21:05 | 09/04/2014

Ngôi nhà “tàu lửa” giữa lòng Hà Nội

(LV) - Hai ngôi nhà dài của dân tộc Cor được phục dựng tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) không những lưu giữ nét đẹp kiến trúc mà còn hiện hữu những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện nét tinh hoa di sản văn hoá của tộc người.

>>> Tái hiện Lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam) 

 

Gu bla (gu tròn). Ảnh: Tấn Vịnh
Gu bla (gu tròn). Ảnh: Tấn Vịnh
Nét kiến trúc độc đáo

Theo các nhà nghiên cứu, việc làm nhà dài và sống quần tụ cũng là để chống thú dữ và phòng vệ, ngăn ngừa kẻ địch tấn công. Sườn nhà được chống đỡ bằng những hàng cột vững chắc. Sàn nhà không cao, chỉ cách mặt đất khoảng 1m.

Nhà xlúp có mặt bằng hình chữ nhật, dài khoảng 50 - 70m, mỗi nhà có hai cửa chính nằm ở giữa vách ngăn đầu nhà và cuối nhà. Phía trước và sau nhà có hai cầu thang để lên xuống. Ngoài hai cửa chính nhà còn có hai cửa phụ bố trí hai bên nhà và cũng đặt cầu thang nhỏ để lên xuống. Nếu cửa chính nằm phía trước nhà để ra vào và tiếp khách thì cửa sau để người nhà đi đến máng nước, sông suối cho tiện lợi.

Bố trí không gian sinh hoạt, mặt bằng trong nhà dài nguời Cor khá hợp lý. Nhà có hành lang rộng thông thoáng nối dài từ cửa trước đến cửa sau. Chính hành lang này làm cho người ta có cảm giác ngôi nhà dài hun hút. Một phần bên nhà, từ hành lang đến vách nhà gọi là gưl, là không gian sinh hoạt chung của cả làng. Một bên được ngăn ra từng phòng nhỏ, gọi là tum. Đây là phần riêng dành cho sinh hoạt của từng gia đình hạt nhân. Mỗi tum đều có bố trí một bếp lửa riêng.

Giữa nhà dài còn có một gian khá rộng là nơi diễn ra các sinh hoạt của cộng đồng, nơi tổ chức lễ hội. Nơi đây luôn đầy đủ ánh sáng so với các gian phòng còn lại vì nhờ có hai cửa phụ ở hai bên. Hai đầu nhà đều có sàn hiên rộng, nếu sàn hiên phía trước để trẻ em vui chơi, người già nghỉ ngơi, ngắm cảnh thì hiên sau gắn với nếp sinh hoạt, lao động nội trợ của người phụ nữ và những vật dụng thường thấy nơi đây là các bầu nước, gùi lúa, cối giã gạo.

Gu – Đóa hoa tuyệt mỹ

Không chỉ với di sản kiến trúc nhà dài, đồng bào Cor còn tự hào về các tác phẩm nghệ thuật trang trí của dân tộc mình, nhất là cây nêu và bộ gu “đặc chủng” thường thấy xuất hiện trong các lễ hội ăn trâu mừng lúa mới.

Gu được làm bằng gỗ cây pút. Cây này có thịt gỗ mềm rất dễ khắc, vạch để tạo hoa văn, hình vẽ trang trí. Có nhiều loại gu khác nhau: gu dẹt, chỉ trang trí một mặt gồm có gu mók a-tưl treo ở vách nhà hay phía trên khung cửa ra vào phía trước của ngôi nhà dài, gu mók tum treo trên cửa ra vào bếp và gu tum treo lửng trên bếp. Gu nổi bật lên giữa nhà nhờ màu sắc và hoa văn. Bộ gu có nền màu đen được tạo ra từ muội khói và nhựa cây rau lang. Màu đỏ gạch lấy từ củ nghệ và hạt cau, màu trắng từ vôi. Một số màu khác lấy từ đá núi. Không chỉ có màu sắc, hoa văn kỳ bí, mỗi loại gu còn có cách tạo hình, kiểu dáng, trang trí riêng biệt, làm cho nó thực sự là điểm nhấn bắt mắt trong cả không gian nhà dài.

Gu bla là kiểu gu khá đặc biệt, gồm có thân gu và 4 lá gu. Trên khắp 4 mặt của thân gu được phân ra từng ô trang trí với kiểu khắc chìm và tô màu tạo ra vô số hoa văn, hình vẽ. Đó là những hình răng cưa, hình mặt trời, hình sóng nước... những bức vẽ cách điệu về cỏ cây, hoa lá, chim muông, thú rừng và cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của con người. Bên dưới các lá gu treo các tua bằng que tre dài một gang tay, bố trí liên tiếp nhau. Mỗi khi có gió lay động, các tua chạm nhau tạo nên tiếng reo nhẹ vui tai. Phía trên gu bla người ta treo tượng chim đại bàng. Nơi treo gu bla được xem là tâm điểm trong nhà, mọi lễ thức đều xoay quanh đây. Chủ lễ thường đặt các mâm lễ vật ngay dưới bộ gu để cúng thần linh. Khi vui chơi, mọi người múa ca, đánh chiêng, gõ trống cũng quanh bộ gu, giống như họ biểu diễn quanh cây nêu ở ngoài sân.

Nhà dài dân tộc Cor tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tấn Vịnh
Nhà dài dân tộc Cor tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tấn Vịnh.

Lavan là hai tấm gỗ dài khoảng 2m, đặt song song nhau, rộng chừng hơn gang tay. Trên tấm gỗ người ta tạo đường gấp khúc uyển chuyển và hai đầu cũng được đẽo thành hình tròn. Nếu gu bla (gu tròn) đẹp mắt nhờ tạo hình, kiểu dáng vuông, tròn, tam giác... thì lavan (gu dẹt) tạo nên nét quyến rũ từ những hoa văn, tranh vẽ. Loại gu này chỉ trang trí thành dải ở một mặt trước với hoa văn hình mặt trời, bông lúa, hoa lá, cỏ cây, sóng nước.

Nhà dài và bộ gu là một món quà vô giá của các nghệ nhân, bà con dân tộc Cor xứ Quảng dành cho Thủ đô Hà Nội. Nó góp một nét đẹp riêng trong vườn hoa văn hoá truyền thống các dân tộc Việt Nam. Vì nhiều lý do, nhà dài Cor không còn thấy nữa ở chính quê hương của nó thì công trình tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có giá trị như hình mẫu để có thể nghiên cứu, phục dựng tại Bắc Trà My (Quảng Nam), Tây Trà, Trà Bồng (Quảng Ngãi) trong tương lai. Bên cạnh di sản kiến trúc, những tác phẩm mỹ thuật, trang trí dân gian ở ngôi nhà dài dân tộc Cor cần được bảo tồn, gìn giữ cho mai sau và cần khẩn trương lập hồ sơ xếp hạng, công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.

Thuở xa xưa, mỗi làng người Cor thường có một ngôi nhà sàn dài và mỗi nhà như thế có đến hàng chục gia đình sinh sống. Vì nó dài nên nhiều người gọi một cách hình tượng đó là “nhà tàu lửa”. Người Cor gọi nhà đó là nhà Xlúp có nghĩa là nhà chung. Buổi sáng, trong căn nhà “tàu lửa” ấy thường phát ra tiếng kèn Amap. Đó là tiếng kèn báo thức cho con cháu dậy sớm giã gạo, chuẩn bị cơm nước mang đi làm rẫy.

Tấn Vịnh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site