06:40 | 14/12/2014

Uống hạt ươi… tươi cả ngày

(LV) - Hạt ươi với người miền Bắc nghe còn lạ, nhưng với người miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ thì đã quá quen thuộc và chỉ cần một cốc hạt ươi đã pha, với chút đường cùng hạt é là cái oi nóng của thời tiết phương Nam như tan biến. Vì thế, gần đây, hạt ươi được người miền Bắc ưa chuộng.

>>> Chùm ngây cây vạn năng 

Hạt ươi còn gọi là lười ươi, đười ươi, bàng đại hải, sam rang, an nam tử... có tên khoa học là Scaphium lychnophorum (Hance) Kost, thuộc họ Trôm (Sterculiaceca). Ở nước ta, cây ươi chỉ mọc ở miền Trung, Tây Nguyên tại các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. Tại Lâm Đồng có ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Trong khu vực, cây ươi còn có ở các nước Thái Lan, Campuchia, Malaysia…

Hạt ươi - lâm sản quý

Cây ươi cao từ 20 - 25m, nhánh non có lông hoe. Lá mọc tập trung ở đỉnh cành, lá có phiến từ 3 - 5 thùy ở thân non, bầu dục ở thân lớn, cuống lá dài từ 10 - 30cm. Hoa nhỏ, đài có ống dài. Quả nang, mặt ngoài màu đỏ, mặt trong màu bạc, hình bầu dục thuôn dài. Có lẽ phần tinh tuý nhất của cây ươi chính là hạt ươi. Hạt to hình bầu dục, thuôn dài màu đỏ nhạt. Hạt ươi càng quý khi cây ươi cứ 4 năm mới cho trái chín một lần.

Mùa hoa từ tháng 1 - 4, mùa thu hoạch hạt ươi từ tháng 6 - 8. Cây ươi cao nên khi thu hoạch người ta phải trèo lên để hái hoặc chờ cho hạt chín rụng xuống đất sau đó nhặt về. Hạt rụng xuống đất là tốt nhất, người ta gọi là “hạt ươi bay”. Một cây có từ 30 - 50kg hạt tươi. Khi thu hoạch về, người ta đem hạt phơi, sấy khô, lúc này hạt ươi có màu nâu đỏ nhạt, trên mặt nhăn nheo, nổi trên nước, nhưng khi ngâm với nước thì sau một thời gian nở rất to, gấp 8 - 10 lần thể tích ban đầu, thành một chất nhầy màu nâu nhạt, vị hơi chát, mát. Người châu Âu gọi là hạt nở. Hạt ươi là loại lâm sản quý được người miền Nam ưa chuộng, với nhiều tác dụng. Hạt ươi còn được xuất khẩu đi nhiều nước, có giá trị kinh tế cao.

Hạt ươi có vị ngọt, nhạt, tính hàn, không độc vào kinh phế; có tác dụng: giải nhiệt, giải độc, thanh phế nhiệt, chống viêm, lợi yết hầu, thông tiện, nhuận tràng. Hạt ươi thường dùng làm nước giải khát, chữa các chứng bệnh do nhiệt gây ra, chữa ho khan mất tiếng, sưng đau cổ họng, chảy máu cam, nôn ra máu, giúp thông tiểu tiện, nhuận tràng, các chứng đau ruột và các bệnh tiêu hóa.

Thường chỉ cần 4 - 5 hạt ươi, có thể cắt hai đầu hạt rồi ngâm vào 1 lít nước ấm, khi hạt nở ra, nhặt hết vỏ, lấy phần ruột mềm, xốp bên trong, quấy lên cho thêm đường đủ ngọt, uống trong ngày để chữa các bệnh trên. Đối với người miền Tây từ lâu đã trở thành một thứ nước giải khát mát rượi. Nếu dùng kèm với hạt é thì vô cùng ngon miệng. Để lựa chọn được hạt ươi “chuẩn”, nên chọn những hạt còn mẩy và màu vàng vàng, giống như màu hạt dẻ.

Thuốc hay từ “hạt ươi bay”

Cầm máu cam: Do cơ thể nóng nhiệt có thể gây chảy máu cam đặc biệt ở trẻ nhỏ, lấy hạt ươi sao vàng, nấu lấy nước cho trẻ uống thay nước trong ngày.

Trị mụn nhọt do nóng: Lấy hạt ươi ngâm nước, đem nước này trộn với cơm cùng vài hạt muối đắp lên mụn nhọt, ngày một lần.

Trị táo bón: Lấy 10 hạt ươi, ngâm với nước, uống vào sáng sớm sẽ giúp thông nhuận tràng nhanh chóng.

Giải độc, thanh nhiệt: Lấy bột sắn dây vừa đủ pha vào trong một ly nước hạt ươi, rồi cho ít đường phèn khuấy tan uống, có thể uống vài lần trong ngày.

Điều trị gai cột sống: Lấy nước sôi để nguội bỏ khoảng 15 - 20 hạt ngâm khoảng 2 tiếng đồng hồ. Hạt mềm bóc lấy phần cơm, cho vào ly, pha chút đường cho ngọt, dùng 3 lần trong một ngày. Duy trì bài thuốc này khoảng 2 tuần bệnh đau lưng do gai cột sống sẽ thuyên giảm. Khi sử dụng hạt ươi cần kết hợp với các bài tập thể dục dành cho bệnh nhân gai cột sống.

Tác dụng với bệnh đau dạ dày, đại tràng: Hạt ươi khô khoảng 2 - 3kg, đem nghiền thành bột, sau đó, mỗi ngày dùng khoảng 1 muỗng cà phê bột hạt ươi khô với nửa cốc nước lọc, khuấy đều để một lúc cho vỏ hạt ươi nổi lên và vớt ra, sau đó uống. Uống cách xa bữa ăn càng tốt. Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian người bị bệnh dạ dày nên tập thói quen uống nhiều nước lọc buổi sáng sớm ngay sau khi ngủ dậy, cách bữa ăn sáng từ 30 phút trở lên sẽ có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh rất tốt, kết hợp với uống nước bột ươi mỗi ngày tuỳ theo tình hình của bệnh nặng hay nhẹ mà uống ít hay nhiều

Trong y học cổ truyền, hạt ươi còn gọi là đại hải tử, đại hải, đại đồng quả, An Nam tử, hồ đại phát, bàng đại hải, dùng làm thuốc. Hạt ươi gồm hai phần, phần vỏ chiếm 65%, phần nhân chiếm 35%. Thành phần hóa học trong nhân có 2,95% chất béo, tinh bột, sterculin và bassorin. Phần đường trong hạt có galactoza, pentoza và arabinoza. Trong vỏ có 1% chất béo, 60% bassorin, chất nhầy và tanin. Theo các nhà khoa học, cây ươi trồng ở Việt Nam là có công dụng tốt nhất. Tuy nhiên, khi sử dụng cần lưu ý, không ăn trái đười ươi khô chưa ngâm nước, vì ăn xong, uống nước, nó nở ra với thể tích lớn làm cứng bụng gây khó thở.

Hồng Nhung


Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site