21:55 | 23/08/2012

Tân Yên vùng đất địa linh nhân kiệt

(LV) - Tân Yên là một huyện của tỉnh Bắc Giang, có đường ranh giới tiếp giáp với huyện Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lạng Giang thuộc tỉnh Bắc Giang và huyện Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên. Đây là một huyện có địa hình đồi núi trung du.

Trong lịch sử, huyện Tân Yên vốn là phần đất của huyện Yên Thế Hạ xưa kia. Huyện Yên Thế cũ cho tới thời Trần có tên là huyện Yên Viễn. Thời nhà Minh thống trị, đổi thành huyện Thanh An và thuộc Châu Lạng Giang. Trong thời gian từ 1460-1469 niên hiệu Quang Thuận nhà Lê lại phục hồi tên cũ. Đồng thời bãi bỏ Châu, huyện Yên Thế trực thuộc Phủ Lạng Giang.

Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám, làng Trũng, xã Ngọc Châu
Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám, làng Trũng, xã Ngọc Châu. Ảnh: Đăng Khoa

Năm Minh Mạng thứ 13 nhà Nguyễn (1832), huyện Yên Thế chuyển vào trực thuộc phân phủ Lạng Giang. Năm 1896 niên hiệu Thành Thái thứ 8 là một bộ phận của đạo quan binh Yên Thế. Ba năm sau, bỏ đạo quan binh Yên Thế, lập lại Lý Nhà Nam, Yên Thế thuộc đại lý Nhà Nam. Sau đó huyện được nâng lên thành phủ Yên Thế và trực thuộc tỉnh Bắc Giang.

Năm 1957 chia huyện Yên Thế thành hai huyện: Yên Thế và Tân Yên. Huyện Yên Thế là phần đất vùng Yên Thế Thượng và giữ nguyên tên Yên Thế. Tân Yên là vùng đất của Yên Thế Hạ và lấy tên là Tân Yên.

Năm 1962 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sát nhập thành tỉnh Hà Bắc, Tân Yên thuộc tỉnh Hà Bắc. Năm 1997 lại tách Hà Bắc thành 2 tỉnh; Tân Yên thuộc tỉnh Bắc Giang, huyện lỵ Tân Yên ngày nay đóng tại thị trấn Cao Thượng.

Về điều kiện địa lý tự nhiên, huyện Tân Yên có đường ranh giới phía đông là con Sông Thương tiếp giáp với huyện Lạng Giang. Khúc sông này bắt đầu từ khu vực ngã ba Sông Thương, sông sỏi ở địa phận xã Phúc Hòa kéo xuống tới địa phận xã Quế Nham ở khu vực ngã ba sông Nhâm Ngao cổ gặp con Sông Thương. Sông Nhâm Ngao là con sông cổ là chi lưu của Sông Thương bắt nguồn từ các khu đồi núi Phú Bình, Yên Thế rồi chảy vào Tân Yên, chảy qua giữa đất Tân Yên rồi đổ vào khu Cầu Quận, đổ vào Phú Khê và nhập vào Sông Thương. Giữa đôi bờ sông Nhâm Ngao này là những khu đồi nhấp nhô thấp nhỏ xen lẫn những cánh đồng bậc thang. Bên phải sông ấy nổi lên dãy núi sanh cao lớn. Bên trái sông ấy nổi lên ngọn núi Đót là núi giáp gianh với huyện Phú Bình.

Nhà phong thủy Tả Ao của Việt Nam là nhà địa lý nổi tiếng của nước ta thời Lê đã đi khảo sát khắp nơi để tìm ra những thế đất đẹp, hội tụ khí thiêng sông núi, sản sinh ra nhân tài đất việt để vẽ lại các thế đất đẹp ấy vào trong bộ Tả Ao địa lý của mình truyền lại cho đời sau, đã xác nhận ở vùng đất Tân Yên này chính là một vùng đất sơn thủy hữu tình, tàng phong tụ khí, địa linh sinh nhân kiệt, muôn đời con cháu hiền tài giúp nước, giúp dân; Rạng rỡ gia tiên, sử xanh ghi chép.

Chả thế mà ngay từ thời tiền sử, con người đã tới nơi đây cư trú, lập nên những xóm làng trù phú. Dấu tích của lớp cư dân đó đã được tìm thấy ở núi Đót và một số vùng khác trong huyện. Vào đầu thế kỷ I sau Công nguyên lúc đó nước ta bị quân nhà Hán đô hộ; Trong nước Hai Bà Trưng nổi lên khởi nghĩa đánh lại nhà Hán trả thù chồng, đền nợ nước. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa này ở Tân Yên có cuộc nổi dậy của Bà Dương Thị Dã ở vùng núi Đót. Truyền tích về bà Dương Thị Giã còn lưu truyền trong dân gian với tên núi, tên đồng, tên đất… mộ của bà hiện còn ở chân núi Đót. Đền thờ bà cũng ở núi này. Anh linh của bà còn hun đúc mãi khí thiêng cho miền đất Tân Yên.

Thời nhà Lê, vua Lê Lợi đem quân lên chặn đánh quân giặc nhà Minh ở Chi Lăng- Xương Giang. Lập nên kỳ tích vĩ đại trong lịch sử nước ta. 10 vạn quân Minh đã bị tiêu diệt và bị bắt sống. Sau chiến tranh ấy, đất nước ta thái bình thịnh trị. Nguyễn Trãi đã soạn cuốn Dư địa chí và ghi nhận tên, nỏ của Yên Thế rất cứng và mạnh, bắn vào, chảy máu một lúc là chết ngay.

Đến thời kỳ Lê - Mạc ở thế kỷ XVI, XVII nơi đây đã từng là cứ địa của vị quan nhà Lê Đàm Thận Huy lĩnh mật chiếu về đây để ngầm giúp nhà Lê. Sau đó vùng đất này thuộc về nhà Mạc; Trong thời kỳ này ở Tân Yên đã có 2 vị đỗ tiến sỹ là Nguyễn Đình Tân và Phùng Trạm. Phùng Trạm là người của xã Mục Sơn; Nguyễn Đình Tân là người của xã Liên Bộ, tên tuổi của 2 vị nay vẫn còn truyền.

Cũng trong thời Lê Mạc, ở đất Cầu Vồng xã Song Vân, ngày nay nổi lên 3 anh em họ Dương là Dương Quốc Công, Dương Quốc Nghĩa, Dương Hùng Lượng là những anh tài nổi tiếng khắp nơi theo về hưởng ứng, tiếng vang trai tài Yên Thế vọng khắp gần xa rạng rỡ đất Cầu Vồng, để lại đời sau câu ca “Trai Cầu Vồng Yên Thế…” mãi mãi là biểu tượng đẹp cho cả vùng đất này.

Tiếp nối truyền thống cha ông, các thế hệ cháu con ở đất Tân Yên liên tiếp lập nên những kỳ tích được lịch sử ghi nhận đó là các vị tướng công, tước hầu như Giáp Đăng Luân, Giáp Trinh Tường, Giáp Đình Liên, Giáp Văn Thú, Giáp Văn Thái, Dương Đình Tuấn, Dương Đình Bột đều là những nhân vật lịch sử của thời Lê (thế kỷ XVII, XVIII). Đến thời Nguyễn Tân Yên lại có các vị Giáp Văn Trận, Giáp Văn Tường nổi lên chống lại bọn quan lại cường quyền hại dân hại nước. Trong thời ấy Tân Yên trở thành mảnh đất dụng võ của những ông Đề, ông Đốc, ông Lành, ông Cai là những anh kiệt của các làng xã trong vùng đứng lên dấy nghĩa chống lại thực dân Pháp xâm lược và bẽ lũ tay sai. Trong số các ông Đề, ông Đốc… ấy tiêu biểu nhất là người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám). Cuộc đời vì nước vì dân của Hoàng Hoa Thám đã được sử sách ghi chép những trang sử vẻ vang, chói lọi.

Hình ảnh người anh hùng Hoàng Hoa Thám và tinh thần khởi nghĩa đời đời bất diệt. Chính trong tinh thần bất khuất ấy nên đến ngày nay ở Tân Yên vẫn còn câu ca rằng “Đất này là đất cụ Đề/ Tây lên thì có Tây về thì không”. Trải bao năm tháng mảnh đất Tân Yên, con người Tân Yên ngày nay vẫn đi lên theo bước các anh hùng. Như thế Tân Yên chẳng phải là vùng đất địa linh nhân kiệt đó sao.

Trần Văn Lạng

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site