hấp dẫn được khán giả, nhưng họ không biết rằng sự chân thật sẽ hấp dẫn người xem dài lâu và có tính giáo dục mạnh mẽ nhất. Khán giả màn ảnh nhỏ lựa chọn phim trước hết là để giải trí và từ giải trí lành mạnh mà có sự cảm hóa hoặc suy nghĩ, theo những điều mà các nhân vật mình yêu thích. Cả hai điều này những bộ phim mà tôi tạm gọi là “bôi đen” người Việt đều không đạt được.

Thiếu những bộ phim mang thông điệp có giá trị về cuộc sống

Tiện đây cũng xin nói đến hai bộ phim từng (hoặc đang) được coi là “hot” trên truyền hình. Ấy là bộ phim “Cả một đời ân oán” (đang chiếu trên VTV3) và “Người phán xử” (chiếu trên truyền hình năm 2017). Cả hai bộ phim này đều kéo dài mấy chục tập, chỉ đi vào miêu tả những ân oán vụn vặt, một lối sống riêng có, khép kín của Vũ Gia, bất chấp lối sống đạo lý quen thuộc (trong phim “Cả một đời ân oán”), một bộ phim miêu tả một ông trùm xã hội đen, bất chấp tất cả, khuynh loát tất cả (trong phim “Người phán xử”). Nhưng không thấy VTV phê phán gì cả, lại còn khen “đứt lưỡi”. Phải chăng cả hai phim đều viết lại dựa theo kịch bản của nước ngoài nên được đánh giá, khen chê cũng theo một tiêu chuẩn khác - không giống ai?.

Cảnh trong phim Cả một đời ân oán
Cảnh trong phim Cả một đời ân oán.

Những phim “làm lại” này ngày càng nhiều, chứng tỏ kịch bản phim truyền hình coi được ngày càng hiếm, buộc những người làm phim phải “lấy của người làm của mình”. Việc làm “ăn sẵn” này vừa không khuyến khích sự sáng tạo của các tác giả kịch bản trong nước, vừa nguy hại ở chỗ nếu có mắc những khuyết điểm như phim trong nước thì không những không bị phê phán mà có khi còn được khen thưởng, trao giải.

Chạm vào danh vọng
Chạm vào danh vọng.

Có thể nói xem phim truyền hình nhiều tập của Việt Nam hiện tại thấy con người ác độc quá, cô đơn quá trong cõi đời này. Tính thiện và tính xã hội trong những phim này hoàn toàn không có. Xin hãy “gạn đục khơi trong” trong việc khắc họa những nét đẹp của con người và hãy đừng đi từ giản đơn này sang cực đoan khác. Xin những người làm phim và những người duyệt phát sóng hãy giữ cho màn hình của chúng ta luôn luôn sạch sẽ và nhân bản. Đấy là con đừng đúng nghĩa và ngắn nhất đi đến trái tim khán giả.

Trần Bảo Hưng

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site