05:28 | 09/10/2014

Người giữ “hồn quê” giữa phố

(LV) - Yêu những đồ vật quê đến nỗi anh Phạm Văn Nghĩa (thị trấn Quốc Oai, Hà Nội) đã gom góp hàng trăm thứ đồ dùng vật dụng của người dân quê vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa mang về nhà mình.

>>> Nữ thủ khoa mê nhạc kịch 

>>> Tài thuần trâu bò của “nông dân tí hon” 

“Chổi cùn giẻ rách” cũng về nhà...

Đó là chia sẻ của anh Nghĩa khi nói về phản ứng của vợ anh thời gian đầu tiên khi thấy anh tha lôi các đồ vật vốn gắn bó với cuộc sống thôn quê về nhà. Không ít lần, chị Hương, vợ anh, là giáo viên dạy học, to tiếng với anh, “ghen” với cái đống đồ cối đá, chum, vại, nong, nia, đơm, đó… của anh, vì chúng khiến anh cứ “sểnh” công việc ra là đi, long nhong suốt ngày, lang thang tìm kiếm, mặc vợ lo toan mọi việc. Trước những lời đó của vợ, anh Nghĩa chỉ cười xòa, rồi lại tiếp tục làm điều mình thích.

Chị Hương kể, có năm, gần 30 Tết, trong khi nhà nhà xung quanh dọn dẹp, mua sắm, sửa soạn cho Tết thì nhà chị, chỉ có mấy mẹ con với nhau. Đến giao thừa, anh Nghĩa từ đâu về, tay xách nách mang một đống thứ “linh tinh”, mặt mày nhem nhuốc, mồ hôi nhễ nhại dù đang giữa mùa đông. Lại có lần, anh Nghĩa đang cảm nhưng vẫn đến nhà người ta mua bằng được cái cối đá. Chị bảo: “Nhiều lần nhìn đống đồ ngổn ngang trong nhà không biết phải nói sao với ông chồng “điên điên” nữa...”.

Nói mãi không được, chị thấy lạ, chẳng hiểu sao chồng chị lại đam mê sưu tầm mấy cái thứ nhà quê xưa cũ đến thế? Rồi chị để ý đồ vật, rồi hỏi chuyện và được anh chia sẻ. Những đồ vật này nhiều năm nữa nếu không được giữ lại, sẽ không ai có thể biết, có thể hình dung ra nó đã một thời gắn bó với người quê như thế nào… Và khi chứng kiến có người đến thăm, xem các đồ vật, tỏ lời khen, mời chồng chị tham gia triển lãm, trưng bày các đồ vật này thành không gian văn hóa lúa nước cho một số sự kiện văn hóa. Lúc đó chị mới thấy việc “sưu tầm” của anh không hoàn toàn như chị nghĩ.

Anh Nghĩa đang giới thiệu về các
            đồ dùng vật dụng sưu tầm về
Anh Nghĩa đang giới thiệu về các đồ dùng vật dụng sưu tầm về.

“Chất quê” đã ngấm…

Anh Nghĩa tuổi ngoại tứ tuần, là cán bộ thi hành án của Tòa án huyện Quốc Oai (Hà Nội), tưởng anh là người khô cứng, quy tắc nhưng ngược lại anh thân thiện, gần gũi và yêu văn hóa. Là con nhà nông, nên tất cả những hình ảnh trong không gian sống ấy đã in đậm trong anh những ký ức quê không thể nào quên. Và niềm đam mê sưu tầm đồ vật cũ của người quê “ngấm vào máu” anh trong suốt hơn 15 năm qua, anh cứ miệt mài đi sưu tầm từ khắp các làng quê của vùng Hà Tây (cũ), vùng phụ cận Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên...

Gần như tất cả những đồ dùng vật dụng của người quê đều có ở nhà anh. Đó là những đồ dùng đơn giản, bình dân, phổ biến ở nông thôn, có cái qua hàng trăm năm, có cái chỉ khoảng vài chục năm trước và cả những thứ quý hiếm khó mà tìm được.

Dường như biết tôi thắc mắc nên anh dẫn tôi đi một vòng và giải thích cùng thứ dùng để làm gì: Cái cối xay bột này có từ lâu rồi đấy, có khi nó nhiều tuổi hơn cả bố cô đấy! Ngày xưa cứ vào ngày giỗ, ngày lễ, tết, các cụ thường dùng nó để xay bột làm đủ các loại bánh…

Vậy là, mỗi đồ vật anh mang về, anh đều hình dung ra những công việc, những trạng thái tâm lý và cả đời sống đầy màu sắc, sinh động của những đồ vật ấy.

Anh tâm sự, việc sưu tầm đôi khi cũng dễ, có thể xin được nhưng có thứ rất nhiều tiền mới mua được. Ví như cái cối xay chủ nhà nhất quyết không bán vì họ thấy việc anh làm quá lạ. Anh bảo, nhiều vậy nhưng vẫn có thứ thiếu, như cây rơm chẳng hạn…

Quạt hòm gỗ để làm sạch lúa sau khi phơi khô
Quạt hòm gỗ để làm sạch lúa sau khi phơi khô.

Trăn trở cách bảo tồn

Khi biết anh có “không gian văn hóa lúa nước” của người Việt Bắc Bộ, đã có một số cơ quan, đơn vị mời anh Nghĩa tham gia tổ chức triển lãm, giới thiệu, trưng bày. Trong các sự kiện tham gia, đáng chú ý có Festival cầu Long Biên - Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, Triển lãm nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội… và những cống hiến của anh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.

Tôi hỏi, anh mua các đồ vật này tiền tỉ, giờ nếu có người trả gấp đôi số tiền đó cho toàn bộ số đồ vật này thì anh nghĩ sao? Anh Nghĩa thẳng thắn: Tôi sẽ hỏi họ có hiểu về ý nghĩa của các đồ vật không. Tôi sẽ không bán nếu họ không hiểu rõ ý nghĩa và giá trị văn hóa của nó. Anh mong muốn có thể mua một ngôi nhà cổ đúng chất quê xưa để phục vụ việc trưng bày không gian văn hóa này. Nhưng sẽ tốt hơn nếu hiện vật sưu tầm của anh được một tổ chức hoặc cơ quan có chức năng bảo tồn phát huy, khai thác nhằm lưu giữ những giá trị vốn có đã được gìn giữ lâu nay...

Anh Nghĩa sưu tầm được khoảng 500 đồ vật, gồm đồ đá, đồ sinh hoạt, dụng cụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, anh còn sở hữu những hiện vật đồ gỗ của ngôi nhà cổ có niên đại khoảng 200 - 250 năm, được gọi là nhà đại khoa, có 5 gian, 2 dĩ (2 trái), diện tích khoảng 80 - 100m2.

Hoàng Huyền

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site