07:51 | 22/10/2014

Đề xuất các giải pháp tăng tính cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam

(LV) – Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ”, cũng là dịp chính thức ra mắt Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” được tổ chức ngày 21/10 tại Hà Nội.

Cần tính đủ chi phí sản xuất vào trong giá gạo xuất khẩu và có cơ chế cho người nông dân tham gia ấn định giá lúa - đó là hai trong số nhiều đề xuất nâng cao tính cạnh tranh cho ngành lúa gạo Việt Nam của Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” – gọi tắt là Liên minh Nông nghiệp.

Liên minh nông nghiệp bao gồm các thành viên: Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Nghiên cứu Chính sách kinh tế, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường được thành lập với tôn chỉ hoạt động là tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam, từ đó tăng thu nhập cho nông dân và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE)Lê Quang Bình phát biểu tại Hội thảo
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE)Lê Quang Bình phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Diệu Quỳnh

Năm 2014, Liên minh nông nghiệp đã tiến hành nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam” nhằm đưa ra các gợi ý chính sách nâng cao hiệu quả ngành sản xuất lúa gạo, nâng cao tiếng nói và vị thế của người nông dân sản xuất nhỏ trong định hướng ngành nông nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh nông nghiệp cho biết: Do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và trợ cấp khác nhau từ ngân sách Nhà nước nên ngành lúa gạo Việt Nam đang có khuynh hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, đang xuất khẩu với giá thấp, và như vậy xuất hiện một thực tế phũ phàng là người đóng thuế Việt Nam thực chất đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài đối với gạo Việt Nam. Chúng tôi đề xuất nên tính đủ phần trợ cấp vào giá gạo xuất khẩu để phản ánh đúng chi phí sản xuất và đảm bảo quyền lợi của người dân. Xuất khẩu chú trọng vào tăng giá thay vì sản lượng, mới tạo động lực cho doanh nghiệp và người nông dân chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, lựa chọn giống lúa thuần chủng, chất lượng cao, làm tăng tính cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đang đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nhiều hơn, thay vì mục tiêu ban đầu là tăng tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Ví dụ, chính sách quy định giá sàn thu mua lúa không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân mà còn vô tình cản trở người nông dân chuyển dịch sang trồng các giống lúa chất lượng cao. Chính sách cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để thu mua tạm trữ chưa chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong việc bình ổn thị trường và hỗ trợ người nông dân yếu thế. Hay những quy định về điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay (Nghị đinh 109) vô hình trung ngăn cản một bộ phận doanh nghiệp với sản phẩm gạo đặc thù (sản lượng ít, nhưng lợi nhuận và tính cạnh tranh rất cao) tham gia vào thị trường, triệt tiêu tính đa dạng của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Liên quan đến các vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: Hiện nay mức giá sàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói gì trong các quyết định này. Chúng tôi cho rằng cần phải có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện cho mình. Về các điều kiện đối với xuất khẩu gạo cũng cần có quy định riêng cho các doanh nghiệp khai thác thị trường ngách như gạo chất lượng cao, gạo đặc sản xuất với số lượng ít. Có như vậy sân chơi mới công bằng và dần dần gạo Việt Nam mới nâng cao được uy tín, chất lượng và giá bán.

Một khía cạnh khác của việc nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo là cần giảm số lượng nông dân, tích tụ ruộng đất để tăng năng suất và áp dụng công nghệ. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy đa phần người nông dân đang loay hoay trong thế khó - ở lại làm ruộng thì thu nhập không đủ chi tiêu, mà ra khỏi ruộng đất thì không có nhiều cơ hội trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Điều này cũng bộc lộ điểm yếu trong mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay, khi khu vực công nghiệp và dịch vụ không tạo đủ sức cầu về lao động nhằm giúp người nông dân rút khỏi dất đai dễ dàng hơn.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Diệu Quỳnh

Bên cạnh các khuyến nghị về giá gạo và nâng cao vị thế của nông dân, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp khác như bãi bỏ thuế VAT (5%) với mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước để tạo công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu và tiểu thương; phát triển tài chính vi mô và bảo hiểm cho người nông dân, giúp nông dân bớt phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng đầu vào; định hướng lại hoạt động của các Tổng công ty lương thực để giúp chính sách với ngành lúa gạo được thực hiện thực sự hiệu quả…

So sánh cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam với các nước xuất khẩu gạo cũng như xem xét xu hướng của ngành nông nghiệp thế giới, nghiên cứu chỉ ra rằng trong những năm tới, sự gia tăng mạnh mẽ nguồn cung gạo chất lượng trung bình và thấp từ các nước Ấn Độ, Myanmar và Campuchia sẽ khiến thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt, giá lúa nhiều khả năng tiếp tục sụt giảm. Vì vậy, Liên minh "Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam" sẽ tiếp tục vận động mạnh mẽ cho việc điều chỉnh kịp thời các chính sách với ngành lúa gạo và người trồng lúa để nâng cao tính cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Linh Khánh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site