14:47 | 13/06/2011
Rủi ro nghề nuôi rắn hổ mang
(LV) - Nghề nuôi rắn hổ mang hay nghề “tử thần”, nghề đã nuôi sống nhiều gia đình trong làng nhưng cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Xã Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội là một xã thuần nông, được coi là một trong những vựa lúa của huyện. Tuy nhiên, Phụng Thượng có dân số đông, diện tích hẹp, ruộng đất cứ ít dần so với tỷ lệ tăng dân số, nên lao động nhiều, việc làm thì thiếu. Người dân Phụng Thượng đã làm nhiều nghề, đi đến nhiều nơi để buôn bán và tổ chức làm nghề phụ, chăn nuôi các loại động vật hoang dã từ gấu, nai, kỳ đà, trăn, rắn...

Bỏ mạng vì nuôi rắn

Người dân Phụng Thượng chú trọng chăn nuôi rắn hổ mang xuất khẩu, đây là một nghề nguy hiểm, trong trường hợp này đúng là… “sinh nghề tử nghiệp”. Rắn hổ mang có hai loại đó là rắn hổ mang bành (hổ mang phì) và hổ mang chúa, có nọc cực độc, người hoặc động vật bị loại rắn này coi như lĩnh án tử hình, ít có khả năng cứu chữa được. Vì mưu sinh nên nhiều năm nay, người dân Phụng Thượng vẫn tiếp tục nuôi rắn dù đã không ít trường hợp phải bỏ mạng.

Hiện nay, ở làng có 19 phụ nữ ở độ tuổi trẻ nhưng đã goá chồng do chồng của họ bị rắn hổ mang chúa cắn. Mặc dù họ đều là những người có kinh nghiệm nuôi rắn và chữa rắn độc cắn nhưng trong quá trình chăm sóc rắn, cho rắn ăn, chỉ một chút lơ là, bất cẩn mà thiệt mạng. Họ ra đi để lại người vợ dại, con thơ và món tiền nợ ngân hàng lên đến hàng chục triệu đồng.

Anh Đỗ Thế Thọ, người từng nuôi rắn lâu năm ở Phụng Thượng cho biết, anh không còn nuôi rắn hổ mang chúa nữa mà chuyển sang làm nghề khác vì nuôi rắn không những nguy hiểm đến tính mạng người làm nghề mà chỉ cần rắn bị bệnh, bỏ ăn, không lớn được hoặc bị chết thì người nuôi rắn sẽ bị lỗ nặng, tiền vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con, có khi dẫn đến phá sản. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là nguy hiểm cận kề. Anh nhớ lại, hồi đó, đàn rắn nhà anh có một con hổ mang chúa khá to, nặng khoảng trên 7kg. Hôm trước ngày cho rắn ăn, tôi đậy nắp hầm không kín, lúc đói, với sức mạnh của con rắn lớn, nó đội nắp hầm chui ra ngoài, bò thẳng đến tấm phản nơi có đứa con trai 3 tuổi của tôi đang nằm ngủ, nó trườn qua người thằng bé, vợ chồng tôi nhìn thấy rợn hết tóc gáy nhưng đành phải đứng bất động nhìn con rắn trườn trên người đứa con của mình mà không làm gì được. Chỉ cần thằng bé cựa quậy sẽ bị cắn ngay. Rất may, bé vẫn ngủ ngon lành, không hay biết gì cả, con rắn từ từ trườn vào gầm giường nơi mát mẻ nằm cuộn tròn ở đó. Sau này lứa rắn đó lớn lên đủ trọng lượng xuất chuồng, gia đình anh bán đi tất cả và quyết định từ đó không bao giờ nuôi rắn độc trong nhà nữa. Xã Phụng Thượng thì vẫn còn những hầm nuôi rắn độc của nhiều nhà dân, nên ở đây luôn đầy rẫy nguy hiểm cận kề, chỉ sợ trong làng, trong xã không dừng lại ở con số 19 phụ nữ goá chồng nữa mà còn có thể nhiều người sấu số hơn thì thật đáng buồn.

Nhọc nhằn nghề nuôi rắn

Nhiều người tò mò không biết nuôi rắn hổ mang chúa thì cho nó ăn gì? Liệu có phải nguy hiểm đến tính mạng nhưng nuôi dễ dàng nên nhiều người vẫn không bỏ? Qua tìm hiểu, mới biết nuôi rắn cũng nhọc nhằn không kém.

Nếu như rắn hổ mang bành chuyên ăn chuột, ăn cóc thì thức ăn của rắn hổ mang chúa lại chính là đồng loại. Vì nọc của hổ mang chúa là độc nhất nên nó không sợ bất kỳ loài rắn nào, nó ăn thịt tất cả các loài rắn khi bắt gặp kể cả rắn hổ mang bành hoặc rắn cạp nong, cạp nia. Người nuôi rắn thường thu mua các loại rắn khác mang về làm thức ăn cho rắn hổ mang chúa. Trước khi cho chúng ăn, người nuôi thường làm sạch ruột rắn mồi và nhét vào đó thuốc kháng sinh, thuốc bổ, thuốc tăng trọng và vitamin để rắn hổ mang chúa không bị mắc bệnh và chóng lớn, nhanh xuất chuồng.

Trong môi trường ở nước ta, hầu như hổ mang chúa không sinh sản được, nên nguồn rắn giống phải nhập khẩu từ nước ngoài, chính những cánh rừng già ở Campuchia, Lào, Thái Lan là nơi cung cấp rắn hổ mang chúa vào Việt Nam. Đến nước ta có bao nhiêu cá thể rắn hổ mang chúa giống thì phát triển bấy nhiêu rắn trưởng thành chứ không sinh sản thêm được cá thể nào nữa. Chúng được nhập khẩu lậu theo đường tiểu ngạch mỗi cá thể nặng khoảng 0,5 - 0,7kg, nửa năm sau rắn lớn lên nặng khoảng 7 - 8kg, cá biệt con to nhất nặng đến 17kg.

Lợi nhuận kinh tế cao nên nhiều hộ dân ở Phụng Thượng vẫn nuôi loại rắn này. Một kilogam rắn hổ mang chúa có giá lên đến 2 triệu đồng. Trong làng, nhiều nhà nuôi được những con rắn nặng đến 17, 18kg trị giá bằng một chiếc xe máy đắt tiền. Vì vậy, biết nguy hiểm cận kề nhưng nhiều người dân ở đây vẫn không bỏ nghề, thậm chí họ còn chăm sóc loài vật nguy hiểm này cẩn thận hơn vật nuôi khác. Khi rắn hổ mang chúa bị ốm hoặc chúng lười ăn, người nuôi rắn phải nhét mồi vào miệng và ấn vào bụng rắn như ta nhồi bánh đúc cho gà ăn vậy. Các gia đình nuôi rắn đều cho rằng, tất cả vì miếng cơm manh áo, nghề nuôi rắn nguy hiểm đến mấy cũng thấy rất bình thường, họ bắt rắn như ta bắt gà vậy và chắc chắn mỗi người có bí quyết riêng để phòng vệ để tránh bị rắn.

Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng những nguy hiểm mà nghề này mang lại cũng không phải là ít. Thiết nghĩ, người dân cần tìm nghề phụ mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống mà không phải chịu những rủi ro đến tính mạng do nghề mang lại.

Nguyễn Văn Lai

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site