05:57 | 10/11/2014

Sức sống nghề rèn Phú Mỹ

(LV) - Hình ảnh những người thợ lưng trần nhễ nhại mồ hôi, hì hục nện quai búa rèn những tấm thép được nung đỏ rực đã trở nên quen thuộc với người dân thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang) trong hơn một trăm năm qua…

Nghề trăm năm tuổi

Ông Nguyễn Văn Thanh Tao, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Mỹ cho biết nơi đây hiện có 28 cơ sở lò rèn. Những năm gần đây, người thợ địa phương còn cho ra đời nhiều sản phẩm mới như: Leng, dao, búa, lưỡi hái… phục vụ nhu cầu người dân vùng nông thôn. Để duy trì và phát triển nghề, địa phương đã vận động các chủ lò rèn thành lập tổ hợp tác, tạo điều kiện cho người dân có nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn lẫn nhau. Đồng thời, tìm kiếm đầu ra và bình ổn giá cho sản phẩm, giúp người dân ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, tuy không còn ở thời “hoàng kim” nhưng nghề rèn truyền thống Phú Mỹ vẫn tạo công ăn, việc làm ổn định cho gần 100 lao động nhàn rỗi (thu nhập bình quân 100.000 đồng/ngày/người).

Sản phẩm rèn Phú Mỹ luôn được người dân tin dùng
Sản phẩm rèn Phú Mỹ luôn được người dân tin dùng.

Anh Phạm Văn Lợi, ngụ ấp Trung I cho biết: “Tuy giá nguyên liệu có tăng cao hơn năm trước đôi chút nhưng cơ sở anh đang làm vẫn không tăng giá sản phẩm. Lưỡi leng được bỏ mối cho các bạn hàng với giá từ 17.000 - 25.000 đồng/lưỡi (tùy loại), còn leng nguyên cây bán với giá 34.000 - 60.000 đồng/cây”.

Anh Phạm Huy Trung tâm sự: Hàng ngày, anh cắt trấu lưỡi hái được 80 lưỡi, thu nhập khoảng 120.000 đồng/ngày. Còn anh Phạm Huy Cường làm nghề hàn móc cấy lúa “khoe” có thu nhập bình quân 150.000 - 170.000 đồng/ngày…

Ra đời gần một thế kỷ, sản phẩm làng nghề luôn được người dân khắp nơi tin dùng bởi chất lượng, độ bền và sắc bén độc đáo không nơi nào có thể làm được… Sản phẩm xuất lò không chỉ cung cấp cho thị trường các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung mà còn được tiêu thụ sang Campuchia với số lượng khá lớn.

Nỗi niềm nghề rèn

Thợ rèn Phạm Văn Bé (68 tuổi) cho biết, nghề rèn đã có từ rất lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ nên đã trở thành nghề truyền thống của người dân địa phương. Thậm chí nhắc đến Cù lao Phú Tân, người ta ấn tượng về nghề rèn hơn cả nghề lưỡi câu và làm bánh tráng. Những năm gần đây, với sự ra đời liên tiếp của các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là máy xới thay thế cuốc, máy gặt đập liên hợp thay thế lưỡi hái… đã ảnh hưởng lớn đến những sản phẩm của nghề rèn. Làm sao để giữ được nghề? Đó là sự trăn trở của những người có thâm niên như ông Bé.

Nghề rèn tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương
Nghề rèn tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Với kinh nghiệm trên 40 năm trong nghề, ông Bé chia sẻ: “Thấy vậy chứ làm nghề rèn không hề dễ, mà phải trải qua nhiều công đoạn. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh vừa đẹp, vừa bền và sắc bén đòi hỏi người thợ phải có tay nghề nhất định và cần một vài bí quyết riêng”.

Do sản phẩm chủ lực lưỡi hái không được ưa chuộng như trước nên các cơ sở chuyển sang làm leng, dao, búa, móc cấy lúa… Để sản phẩm làm ra cạnh tranh được trên thương trường, chủ lò đã chủ động đầu tư, trang bị nhiều máy móc tiên tiến, như: Máy làm leng, máy làm răng cưa, máy cắt thép, moteur đá mài… Đồng thời, cải biến phương thức sản xuất, thay đổi mẫu mã các loại sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Hiện nay, sản phẩm rèn Phú Mỹ rất phong phú, đa dạng, với vài chục loại dao lớn nhỏ khác nhau; hơn chục loại búa, rồi còn cưa, leng, kéo, đục, xà beng, lưỡi hái… Mỗi ngày cơ sở ông Bé sản xuất và bỏ mối cho các bạn hàng bình quân trên 100 sản phẩm các loại, chủ yếu là lưỡi hái, dao… Sau khi trừ đi chi phí, gia đình ông thu về lợi nhuận từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày…

“Công việc khá vất vả, sản phẩm lại phải cạnh tranh ngày một gay gắt trên thị trường nhưng người dân nơi đây vẫn quyết bám trụ, giữ gìn nghề truyền thống của ông cha ta để lại…”, ông Bé trải long.

Bình Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site