10:32 | 23/09/2014

Người hồi sinh phường rối làng Chàng

(LV) - Nói đến "ông trùm" rối nước làng Chàng Nguyễn Văn Dậu, người dân trong xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội) ai cũng tỏ lòng kính trọng. Họ mến vì lòng nhiệt huyết, sức sáng tạo không ngừng của ông đã và đang "giữ lửa" cho nghệ thuật rối nước truyền thống độc đáo của quê hương xứ Đoài.

Căn nhà cấp 4 khá chật chội nhưng được sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Ở gian bên trái có nhiều bằng khen, giấy khen, ảnh kỷ niệm… được treo trang trọng. Trước khi nói về nghệ thuật rối nước, ông Dậu tự hào kể về quãng đời binh nghiệp 20 năm tròn với biết bao kỷ niệm bi tráng không thể quên. Đời quân ngũ của ông Dậu bắt đầu từ một chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ đập Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội) vào năm 1965, sau đó tiếp tục trải qua các cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), sang chiến trường C trên đất bạn Lào, rồi về Quảng Trị, vào Quảng Nam, Quảng Ngãi sau đó tham gia đội hình của Quân đoàn 4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam…

Ông Dậu là đời thứ 5 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật rối nước giật dây ở làng Chàng. Trong suốt 20 năm ròng rã đánh giặc từ Bắc chí Nam, không lúc nào ông thôi nhớ về những tháng ngày tuổi thơ theo cha đi diễn rối nước. Ngày ấy, mỗi lần được đi phục vụ phường rối của cha, ông Dậu đều lẻn vào buồng rối quan sát các chú, các anh biểu diễn. Lâu dần, ông Dậu được đảm nhận những điệu múa giản đơn… "Cứ như vậy, hình ảnh sống động của những con rối đã thấm vào con người tôi từ khi nào không hay. Ngày nhập ngũ, tôi tự hứa khi được trở về sẽ tiếp tục duy trì, phát triển nghệ thuật rối nước" - ông Dậu bộc bạch. Vì thế, năm 1985, ngay sau khi được giải ngũ về quê với quân hàm đại úy, việc đầu tiên ông Dậu làm là báo cáo Đảng ủy, UBND xã Chàng Sơn cho tái thành lập phường rối nước, sau gần 20 năm vắng bóng.

Ông Nguyễn Văn Dậu (bên trái) kiểm tra việc đục đẽo con rối
Ông Nguyễn Văn Dậu (bên trái) kiểm tra việc đục đẽo con rối.

Ông Dậu đã lặn lội lên tận Hà Giang để thu nhặt lại từng con rối. Vì trước đó, năm 1966 bố ông là nghệ nhân rối nước Nguyễn Văn Tân đi xây dựng kinh tế mới ở Hà Giang đã mang theo gánh rối. Ông Dậu kể lại: "Số con rối lấy lại được không nhiều, chưa đầy hai hòm gỗ, nhưng mừng nhất là bố tôi vẫn lưu giữ được những con rối cổ". Để thành lập lại phường rối, ông Dậu đã dày công thuyết phục những người thân trong gia đình, bạn bè yêu nghệ thuật tham gia phường rối. Quá trình khôi phục ban đầu gặp nhiều khó khăn, các thành viên đã dốc tâm sức đục đẽo, tạo tác những con rối mới. Bản thân ông Dậu trong nhiều tháng rong ruổi khắp làng trên xóm dưới, gặp nhiều người để tìm hiểu, sưu tầm những tích trò rối nước bị mai một sau nhiều năm bị quên lãng.

Phường rối làng Chàng đã được phục dựng nhưng theo lời ông Dậu thì từ năm 1986 đến 2000, phường chỉ hoạt động cầm chừng, biểu diễn trong tình trạng "thoi thóp". Ông cho biết: "Nếu không có tình yêu mãnh liệt với con rối của các thành viên trong phường thì có lẽ giờ này phường rối nước Chàng Sơn đã bị "xóa sổ". Trên cơ sở những hoạt động tích cực và những nét riêng đặc sắc mà năm 2001, Quỹ Ford đã tìm đến tài trợ để phục dựng các trò của phường rối nước Chàng Sơn. Ông Dậu cùng các thành viên đã tạo tác, làm mới toàn bộ các con rối, khôi phục các tích trò truyền thống, trong đó có những trò nổi tiếng như: "Hai Bà Trưng kéo quân" với 30 quân rối; "Chăn vịt" với hơn 20 quân; "Cá vật đẻ" 20 quân…

Điều đáng khâm phục với người lính, "nghệ sĩ" già Nguyễn Văn Dậu là bằng tài năng, lòng nhiệt huyết, ông đã tìm tòi, cải tiến 24 trò rối cổ, bổ sung lời ca theo các làn điệu chèo, quan họ và dân ca Bắc bộ, đồng thời sáng tác ra các tích trò mới, phản ánh những vấn đề đương đại ở nông thôn. Với lối suy nghĩ "tại sao phải đi kể sử cho người…", dựa trên những tích cổ, ông Dậu đã sáng tạo ra những kịch bản mới kể chuyện lịch sử nước nhà. Nổi bật là ông Dậu đã sáng tác tích "Ngô Quyền đánh quân Nam Hán" theo điệu hát ví, phản ánh một sự kiện lịch sử dân tộc gắn với Anh hùng dân tộc Ngô Quyền - một người con ưu tú xứ Đoài. Ngoài sáng tác mới, ông Dậu còn sưu tầm, làm mới cách thể hiện trong nghệ thuật rối nước như thay vì sử dụng chú Tễu dẫn trò, trong các hoạt cảnh của rối nước Chàng Sơn đã được biểu diễn bằng một nữ giáo đầu giống như trong hát chèo; hoặc nhiều tích trò phản ánh nét văn hóa xứ Đoài đặc sắc... Đặc biệt nhất là ông Dậu đã cải tiến lối nói bộ bằng cách đưa các điệu chèo, tuồng, dân ca… vào tích trò giúp dễ nghe và thu hút người xem.

Những cống hiến cho nghệ thuật rối của ông Dậu và những thành viên của phường đã đạt nhiều thành quả, phường rối đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, tham gia Festival Huế, liên tục có lịch biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… Nói về nghệ thuật rối nước giật dây được nhiều người yêu mến, ông Dậu cho biết: "Đặc trưng rối nước làng Chàng là múa dây, thay vì múa bằng sào ở các phường khác. Cái hay của múa bằng dây là đưa con rối đi được xa, con rối uyển chuyển, sinh động. Tuy vậy, cái khó là phải chuẩn bị công phu, phải cắm nhiều cọc hơn múa bằng sào vì thế thủy đình thường là phải dựng ở ao nước có đáy vẫn là bùn; người điều khiển phải khéo léo, chính xác trong từng động tác".

Một thành viên phường rối, người rất yêu rối nước được ông Dậu truyền dạy nhiều năm qua - anh Nguyễn Văn Viên (cháu của ông Dậu) cho biết: "Tấm lòng là yếu tố quan trọng nhất để theo đuổi nghệ thuật rối. Nhất là phường rối Chàng Sơn trung thành với múa dây đòi hỏi mỗi thành viên phải chăm chỉ tập luyện, học hỏi thì mới đạt yêu cầu". Hỏi tại sao không thay đổi cách múa bằng sào cho đơn giản, đi biểu diễn được ở nhiều nơi, cả ông Dậu và anh Viên đều khẳng định chắc nịch: "Chúng tôi không "bán rẻ" truyền thống của cha ông để lại. Cha ông đã theo được, không có lý gì mà chúng tôi không làm được".

Trăn trở lớn nhất với ông Dậu bây giờ là "phường rối nếu không có kinh phí hoạt động sẽ gặp nhiều khó khăn". Đục đẽo một con rối đơn giản cũng phải mất 2 đến 3 công lao động, rất tốn kém. Hơn thế, nhiều tích trò cổ muốn phục dựng lại như "Kéo xẻ", "Đúc chuông", "Dựng phướn dâng nhang"… nhưng "muốn làm phải có kinh phí, có người nhiệt huyết". Một tâm tư nữa với rối nước làng Chàng là vấn đề con người, "từ chỗ phường có 18 người, giờ còn 10 người, chủ yếu là con cháu trong gia đình, nhiều người trong làng vào phường nhưng một thời gian họ cũng bỏ cuộc".

Chia sẻ về tương lai của nghệ thuật rối làng Chàng, ông Dậu nói giọng tâm tư: "Buồn nhất là quê hương rối nước mà người dân không được xem, dù cả trẻ con, người lớn vẫn rất háo hức". Nói vậy nhưng ông Dậu vẫn quả quyết: "Nghệ thuật truyền thống của quê hương, của gia đình hàng trăm năm nay rồi nên tôi vẫn nói với các cháu là phải quyết tâm giữ gìn, bảo tồn cho tốt. Sẽ có nhiều khó khăn nhưng tôi tin sẽ làm được".

KN (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site