07:57 | 02/11/2014

Mở hướng cho đặc sản xứ Mường

(LV) - Huyện Mường Khương (Lào Cai) nổi tiếng với một số đặc sản nông nghiệp như gạo Séng cù, thịt lợn đen…Những năm gần đây, đặc sản nông nghiệp đã và đang đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân Mường Khương.

Xã Bản Xen, huyện Mường Khương hiện đang duy trì được giống lợn đen địa phương, một trong 3 giống lợn quý của các tỉnh miền núi phía Bắc được Viện Chăn nuôi quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Phát huy lợi thế này, từ nhiều năm nay, giống lợn đen đã góp phần làm giàu cho một số hộ dân ở Bản Xen.

Anh Vàng Văn Hùng, thôn Phẳng Tao, xã Bản Xen là một trong những hộ phát triển chăn nuôi lợn đen quy mô lớn nhất ở địa phương. Từ năm 2000 đến nay, trong chuồng của gia đình anh Hùng luôn có tới 18 con lợn thịt, 3 lợn nái, trung bình mỗi năm mang lại thu nhập 40 - 50 triệu đồng. Anh Hùng cho biết, gia đình chỉ cho lợn ăn những thức ăn như cây chuối, cây khoai, rau muống, rau lang trộn với cám gạo nấu chín, hoàn toàn không sử dụng cám tăng trọng. Theo anh Hùng, nếu sử dụng thức ăn công nghiệp phải chi phí lớn, do vậy, nuôi lối truyền thống vừa tận dụng được thức ăn, chất lượng thịt tốt, bán được giá nên hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân xã Nấm Lư thu hoạch lúa Séng cù
Nông dân xã Nấm Lư thu hoạch lúa Séng cù.

Thịt lợn đen Bản Xen hiện nay đã có chỗ đứng trên thị trường. Đường giao thông đi lại thuận tiện, hằng ngày thương lái ra, vào địa bàn nườm nượp để thu mua lợn, người chăn nuôi không lo về thị trường tiêu thụ, bởi sản phẩm có đến đâu bán hết đến đấy. Chăn nuôi gia súc nói chung vốn bấp bênh về giá cả, rủi ro về bệnh dịch nhưng điều này không phải trở ngại đối với nông dân Bản Xen khi giá sản phẩm luôn ổn định, dịch bệnh không xảy ra. Lý do là lợn đen có sức đề kháng với bệnh tật rất tốt, chất lượng sản phẩm được xếp hàng đặc sản. Để phát triển ngành chăn nuôi tại Bản Xen, tạo sản phẩm có thương hiệu mạnh, huyện Mường Khương đã lồng ghép nguồn vốn 30a để hỗ trợ lợn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Chị Mờ Thị Nhung, khuyến nông viên xã Bản Xen cho biết, từ các mô hình trình diễn, nhiều hộ nhận thấy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi lợn đen nên đã tự giác làm theo.

Toàn huyện Mường Khương hiện có hơn 24.000 con lợn thịt thì lợn đen chiếm 60%, mỗi năm huyện cung cấp ra thị trường khoảng 1.600 tấn thịt lợn đen. Lợn đen Mường Khương hiện không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà đã có mặt tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Một sản phẩm nông nghiệp khác của huyện vùng cao Mường Khương cần được nhắc tới là gạo Séng cù, loại hàng hóa mà nhiều người muốn tìm mua khi đặt chân đến Lào Cai. Gạo Séng cù luôn bán giá cao hơn 2 lần so với các giống lúa thường cùng gieo cấy trên đồng đất Mường Khương, nên địa phương ngày càng quan tâm phát triển giống lúa này. Với 700 ha lúa Séng cù, hằng năm, Mường Khương cung cấp cho thị trường 3.000 tấn lúa đặc sản. Xã Nấm Lư được biết đến như “cái nôi” của lúa Séng cù và đến nay gạo Séng cù Nấm Lư vẫn được thừa nhận là ngon nhất. Những ngày này, xã Nấm Lư đang vào vụ thu hoạch lúa mùa, hầu hết những thửa ruộng bậc thang nơi đây đều được trồng giống lúa Séng cù. Năm nay, người nông dân vui vì lúa được mùa lại được giá, thậm chí tăng 5% so với năm trước.

Anh Tráng Sử Liền, thôn Ngam Lâm trong vụ mùa này gieo cấy 30 kg giống, ước thu được 3 tấn thóc. Với giá bán 17.000 đồng/kg thóc, anh Liền ước tính thu được 50 triệu đồng, đây là số tiền đáng kể với một gia đình thuần nông. Tiền thu được từ cấy lúa Séng cù những năm trước, anh Liền dành mua sắm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình như tivi, tủ lạnh, bếp ga, những thứ mà trước kia anh còn cho là xa xỉ đối với gia đình anh. Nhiều hộ từ cấy lúa nay đã trở thành thương nhân chuyên thu mua lúa của các hộ trên địa bàn rồi bán cho doanh nghiệp, một số hộ còn đầu tư máy xay xát làm dịch vụ cho bà con. Nấm Lư nay đã khác, dọc con đường qua trung tâm xã nhiều nhà cao tầng mọc lên. Chị Bùi Thị Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi: “Nấm Lư thay đổi là nhờ lúa Séng cù đấy!”. Ông Giang Trung Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cũng khẳng định rằng, các đặc sản nông nghiệp của địa phương đang đáp ứng tốt với nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường, nhờ đó mà lợi nhuận trong sản xuất luôn cao hơn 1,5 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường.

Trên cơ sở phân tích thị trường, ngành nông nghiệp huyện xây dựng định hướng phát triển nông nghiệp đặc sản nhưng không ồ ạt, làm giảm chất lượng và uy tín sản phẩm. Nhà nước hỗ trợ nông dân và thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, giữa nông dân với doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng. Đây chính là cơ sở để phát triển toàn diện các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của Mường Khương trong tương lai gần.

KN (Nguồn: Báo Lào Cai)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site