15:35 | 30/11/2014

Làng “thổi hồn” cho gỗ

(LV) - Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, làng nghề truyền thống Sơn Đồng (Hoài Đức - Hà Nội) được biết đến là nơi giữ gìn và phát triển những tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật điêu khắc của nước ta.

Tinh hoa làng nghề

Trải qua bao thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc, làng nghề Sơn Đồng cho đến ngày nay vẫn là nơi được lựa chọn đầu tiên khi mọi người cần đến những hoành phi, câu đối, tượng Phật, đồ thờ... Về thăm Sơn Đồng, ngay khi đến đầu làng chúng tôi đã nghe thấy những tiếng đục đẽo trên gỗ lách cách cộng với tiếng máy cưa xoèn xoẹt âm vang khắp ngõ xóm. Vui vẻ kể về nghề, các cụ trong làng rất tự hào vì sản phẩm tạc tượng Sơn Đồng có mặt khắp nơi ở các chùa chiền, đền miếu trên khắp cả nước, phục vụ cho nhu cầu trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, nhu cầu tín ngưỡng của người dân...

Tượng phật Sơn Đồng
Tượng phật Sơn Đồng.

Toàn xã Sơn Đồng có khoảng 1.700 hộ với 7.500 nhân khẩu, mỗi hộ có ít nhất một người biết nghề chạm khắc gỗ. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các tượng Phật, tượng Đức Thánh, những người anh hùng, các linh vật thờ như: ông Ngựa, ông Hạc, hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, ban thờ...

Theo nghệ nhân Nguyễn Trung Tài tượng Phật được chạm khắc theo một cách riêng, người làm tượng Phật phải có niềm tin vào Tam bảo, thần linh và chư vị thánh tăng. Mỗi pho tượng không được quá cứng nhắc mà phải giàu nét hiện thực với vẻ mặt dịu dàng, đôn hậu, có thiện, có bi, dáng dấp tôn nghiêm vừa uy nghi vừa gần gũi với con người.

“Việc chế tác đồ thờ và tượng thờ ở Sơn Đồng phải làm sao để bức tượng có hồn, thể hiện được sắc thái riêng, phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất linh hồn của vị Phật, vị Thánh mà nhân dân tôn thờ.”, nghệ nhân Nguyễn Trung Tài cho biết.

Kỹ thuật chế tác điêu luyện

Nguyên liệu để tạc tượng là gỗ mít. Theo quan niệm dân gian, mít là loại gỗ “thiêng” thích hợp cho việc chế tác đồ thờ cúng. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dăm, nên có độ bền cao, ít nứt nẻ, dễ gọt, tránh được những sơ suất khi đục đẽo. Gỗ khi thu mua được loại bỏ hết phần giác, chỉ dùng lõi để đục. Sau đó, người thợ dùng dây đo để cắt phần gỗ theo khuôn mẫu định tạo về chiều cao, chiều ngang và bề dày, rồi đến cắt “dưỡng” - hình mẫu cắt theo “công tua” hai chiều: Chiều nghiêng (nhìn mặt bên tượng) và chiều đứng (nhìn chính diện).

Tác phẩm tranh quạt được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ Sơn Đồng
Tác phẩm tranh quạt được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ Sơn Đồng.

Phần gia công đầu tiên là đầu và mặt tượng được các nghệ nhân đục phác thảo những đường nét trên khuôn mặt như trán, mắt, mũi, môi, tai. Trong quá trình phác thảo việc phân chia tỷ lệ trên khuôn mặt rất quan trọng để khoảng cách giữa hai con mắt, từ chân tóc tới chân mày, chiều dài sống mũi, bề rộng cánh mũi, khoảng cách giữa môi trên và môi dưới, từ môi dưới tới cằm, độ dày của môi phải được cân đối. Đặc biệt là tai Phật, phải tính đặt cân đối hợp lý trong khoảng cách từ chân tóc tới cằm.

Sau khi đục phác thảo dáng chung một lượt suốt từ diện tới bệ, là khâu đục chi tiết. Đây là khâu quan trọng nhất trong cả quá trình hoàn thành pho tượng. Người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo đục đẽo để được các đường nét theo ý muốn. Chỉ một nét chạm thôi, người thợ cũng có thể tạo nên cái thần cho cả một tác phẩm. Sau khi đục là khâu gọt, nạo, rồi đánh giấy ráp cho nhẵn. Gọt nạo là khâu hoàn chỉnh phần gỗ trước khi chuyển sang phần sơn. Trong khi gọt, người thợ dùng loại đục dẹt, mỏng để tách các chi tiết, sao cho các mảng các khối đặc biệt là các ngón chân, ngón tay khỏi “dính” vào nhau.

Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng kỳ công như nghệ thuật làm vóc sơn mài. Đầu tiên “hom tượng” bằng sơn trộn đất phù sa (tỷ lệ sao cho không được non sơn, cũng không được già quá) rồi “bó” bằng sơn sống rồi sơn “thí”. Sau mỗi công đoạn đều phải mài tượng bằng đá và nước. Sơn lên rồi lại mài đi, rồi lại sơn lên, cứ thế, bao giờ thấy bề mặt tượng phẳng nhẵn và mọng lên thì dùng một lớp sơn (gọi là sơn cầm thếp) phủ lên. Khi thấy sơn cầm thếp hơi se, sờ tay thấy còn hơi dính thì dán bạc hoặc dán vàng (bạc, vàng quỳ) tùy theo yêu cầu của khách. Người ta đem những lá vàng, lá bạc (loại cao tuổi) dát mỏng cắt thành những mảnh vuông, xếp vào giữa những tờ giấy, rồi dùng búa nện đều cho đến khi vàng tan thành bột. Bằng sự tài hoa, khéo léo của đôi bàn tay và cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng Sơn Đồng đã “thổi hồn” vào những khúc gỗ “chết”, tạo ra những sản phẩm với nét tinh hoa, độc đáo riêng biệt.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển với những bước thăng trầm của lịch sử, sản phẩm làng nghề tạc tượng Sơn Đồng vẫn hiện diện và có mặt trong nhiều ngôi chùa, đình đền trong cả nước. Điều đặc biệt là 18 pho tượng La Hán tại chùa Tây Phương đã đi vào thơ ca như một sự minh chứng về bàn tay, khối óc tài hoa của các nghệ nhân làng Sơn Đồng

Đinh Thu Huyền

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site