10:04 | 27/10/2014

Thăm bản người Dao dưới chân Yên Tử

(LV) - Nằm ngay dưới chân phía sườn Tây núi Yên Tử, bản người Dao xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang từ lâu đã được biết đến là nơi có nghề bốc thuốc nam nổi tiếng và nơi đây đồng bào còn lưu giữ được nhiều tập tục sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Người Dao giữ gìn nghề thêu truyền thống
Người Dao giữ gìn nghề thêu truyền thống.

Hành trình đến bản người Dao

Để đến được với người Dao ở bản Mậu, du khách từ Thành phố Bắc Giang có thể theo đường tỉnh lộ 293 qua địa bàn huyện Lục Nam đến thị trấn Thanh Sơn và vào bản người Dao hoặc đi theo quốc lộ 31 lên đến thị trấn An Châu rẽ theo đường đi thị trấn Thanh Sơn khoảng 27km quý khách đã có mặt tại bản văn hóa người Dao xã Tuấn Mậu. Cả hai tuyến đường đều đã cơ bản được trải nhựa và khá thuận tiện cho các loại phương tiện. Sau khi thăm bản, tìm hiểu những tập tục văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây, du khách sẽ đến với khu du lịch sinh thái Đồng Thông - một điểm du lịch được tỉnh Bắc Giang quy hoạch là khu du lịch văn hóa, tâm linh Tây Yên Tử vừa mới được khởi công xây dựng vào tháng 5/2014. Khu văn hóa tâm linh được đầu tư với các hạng mục cụm chùa gồm: Chùa Trình, chùa Hạ (Phật Quang), chùa Trung và chùa Thượng (Kim Quy tự) cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như giao thông, bến bãi, hệ thống cáp treo... Khu du lịch này sẽ được kết nối với hệ thống di tích danh thắng Yên Tử của tỉnh Quảng Ninh. Tại đây du khách được hòa mình trong không gian hùng vĩ của núi rừng Yên Tử, khỏa chân vào dòng suối mát lành và tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đỉnh Yên Tử mà đích đến là ngôi chùa Đồng linh thiêng - nơi trước kia vua Trần Nhân Tông từng khai sinh ra dòng thiền Trúc Lâm...

Suối “Nước Trong” ở Khu du lịch sinh thái Đồng Thông
Suối “Nước Trong” ở Khu du lịch sinh thái Đồng Thông.

Gìn giữ bản sắc dân tộc

Sống bên những cánh rừng đại ngàn, người dân ở đây ít bị tác động bởi nhịp sống đô thị hiện đại. Nhiều nét văn hóa truyền thống của tộc người vẫn được gìn giữ. Hàng năm, vào mùa xuân người dân trong bản thường tổ chức lễ “Cúng rừng” với lễ nghi trang trọng. Lễ cúng diễn ra trong 10 tiếng đồng hồ vào ban đêm tại nhà già bản. Khi tổ chức cúng rừng, không khí trong bản vui vẻ nhộn nhịp hẳn lên, mọi người sửa soạn bàn thờ tổ tiên, nhà cửa sạch sẽ, những chàng trai, cô gái vui vẻ trong những bộ trang phục truyền thống và những bài hát, điệu múa, những tiếng nói, tiếng cười, tiếng kèn gọi bạn của các bạn nam thanh niên người Dao làm vang động cả vùng thung lũng bản Mậu. Các bài cúng trong lễ cúng rừng đều có nội dung kêu gọi con người trồng cây trả lại màu xanh cho rừng và lời hứa của dân bản từ nay sẽ không phá rừng. Đây là một nghi lễ truyền thống thể hiện sự giao hòa của con người với thiên nhiên cây cỏ.

Một nghi lễ quan trọng khác đối với người đàn ông dân tộc Dao ở bản Mậu đó là lễ cấp sắc. Nghi lễ này cũng thường được tổ chức vào những ngày mùa xuân, thời gian tổ chức lễ cấp sắc kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các thủ tục, nghi lễ độc đáo được chuẩn bị công phu như: Lễ trình diện, lễ khai đàn, lễ thụ đèn... Quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Đặc biệt trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện.

Bản làng người Dao nép mình dưới chân núi Yên Tử
Bản làng người Dao nép mình dưới chân núi Yên Tử.

Để nghề thêu truyền thống không bị mai một

Phụ nữ người Dao cũng đang là những người gìn giữ nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như việc tự tay thêu thùa may vá những bộ trang phục dân tộc, gìn giữ tiếng nói, lời ca của riêng dân tộc mình. Trẻ em gái từ lúc 7, 8 tuổi đã được dạy khâu vá, thêu thùa. Người Dao ở đây nói rằng nếu muốn lấy chồng các cô gái phải biết tự tay may cho mình một bộ quần áo truyền thống với nhiều chi tiết thêu thùa tinh sảo. Vào những lúc công việc ít bận rộn những người phụ nữ trong bản lại tập trung nhau lại để những người lớn tuổi hướng dẫn con cháu cách thêu thùa, may vá… Bà Bàn Thị Nguyệt vừa tay thoăn thoắt thêu vừa hát, rồi bà phiên âm ra tiếng phổ thông cho chúng tôi nghe một đoạn của bài hát: “Đường về bản Mậu quê tôi/ Bồng bềnh Yên Tử mây trời về đâu/ Công ơn Đảng Bác dẫn đường/ Ngày nay đổi mới bản làng đổi thay…”.

Bản có nghề truyền thống bốc thuốc nam

Bản Mậu có 160 hộ gia đình, 100% là người dân tộc Dao Thanh Phán sống quần cư dưới những ngọn núi cao mà ngay phía trên đỉnh là chùa Đồng thuộc Khu di tích Yên Tử. Bên những cánh rừng u tịch trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, người Dao ở bản Mậu từ đời này qua đời khác truyền cho nhau nghề hái và bốc thuốc nam. Các loại cây, lá trong rừng đối với người dân nơi đây đều là những sản vật quý của núi rừng ban tặng cho con người để phòng trừ và chữa trị các loại bệnh tật. Thuốc nam của người Dao bản Mậu đã trở thành một sản phẩm du lịch và được du khách tìm kiếm vào dịp lễ hội Yên Tử.

Hà Yến

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site