10:05 | 03/09/2014

Nghề gánh nước mướn ở Sài Gòn xưa

(LV) - Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ xưa kia có một nghề gánh nước mướn, thậm chí nó còn phát triển thành một nghề làm ăn có tiếng góp phần vào sự phong phú, đa dạng giữa trăm nghìn nghề nghiệp với những đoàn người hội họp như phường, như hội…

>>> Nhớ nghệ nhân sơn thếp cuối cùng 

>>> Tổ chức Tuần "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng" 

Từ khó khăn sinh thành nghề nghiệp

Khi xưa, Sài Gòn giao cho Sở Thủy cục quản lý nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thành phố. Nhưng do điều kiện khó khăn nên Sở chỉ lắp đặt hệ thống cung cấp nước ở những con đường lộ lớn, không đủ khả năng thiết lập hệ thống dẫn nước tới tận các nhà dân, nhất là những nhà ở sâu trong các ngõ hẻm. Trước tình trạng đó, Sở Thủy cục cho xây dựng thêm một hệ thống các phông (tên nước công cộng miễn phí đặt ở những nơi dân cư đông đúc) nhằm giúp cho những hộ dân cư không đủ điều kiện đặt ống dẫn nước có đủ nguồn nước sinh hoạt. Thế nhưng, các phông được thiết lập lại có hạn trong khi đó dân cư thành phố ngày càng phát triển cho nên nhu cầu nước sinh hoạt ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng. Từ đây, xuất hiện việc những nhà có tiền hoặc không có thời gian mướn người gánh nước về cho mình, vì vậy nghề gánh nước mướn bỗng dưng có một chỗ đứng trong xã hội.

Ban đầu, nghề gánh nước mướn chỉ xuất hiện với dăm ba người, nhưng lâu dần đã hình thành một đội ngũ hành nghề đông đảo. Họ đều là những người dân lao động nghèo khổ tứ xứ đổ về Sài Gòn, đại đa số họ là từ thôn quê lên, phần lớn là những cô gái hay các mẹ, đôi khi cũng có những người đàn ông trung niên. Đội ngũ gánh nước mướn tập trung sống quây quần trong những xóm nghèo, cứ hễ nhà nào cần nước thì họ gánh đến, tài sản của người làm gánh nước mướn chẳng có gì ngoài đôi thùng nước mộc mạc. Mỗi khi có người gọi nước, những người làm nghề sẽ gánh nước đến tận nhà, đoạn đường gánh nước của họ thường dài hơn 300m, đôi khi trong những con hẻm quanh co có thể dài hơn rất nhiều. 1 gánh nước, người làm nghề được khoảng 2 đồng, 1 gia đình sử dụng trung bình 4 - 5 gánh nước. Một ngày, tùy theo lượng nước lấy được ở các phông - tên và người gọi nước ít hay nhiều mà thu nhập của những người làm nghề cũng dao động lên xuống bấp bênh.

Mùa làm ăn cao điểm nhất của người làm nghề là vào dịp Tết Nguyên đán. Vào dịp Tết, người dân có tâm lý no đủ, dư dả trong những ngày đầu năm nên họ xài nhiều gấp đôi, gấp ba lần những ngày thường. Cứ vào những ngày cuối năm chủ nhà lại đặt những người gánh nước mướn đổ đầy các chum, lu, vại chứa nước. Sau giờ giao thừa, những người gánh nước mướn gánh tặng cho chủ nhà thêm vài thùng nước xem như một lời cầu chúc tốt lành cho năm mới. Bù lại, chủ nhà cũng tặng cho họ những bao lì xì đỏ tươi như phúc lộc đầu năm.

Đến hoa khôi gánh nước hút hồn công tử Bạc Liêu

Trong số những người làm nghề gánh nước mướn thời đó, có thể nói cô gái Bùi Thị Ba là người được xem là may mắn và hạnh phúc nhất khi một bước đổi đời, hưởng phước giàu sang sánh duyên cùng chàng công tử nổi tiếng như cồn - Công tử Bạc Liêu. Bùi Thị Ba vốn là con gái của một ông già sửa xe đạp nghèo trước một ngã tư đường được mệnh danh là “Hoa khôi chân đất” bởi tuy vất vả, cực nhọc với nghề nhưng cô vẫn giữ cho mình nét đẹp thanh thoát, duyên dáng nếu không nói là mỹ miều, thanh cao.

Với nét đẹp vốn có, dáng ngọc thướt tha ngày ngày gánh nước đã làm cho bao tâm hồn công tử giàu có xao xuyến. Trong số những công tử đó, Trần Trinh Huy còn có tên gọi khác là Ba Huy được mệnh danh là Hắc công tử đã bị cô làm điên đảo tâm hồn. Ông quyết tâm trong những khoảng thời gian cuối cuộc đời nhất định phải cưới cho bằng được cô Ba về làm vợ của mình (Khi đó cô Ba thua ông đến 40 tuổi). Hắc công tử đã dùng cả một căn nhà to lớn mặt tiền sang trọng làm sính lễ ra mắt cha vợ để rước nàng về dinh. Sống hạnh phúc với cô gái hoa khôi nghèo đẹp tựa tiên làm nghề gánh nước mướn, Hắc công tử có thêm bốn người con (hai trai hai gái) tên Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ.

Hoài niệm huy hoàng một nghề xưa cũ

Từ những năm cuối thập niên 1960, nguồn cung cấp nước ngày càng thiếu thốn trầm trọng, không đủ cung ứng cho dân cư thành phố, nguồn nước thiếu đến nỗi chỉ chảy nhỏ giọt hàng giờ mà không đầy được một thùng nước khiến việc làm nghề trở nên khó khăn. Lúc bấy giờ, ta dễ thường bắt gặp những hàng người cùng dãy thùng thiếc xếp hàng dài nối đuôi nhau như rồng rắn chờ đợi mỏi mòn những giọt nước “quý báu”, cuộc sống của những người gánh nước mướn lâm vào bế tắc.

Đỉnh điểm và cũng là “cái kết” chấm dứt một nghề mưu sinh nuôi sống một bộ phận dân cư nghèo khó khi vào những năm đầu thập niên 1970, Sở Thủy cục Sài Gòn cho lắp hệ thống ống nước và đồng hồ nước dẫn vào từng nhà dân thì nhu cầu thuê người gánh nước đã không còn. Nghề gánh nước mướn chấm dứt từ đây và trôi vào quên lãng. Từ đó trở đi, hình ảnh những người gánh nước mướn chỉ còn là hoài niệm trong miền ký ức sâu thẳm nào đó của những cư dân Sài thành một thuở mà mỗi khi gợi nhớ lại, họ lại thấy vừa đẹp nhưng cũng vừa khiến ta chạnh lòng thương nhớ.

Như Bình

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site