22:43 | 26/03/2010

Môn phái Lâm Sơn Động - Những điều kỳ diệu

Đăng Khoa

Vận khí sinh công, dùng nội lực đẩy cong thanh sắt; dồn khí lên đầu, dùng đầu đập vỡ thanh gang dài 75cm. Đó là hai trong số những tiết mục được phát trên sóng VTV3, Đài THVN, là kỷ lục quốc gia. Đằng sau những màn biểu diễn ấn tượng đó, các võ sinh Lâm Sơn Động phải trải qua biết bao khổ luyện để có thể trở thành “cao thủ”…

Một ngày đầu hè, chúng tôi đến võ đường môn phái Lâm Sơn Động (xã Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội), tọa chênh chếch trên đồi cao, xung quanh cây cối mọc um tùm.

 

Đón chúng tôi là võ sư Ngọc Hải, quyền trưởng môn phái và các môn sinh của ông. Được biết, Kung-fu Lâm Sơn Động là môn võ của dòng họ võ sư Ngọc Hải, truyền lại tới nay được 7 đời và chính thức thành lập năm 1990. Tên gọi “Lâm Sơn Động” (rừng núi chuyển động) xuất phát từ hệ thống quyền cước, binh pháp bản môn mang đậm nét dân gian và trong các bài quyền có đầy đủ tượng hình của các loài động vật.

Khổ luyện thành “cao thủ”

Tại võ đường, chúng tôi nhận ra môn sinh Nguyễn Khả Trường - người đã từng khiến khán giả truyền hình Việt Nam trầm trồ thán phục khi xác lập 4 kỷ lục quốc gia trong “Những chuyện lạ Việt Nam”, với các môn Giáp Pháp Công (úp bát vào bụng kéo xe ôtô nặng 5 tấn); Thiết Bối Sam Công (đập gậy vào ống tay gãy gậy)… Để có được thành công đó, Trường mất 10 năm theo học ở môn phái. Hàng ngày tập luyện đều đặn, sáng, chiều, mỗi buổi 2 - 3 giờ. Khi chúng tôi hỏi Trường bây giờ đã thành “cao thủ” chưa, anh cười hiền: “Tôi chỉ thực hiện được một vài tiết mục thôi, chứ so với thầy thì còn thua xa”.

Môn phái Lâm Sơn Động có 5 hàng phân cấp là Sơ đẳng, Trung đẳng, Thượng đẳng, Cao đẳng và Siêu đẳng. Với võ sư Ngọc Hải, người có thể thực hiện tất cả các bài quyền của môn phái, đạt được cấp siêu đẳng phải tốn hơn 20 năm luyện khí công bản môn, chưa kể thuở nhỏ đã tập võ thuật căn bản.

Tuy đã được gọi là “đắc khí”, song mỗi ngày, võ sư Ngọc Hải vẫn phải thường xuyên luyện tập, vì theo ông, khi đã có thể vận hành “nội cung” theo ý muốn, nếu không tập luyện thường xuyên, kung-fu có thể sẽ mất đi. Để trở thành “cao thủ”, họ phải tuyệt đối “kiêng” những chất kích thích như rượu, bia, cà phê,... phải nắm vững những kiến thức về y học, vật lý... để có thể vận dụng trong các bài biểu diễn.

Điều kỳ diệu

Võ sư Hải kể cho chúng tôi nghe về điều kỳ diệu trong một lần khám sức khỏe bất đắc dĩ. “Cuối năm 2006, tôi được mời sang Nhật Bản tham gia hoạt động giao lưu võ thuật Việt - Nhật. Vừa xuống sân bay, tôi được đưa tới một bệnh viện nổi tiếng của Nhật. Kết quả kiểm tra đã làm mọi người sửng sốt. Tỉ lệ, mật độ xương, cơ bắp, khớp và nội tạng của tôi giống hệt thể trạng một thanh niên ở độ tuổi 17, trong khi tôi đã ở tuổi ngoại tứ tuần”.

Ngoài võ sư Ngọc Hải, trong môn phái còn có một số võ sư khác cũng có võ công thâm hậu. Võ sư Huỳnh đã biểu diễn tiết mục Giáp Pháp Công (hít bát vào bụng treo trên không tại Matxcơva (Nga); Nhãn Bì Khiêu Thủy (dùng cơ năng hai mí mắt kẹp hai đồng xu vào lòng con ngươi và buộc dây nhấc hai thùng nước); Chỉ Huyết Điều Khí (điều khí không đo được huyết áp và nhịp mạch) - tiết mục này được đưa vào danh sách ứng cử kỷ lục Guinness Thế giới.

Mấy năm gần đây, thầy trò môn phái đã đi biểu diễn nhiều nơi, đáng chú ý là trong năm 2006, Lâm Sơn Động phái đã tham gia chương trình biểu diễn võ thuật phục vụ hội nghị APEC 14 với màn biểu diễn tổng hợp “Sức mạnh Việt Nam”.

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site