10:20 | 15/04/2014

Ăn gạo lứt tăng cường sức khỏe

(LV) - Gạo lứt từ lâu đã được nhiều người sử dụng như loại thực phẩm để tăng cường sức khỏe, nhiều người còn cho đó là loại thực phẩm “thần kỳ” chữa nhiều bệnh tật.

Cách chọn gạo lứt

Gạo lứt hạt tròn và có màu đỏ là tốt nhất; lý tưởng nhất là tìm được loại gạo sạch (gạo nương chẳng hạn). Gạo lứt có thể để khoảng 4 - 5 tháng. Nếu để lâu, chất dầu trong lớp cám sẽ bị hư, gạo sẽ có mùi, không thể sử dụng được nữa nên khi mua gạo, bạn nhớ kiểm tra ngày sản xuất và thời hạn sử dụng thật kỹ, chọn mua gạo mới với số lượng vừa phải.

Gạo lứt còn gọi là gạo rằn, gạo lật - loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo. Gạo lứt có ba phần chính là lớp cám gạo, phôi và nội nhũ. Nội nhũ chiếm phần lớn và chủ yếu là glucid có giá trị chính là cung cấp năng lượng. Lớp cám và phôi tuy chỉ chiếm 10% hạt nhưng lại chiếm tới 65% các chất có giá trị dinh dưỡng.

Có loại gạo lứt trắng và gạo lứt đỏ, gạo lứt tẻ và gạo lứt nếp. Các loại gạo này đều rất giàu dinh dưỡng, đó là các chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin như B1, B2, B3, B6; các axit như pantothenic (vitamin B5), paraaminobenzoic (PABA), folic (vitamin M), phytic; các nguyên tố vi lượng như canxi, sắt, magiê, selen, glutathion (GSH), kali và natri.

Thực phẩm “vàng” cho sức khỏe

Theo Đông y, gạo lứt rất bổ và có tính thanh nhiệt, trấn an thần kinh, giảm lo âu. Gạo lứt có khả năng ngăn sự xuất tiết của dạ dày và đại tràng nên có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh đường ruột.

Chống táo bón, tim mạch: So với gạo trắng thì hàm lượng chất xơ trong gạo lứt cao hơn 3 lần nên gạo lứt là nguồn cung cấp chất xơ cho cơ thể. Ăn nhiều chất xơ sẽ giúp phòng chống táo bón, rối loạn mỡ máu và một số bệnh lý tim mạch.

Kiểm soát bệnh tiểu đường: Lớp cám bên ngoài sẽ làm chất bột đường có trong gạo lứt được cơ thể tiêu hóa và chuyển thành đường chậm, không làm tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn. Vì vậy, nó có lợi trong việc giúp kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.

Nhanh no giúp giảm cân, béo phì: So với gạo trắng, gạo lứt có chỉ số no cao hơn, do đó sẽ tạo cảm giác no nhanh, giúp giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Việc ăn gạo lứt cũng đòi hỏi ăn chậm, nhai kỹ giúp cho não nhận biết tình trạng no chính xác hơn. Do vậy, quá trình điều khiển năng lượng nạp vào sẽ phù hợp hơn, giúp phòng ngừa thừa cân, béo phì hiệu quả.

Chống lão hóa, đột quỵ, ngừa ung thư: Vỏ cám của gạo lứt còn có một loại dầu cám gạo, chứa chất dầu tocotrienol fator (TRF) có tác dụng loại bỏ những yếu tố gây huyết khối trong mạch máu, giúp chống đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, trong dầu cám còn chứa vitamin E có tác dụng chống lão hóa, chất selen có tác dụng vừa chống lão hóa vừa chống lại sự hủy hoại, biến dị tế bào, giúp phòng ngừa được ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết, ung thư vú.

Tốt cho xương: Gạo lứt là rất giàu magie, giúp tăng cường sức khoẻ xương và làm giảm viêm khớp. Ăn gạo lứt ít nhất hai lần/tuần để bổ sung magie mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa viêm khớp và các bệnh khác có liên quan.

Da và tóc đẹp hơn: Trong gạo lứt có kẽm, cứ một chén gạo lứt có khoảng 1,2mg kẽm. Kẽm thúc đẩy mái tóc khỏe mạnh và da tươi sáng. Nó cũng giúp ngăn ngừa các vấn đề về mụn trứng cá và mụn trên da.

Ngăn ngừa hen suyễn, răng miệng: Gạo lứt có đặc tính chống viêm, nó giúp ngăn ngừa bệnh hen suyễn, điều chỉnh mô hình thở bình thường đặc biệt là ở trẻ em. Không những thế, ăn gạo lứt hàng ngày có thể ngăn chặn vấn đề liên quan đến răng lợi.

Chế biến gạo lứt hiệu quả

Càng ngày người ta càng nhận thấy gạo lứt có giá trị dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật rất độc đáo từ cách chế biến gạo lứt. Gạo lứt có thể nấu thành cơm bằng cách ngâm gạo với nước khoảng 15 - 20 phút cho mềm và nấu như cơm nấu gạo trắng. Khi hạt cơm chín thường không nở như gạo trắng, ăn hơi ráp, ăn quen sẽ thấy hương vị ngon ngọt đặc biệt. Với gạo lứt đỏ ngâm một ngày một đêm (khoảng 22 giờ) sẽ bắt đầu nảy mầm và tiết ra nhiều chất enzyme cùng vitamin từ cám gạo (gạo lức trắng không còn phôi để nảy mầm). Sau đó đem nấu cơm sẽ mềm hơn và có vị ngọt hơn cơm thường. Ngoài ra, gạo lứt có thể sử dụng làm bún, nấu cháo, gạo lứt rang, rượu nếp cái…

Hiện nay, nhiều người thường ăn rang gạo lứt vào mỗi buổi tối, khi đi xa, hoặc lúc đói chỉ cần nhấm nháp chút gạo lứt rang là thấy ấm bụng. Gạo lứt rang rồi đun nước pha thành thức uống hàng ngày có tác dụng thanh lọc gan rất tốt, cũng có thể kết hợp với canh dưỡng sinh làm từ ngưu báng, nấm shitake và củ cải trắng. Đông y dùng cháo gạo lứt để phòng ngừa và trừ bệnh thổ tả, kiết lỵ, cầm mồ hôi…

Cách chế biến nước gạo lứt rang

Nguyên liệu gồm 1kg gạo lứt hạt dài hay tròn, muối. Trước khi rang, không rửa gạo qua nước lạnh, chỉ nhặt bỏ những hạt gạo xấu. Gạo lứt đổ vào chảo, dùng đũa đảo đều để hạt gạo không bị cháy, rang đến khi ngửi hạt gạo có mùi thơm, hạt gạo đậm hơn, săn lại thì tắt bếp. Đợi nguội cất vào lọ thủy tinh dùng dần. Khi muốn nấu nước uống, đong một cốc gạo lứt và 3 lít nước. Đổ vào nồi, đun lửa nhỏ, thêm một thìa nhỏ muối, đun đến khi hạt gạo chín mềm, đợi nguội, lọc lấy nước cho vào tủ lạnh dùng dần.

Hồng Nhung

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site