11:11 | 22/11/2013

Người nối nhịp cầu văn hóa Khmer

(LV) - Gần gũi, điềm đạm, thân thiện là phong cách của ông. Tài hoa, tâm huyết, am hiểu văn hóa Khmer và luôn hết lòng với công việc là những gì người ta nói về ông - nghệ nhân Lý Lết, dân tộc Khmer, người đã tham gia hầu khắp các công trình Khmer tại Nam Bộ và đã có hơn 3 năm gắn bó với việc trang trí toàn bộ nội, ngoại thất quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 >>> Chương trình tổng thể Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”

>>> Nhiều hoạt động văn hoá trong Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”

“Nghệ thuật trang trí Khmer nằm trong máu thịt tôi”

Nghệ nhân người dân tộc Khmer Lý Lết đã nói về nghề của mình như vậy. Sinh năm 1961 tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, ông là con út trong gia đình có 3 người con và là con trai duy nhất nối nghiệp cha. Cha ông, nghệ nhân Lý Nghét, gốc người Trà Vinh nhưng lại gây dựng sự nghiệp tại Sóc Trăng và nổi tiếng với cái tên thợ Rương, người đã xây và thiết kế mỹ thuật cho gần 40 ngôi chính điện, chùa tháp Khmer lớn nhỏ ở hầu khắp Nam Bộ.

Từ 7 tuổi, ông đã được cha dạy khắc mẫu của các họa tiết hoa văn, rồi theo cha làm công trình và học nghề. 12 tuổi, ông được cha giao cho khắc họa tiết hoa văn chùa Chanh Răng Sây (ở Sài Gòn), mở đầu cho rất nhiều các công trình mà ông tham gia cùng cha tiếp sau đó.

Nghệ nhân Lý Lết chia sẻ, cha ông có ảnh hưởng rất lớn tới ông. Cha ông từng nói: Ngôi chùa là sự tổng hợp văn hoá của người Khmer, vì vậy, người đi xây chùa phải có cái tâm trung thực, phải làm đúng với truyền thống, như thế mới là giữ cái phần hồn của dân tộc. Lời cha dạy cho đến tận bây giờ vẫn được ông nhắc lại với thế hệ con cháu.

Ông kể: “Cách vẽ thời xưa, kể cả của cha tôi, thường là nét vẽ trang trí, tức viền nét trên mặt phẳng, đó là phong cách trang trí của người Khmer, sau này, người ta sử dụng ánh sáng, màu sắc, sáng tối và khối hình nhiều hơn...”. Cho nên, dù được theo cha làm công trình, nhưng cha lại khuyến khích ông đi học để bước kịp với hiện đại, để mở rộng vốn kiến thức mà làm tốt hơn. Vì thế, ông đã theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là ĐH Mỹ thuật TPHCM), sau khi tốt nghiệp, ông về dạy mỹ thuật tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Sóc Trăng và tiếp tục cùng cha làm các công trình cho đến ngày cha già yếu, rồi mất.

Với tâm niệm tham gia làm được càng nhiều các công trình Khmer càng tốt, đầu năm 2008, ông thành lập doanh nghiệp Gallery Lết, chuyên về thiết kế, tạo mẫu, đúc tượng, triển lãm, thi công xây dựng, trùng tu, phục chế, làm mới… chùa Khmer và các kiến trúc Khmer.

Nghệ nhân Lý Lết đang hoàn thiện csa tranh tại chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Nghệ nhân Lý Lết đang hoàn thiện bức tranh tại chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn

Tâm huyết với quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Lần nào cũng vậy, khi được hỏi về các chi tiết, họa tiết, hoa văn trang trí trên ngôi Chính điện chùa Khmer tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông nói say sưa. Ông bảo, thế mạnh của ông là họa tiết. Trong các trang trí họa tiết hoa văn trong công trình, tranh phù điêu, tranh sơn dầu hay tượng… dù sáng tạo thế nào ông cũng luôn cố gắng để thể hiện cho được yếu tố đặc trưng và tính chất Khmer, nhấn mạnh cốt cách Khmer. Ví như ở các công trình Khmer đó là mặt bằng, tam giác, nấc thang, góc, mái… “Tranh là thể hiện phong cách Khmer. Ở ngôi Chính điện chùa Khmer tại “Làng”, càng phải nhấn mạnh những yếu tố đó. Ngôi Chính điện chùa Khmer là thờ Phật nên trong trang trí, ở đây là tranh sự tích Phật, tranh tôn giáo, mà tranh sự tích Phật thì không thể vẽ mảng, miếng được, mình vẽ cho đẹp, theo thần thái của nhà Phật. Ngôi chính điện này đã chắt lọc được hết những gì tinh túy của người Khmer, các ngôi chùa Khmer mà đôi khi chính ở các chùa Khmer Nam Bộ vài trăm tuổi không có được. Dù lấy mẫu của chùa Kh’leang ở Sóc Trăng, nhưng ngôi chính điện này có tích hợp hài hòa các yếu tố đặc trưng trang trí của các ngôi chùa khác”...

Ông chia sẻ: Làm công trình này, điều ông nhớ nhất chính là những ý nghĩ, kiến thức hiểu và những tâm huyết của mình khi nói ra được mọi người lắng nghe và chia sẻ, có khúc mắc thì cùng tháo gỡ nên mọi việc cơ bản là thuận lợi và đồng thuận… Có lẽ vì thế, nghệ nhân Lý Lết đã góp phần không nhỏ tạo nên thần thái của một không gian văn hóa tâm linh tiêu biểu của người Khmer ở “Làng” bên ngoài uy nghi, bề thế, lộng lẫy, tôn nghiêm, bên trong thanh tịnh, thư thái với các trang trí mang yếu tố của Phật giáo Tiểu thừa, nhiều màu sắc nhưng tinh tế.

Sau công trình này, ông sẽ tiếp tục làm các công trình Khmer khác, tới đây là công trình dự án Viện Phật học Nam Tông Khmer Nam Bộ tại Cần Thơ, mà ông đã được mời cố vấn về quy hoạch. Với ông nếu được trực tiếp làm thì đó tiếp tục lại là điều vinh dự, tự hào và lại được cống hiến, được sống, được suy nghĩ tiếp, được làm cầu nối văn hóa Khmer tới mọi người qua các công trình và tác phẩm…

Ông dự định sẽ xuất bản một cuốn sách, tập hợp tất cả các mẫu vẽ từ cuốn sổ cha ông để lại và một số tạo mẫu của ông từ khi làm nghề mỹ thuật đến nay, để giới thiệu văn hóa Khmer nói chung, một phần mỹ thuật Khmer nói riêng mà ông tích lũy được tới mọi người.

Trong nhiều công trình lớn, nhỏ, nổi tiếng mà ông từng tham gia đáng chú ý có thiết kế, thi công, hoàn thành chùa Vàm Rây (Trà Cú, Trà Vinh) những năm 2005 - 2009, đúc thành công bức tượng Phật nằm bằng bê tông cốt thép dài 54m, cao gần 20m, thiết kế mẫu và trang trí hoa văn chùa Ba Sác, Soài Xiêm mới (Trà Vinh), làm cổng tam quan chùa Khaleng, chùa Bố Thảo (Sóc Trăng), trang trí hoa văn cho Bảo tàng Khmer tỉnh Trà Vinh… Nhiều người biết đến ông qua việc trùng tu chánh điện chùa Dơi, một ngôi chùa nổi tiếng, có lịch sử hơn 600 năm tuổi ở Sóc Trăng bị cháy vào năm 2007, với phần mỹ thuật, thiết kế hoa văn, đặc biệt là khôi phục thành công có một không hai bức tượng Phật Thích Ca quý hiếm bằng đá sa thạch đã bị đám cháy làm hư hại gần như hoàn toàn…

Hoàng Huyền

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site