14:05 | 22/07/2014

Mùa ớt “đắng”

(LV) - Nếu như những năm trước, ớt xuất khẩu là một trong những cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao nhất, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân thì năm nay, cũng chính từ cây ớt, nhiều nông dân lại “đứng ngồi không yên” bởi “ớt ngọt” đã trở thành “ớt đắng”.

Trên những cánh đồng ớt ngày bắt đầu cho thu hoạch, người nông dân phấn khởi, hồ hởi vì quả ớt trĩu cành, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang” bởi bất ngờ giá ớt rớt thê thảm, thậm chí loại ớt lai 20 ở một số địa phương còn không thể bán được khiến người nông dân hoang mang, lo lắng. Bác Nguyễn Xuân Thắng, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa), cho biết: Đây là năm thứ 5 gia đình tôi trồng ớt lai xuất khẩu nhưng chưa năm nào giá ớt lại “thảm hại” như năm nay. Vụ đông xuân năm 2012-2013, thời điểm cao nhất giá ớt lên tới 50.000 đồng/1kg, còn năm nay lúc cao nhất cũng chỉ 5.500 đồng/kg, nhưng cũng được có vài lứa đầu rồi giá ớt “tụt dốc” xuống 2.500 đồng/kg. Nếu như năm 2013, cũng 1 sào ớt gia đình bác Thắng thu hơn 20 triệu đồng thì năm nay chỉ còn hơn 2 triệu đồng.

Ruộng ớt chín đỏ nhưng nông dân xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) không mặn mà thu hoạch
Ruộng ớt chín đỏ nhưng nông dân xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) không mặn mà thu hoạch.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vụ đông xuân 2012-2013, xã Hoằng Đồng trồng 10 ha ớt, thu nhập bình quân toàn xã đạt khoảng 3 tỷ đồng. Năm ngoái thắng lợi lớn nên năm nay người dân đổ xô trồng ớt, nâng tổng diện tích lên 23 ha nhưng thu nhập bình quân toàn xã chỉ bằng một nửa năm trước. Vì diện tích tự phát mở rộng nhiều dẫn đến giá cây giống đắt đỏ, lên 11 triệu đồng/kg hạt giống (năm 2013 là 9 triệu đồng/kg). Hơn một nửa số gia đình trồng ớt không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm phải tự lo liệu đầu ra, có thời điểm giá chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Tại xã Hoa Lộc (Hậu Lộc), vào mùa thu hoạch, nhìn những cánh đồng ớt quả chín đỏ nhưng lại vắng bóng người mà buồn. Đa số nông dân không mấy ai mặn mà với việc thu hái vì Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa đã ngừng thu mua. Gia đình chị Đoàn Thị Hiền trồng gần 1,5 sào ớt lai 20 và ớt chỉ thiên xuất khẩu. Theo hợp đồng đã ký, công ty phải thu mua ớt lai với giá 5.500 đồng/kg, nhưng khi ớt vào kỳ thu hoạch rộ, chỉ được 2 lứa đầu công ty thực hiện đúng hợp đồng, sau đó hạ xuống 2.000 đồng/kg. Thế nhưng, với cái giá “rẻ như bèo” ấy mà công ty cũng không thu mua tiếp nên gia đình chị Hiền phải nhổ bỏ để chuyển sang trồng lúa. Nhiều gia đình khác cùng cảnh ngộ như gia đình chị Hiền, mặc dù ớt chín đỏ nhưng đành bỏ mặc, có nhà tới 2-3 sào. Theo tính toán của người dân, để trồng 1 sào ớt phải đầu tư 700.000 đồng đến 1 triệu đồng tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Chưa tính công chăm sóc, nhiều gia đình đã phải bù lỗ cho cây trồng này.

Ông Phạm Thế Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc, cho hay: Hoa Lộc có 12 ha diện tích đất trồng ớt xuất khẩu với 411 hộ tham gia. HTX trực tiếp đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa. Nhưng khác với mọi năm, vụ ớt này công ty chỉ thu mua cho người nông dân được 2 lần ớt lai 20, ớt chỉ thiên được nhiều hơn vài lần nhưng rồi cũng đã chấm dứt thu mua. Cực chẳng đã, chúng tôi đã phải vận động bà con nhổ bỏ cây ớt để chuyển sang trồng lúa cho kịp thời vụ.

Vụ đông xuân 2013-2014, một số huyện có diện tích trồng ớt lớn như Yên Định hơn 400 ha, Hậu Lộc 200 ha, Hoằng Hóa 160,17 ha, Vĩnh Lộc 103 ha, Thiệu Hóa 35 ha... Được biết, thời gian trồng ớt vụ đông xuân bắt đầu từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau; vụ xuân bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 6. Như vậy, những xã trồng ớt vụ đông xuân thì vẫn được mùa, được giá, còn xã nào mở rộng thêm diện tích vụ xuân thì hầu như thất bại. Ví như, tại huyện Yên Định, vụ đông xuân vừa qua, do trồng đúng mùa vụ nên toàn huyện thu nhập khoảng 150 tỷ đồng từ cây ớt lai và ớt kim, sản lượng trung bình 20 tấn/ha. Do hiệu quả cao, người dân đã tự ý mở rộng thêm 50 ha vụ xuân, tuy nhiên, số diện tích này lại cho thu nhập kém do không có đầu ra. Tương tự, tại huyện Hoằng Hóa có khoảng 30 ha ớt đông xuân được mùa, giá ớt lúc cao nhất là 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do năm 2013 giá ớt tăng đột biến khiến năm nay diện tích của huyện tăng lên gấp đôi (tăng 80 ha so với năm 2013), nhưng lại tập trung chủ yếu ở vụ xuân. Bắt đầu từ tháng 4 trở đi, giá ớt tụt dốc, toàn bộ diện tích mở rộng vì không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đơn vị nào nên người nông dân phải tự lo liệu đầu ra, điều này làm cho không ít hộ gia đình điêu đứng. Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa, cho biết: Nhiều người dân không muốn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để tự do bán ra ngoài với giá cao hơn. Nhiều người khác dù đã ký hợp đồng nhưng khi ngoài thị trường giá “nhích” hơn một chút thì lại “bội tín” với công ty. Vì thế, năm nay thị trường bất ổn, giá ớt xuống thấp, Xí nghiệp Chế biến rau quả xuất khẩu Hoằng Vinh (Hoằng Hóa) vẫn thu mua nhưng phân loại chặt chẽ hơn để giảm bớt số lượng, những xã nào không giữ chữ tín thì không thu mua hết diện tích đã ký kết.

“Cơn sốt” trồng ớt dẫn đến nguồn cung tăng mạnh. Khi cung vượt quá cầu thì người nông dân bị thua lỗ. Lối sản xuất theo kiểu phong trào, không có kế hoạch này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người nông dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành chức năng đối với công tác chỉ đạo, công tác quy hoạch, cơ cấu cây trồng cũng như công tác quản lý đến đâu trong vấn đề này. Ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa, lý giải: “Về nguyên tắc không thể cấm người dân không được trồng ớt mà chỉ tuyên truyền, định hướng cho họ, nếu họ cố tình mở rộng diện tích thì phải tự lo đầu ra cho sản phẩm”. Ông Hà Duyên Lục, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Yên Định, cho hay: “Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng một bộ phận người dân vẫn tự làm theo ý mình. Không thể bắt họ nhổ bỏ số diện tích ớt đã trồng, vì vậy chúng tôi yêu cầu các xã đề nghị các hộ gia đình làm cam kết nếu tự ý mở rộng diện tích phải tự chịu trách nhiệm, không làm ảnh hưởng đến chính quyền địa phương”.

Vì sao năm nay giá ớt lại rớt thảm hại như vậy?. Ông Đoàn Ngọc Lân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa, cho biết: “Hiện nay tỉnh ta xuất khẩu ớt sang 2 thị trường chính là ớt tươi xuất sang Trung Quốc và ớt muối xuất sang Đài Loan, tuy nhiên số lượng ớt muối không nhiều. Quả ớt của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nhưng thị trường này không ổn định bởi họ có thể tự cung cấp được nguồn hàng, chỉ khi nào thiếu mới nhập của Việt Nam. Năm nay phía Trung Quốc ngừng thu mua ớt trong khi người dân lại đồng loạt mở rộng diện tích, nhất là các tỉnh phía Nam, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến Thanh Hóa. Tuy nhiên, dù khó xuất bán nhưng với những xã luôn giữ chữ tín như Phú Lộc (Hậu Lộc), Yên Lâm (Yên Định), Xuân Du (Như Thanh)..., dù giá xuống thấp chúng tôi vẫn hỗ trợ thu mua theo đúng hợp đồng đã ký để bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân.

Gieo trồng không có kế hoạch, không theo quy hoạch; công tác quản lý không chặt chẽ cộng với xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không ổn định, tiềm ẩn những rủi ro cao, vì thế việc được - mất là điều khó tránh khỏi. Đây có thể xem là bài học đắt giá, qua đó cảnh tỉnh người nông dân cũng như chính quyền các địa phương và ngành chức năng trong việc quản lý và thực hiện đúng thời vụ, diện tích quy hoạch. Người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn”, nhiều kinh nghiệm trên đồng ruộng nhưng thiếu kỹ năng tìm kiếm thị trường. Bởi vậy, họ rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành chức năng trong việc chỉ đạo, quản lý và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Để giúp bà con nông dân trong huyện ổn định đời sống từ sản xuất nông nghiệp, ông Lê Huy Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa, cho biết: Rút kinh nghiệm từ vụ này, thời gian tới chúng tôi sẽ làm việc với Xí nghiệp Chế biến rau quả xuất khẩu Hoằng Vinh để nắm bắt thị trường tiêu thụ ớt. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quy hoạch lại diện tích, thay đổi cơ cấu mùa vụ và quản lý chặt chẽ số ớt trồng tự do; khuyến khích các xã làm ăn có uy tín tiếp tục thực hiện, chỉ đạo các xã cũng như bà con xã viên phải giữ chữ tín với doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết. Mặt khác yêu cầu doanh nghiệp phải giữ chữ tín với người nông dân để cùng hỗ trợ nhau kể cả lúc thuận lợi lẫn lúc khó khăn.

BN (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site