09:32 | 05/07/2011

Nhà ở vùng bão lũ - có khả thi?

(LV) - Hình ảnh những ngôi nhà bị cuốn trôi, ngập đến tận nóc, tính mạng, tài sản bị đe dọa, cô lập trong dòng nước lũ đã làm nhói lòng bao người dân Việt Nam. Từ lâu ý tưởng về ngôi nhà cho người dân vùng bão lũ, ngập lụt vẫn luôn được ấp ủ nhưng để thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Vừa qua, Hội Kiến trức sư Việt Nam đã tổ chức và trao giải cho cuộc thi “Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão, ngập lụt” cho thấy sự quan tâm của giới kiến trúc sư Việt Nam. Một việc làm thiết thực mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, chung tay cùng người dân khi mùa bão lũ đang tới gần cũng như thực trạng thiên tai của Việt Nam trong những năm tới.

Nhiều phương án khả thi

Chỉ tính riêng trong cuộc thi thiết kế nhà ở cho người dân vùng bão lũ ngập lụt năm nay của Hội kiến trúc sư Việt Nam, trong vòng 5 tháng đã có 88 phương án thiết kế dự thi và chọn ra 27 phương án để trao giải. Cuộc thi nhằm tìm ra những kiểu nhà thích ứng với môi trường mỗi địa phương ở các tỉnh miển Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, nơi bão lũ, ngập lụt thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của khiến cuộc sống của người dân đã khó khăn càng trở nên khó khăn. Vì vậy, các phương án phải giải quyết được vấn đề an toàn trong mùa bão lũ trước, còn vấn đề về cuộc sống sẽ giải quyết trong thời gian sau. Các phương án phải có tính khả thi, đơn giản, rẻ tiền để những người nghèo, vùng bão lũ, ngập lụt có thể áp dụng được ngay.

Đó phải là một mô hình nhà dễ làm nhưng chắc chắn để có thể chống chọi được với bão lũ đồng thời không phá vỡ quy hoạch và không gian của mỗi vùng nông thôn. Có thể nói, mỗi phương án thiết kế đều dựa trên những trải nghiệm thực tế của các kiến trúc sư (hầu hết đều còn rất trẻ) thể hiện tính sáng tạo, năng lực thực hiện. Bởi vậy, các đồ án thiết kế đều thực hiện cho từng địa chỉ cụ thể, vùng nào sẽ được đưa về chính vùng đó để lấy ý kiến của người dân, tiến tới xây dựng thử nghiệm. Đơn cử, đồ án “Sống cùng lũ lụt, nhà chống lũ lụt đa năng Hương Khê, Vũ Quang, Hà Tĩnh”, “Làng ven sông huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình”… Mỗi đồ án đưa ra đều có tính khả thi trong việc chống chọi với bão, lũ ngập lụt. Trong đó, phương án mô hình “Nhà ở nông thôn vùng bão lũ - Nhà lõi khu vực miền Trung và Tây Nam bộ” (một trong 3 phương án đoạt giải A) được đánh giá có tính khả thi cao nhất.

Phương án “nhà lõi” này lấy ý tưởng từ hình tượng neo và cọc để giữ một con thuyền an toàn trên sông nước, nhóm thiết kế đã đưa ra hình tượng “nhà lõi” gồm 4 cột bê tông vững chắc cùng với dầm và sàn có thể chịu được nước lũ, phần còn lại của ngôi nhà sẽ bám vào xung quanh những chiếc cọc bê tông này.

Ngôi nhà được thiết kế tầng 1 dùng làm không gian sinh hoạt chung, tầng 2 dùng để làm kho chứa lương thực và khi có lũ, lụt, người dân có thể rút lên tầng 2 tránh nước ngập mà vẫn có lương thực và nước uống sử dụng. Từ phương án này, các tác giả đã tính đến việc nhân rộng mô hình và tận dụng những nguyên liệu sẵn có tại địa phương để xây dựng ngôi nhà. Theo đó, với phần khung nhà là 4 cột, dầm và sàn, ước tính chi phí khoảng 5 - 6 triệu đồng, phần còn lại, người dân có thể sử dụng các vật liệu đơn giản như tre, nứa là đã có thể có một ngôi nhà để ở. Nếu có điều kiện có thể làm rộng ra nhiều phòng... và khi lũ đến, những vật liệu như tre, nứa có thể bị cuốn trôi, nhưng lõi vẫn còn; sau khi nước rút, người dân có thể nhanh chóng tu sửa và ở tiếp.

Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng: Chắc chắn trước khi bắt tay vào làm thử, phương án cần có ý kiến đóng góp của người dân địa phương, có như vậy, phương án sẽ tính khả thi cao và nhân rộng hơn. Mùa mưa bão sắp đến gần, phương án này thực sự là “cứu cánh” cho đồng bào vùng bão lũ, ngập lụt. Tuy nhiên, để đến được với người dân, hành trình của nó cũng không hề đơn giản.

Bao giờ thành hiện thực?

Đây không phải là câu hỏi của riêng những người làm nên bản vẽ mà chính người dân cũng đang mong chờ phương án đó triển khai thực hiện như thế nào, bao giờ thì có? Bởi giải pháp, phương án nhà cho đồng bào vùng bão lũ, ngập lụt đã có nhiều, nhưng mãi tới giờ vẫn chưa vào cuộc.

Nếu các cuộc thi thiết kế như trên tiếp tục được nghiên cứu, triển khai và hoàn thiện trong thực tế và không dừng lại ở những bản vẽ trên giấy thì ý nghĩa của nó với đời sống người dân sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Tấn Vạn khẳng định: Nhà ở vùng nông thôn không phải bây giờ Hội Kiến trúc sư Việt Nam mới tiếp cận. Trước đây, một chương trình nhà ở cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được nhân rộng, hàng trăm nghìn hộ dân được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này của kiến trúc. Tuy nhiên, đây là một chương trình của Chính phủ. Năm 2008-2009, Hội KTS Việt Nam cũng đã làm tổ chức các kiến trúc sư thiết kế nhà cho nông dân và triển lãm tại một số địa phương để lấy ý kiến người dân. Chỉ có điều các cuộc thi thiết kế nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt mới chỉ dừng ở phạm vi cuộc thi do hội nghề nghiệp tổ chức, chưa thực sự là một chương trình mang tầm vóc quốc gia.

Vì vậy, việc làm nhà cho người nghèo vùng bão lũ không phải chỉ là công việc của giới kiến trúc sư mà đó là của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... Cộng đồng cùng chung tay góp sức chắc chắn những dự án khả thi sẽ sớm trở thành hiện thực đến được với người dân. Nhiều kiến trúc sư cho rằng, việc thành lập quỹ an sinh xã hội để từ đây các tổ chức, cá nhân có thể đóng góp trực tiếp bằng cách đầu tư cho nhà vượt bão lũ… là điều cần thiết.

Nhà ở cho nông thôn sẽ còn là câu chuyện dài bởi lẽ cuộc sống luôn thay đổi, mỗi thời kỳ lại có những đòi hỏi nhất định cho phù hợp với thực tế. Điều khó nhất cho việc thiết kế nhà ở nông thôn là làm sao tạo được sự đồng nhất nhưng mang đặc trưng riêng của mỗi vùng.

Vũ Anh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site