10:00 | 16/11/2014

Làm giàu từ vùng đất hoang

(LV) - Nếu không có nghị lực và quyết tâm thoát nghèo, chắc chắn một người bán kem dạo như tôi không thể làm nên sự nghiệp như ngày hôm nay - đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Văn Kình (thôn Hanh Lập, xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, Thành phố Thái Bình).

Năm 1984, xuất ngũ trở về địa phương, hai vợ chồng anh lập nghiệp với hai bàn tay trắng, lăn lộn qua đủ nghề từ làm ruộng, làm máy cày, chăn vịt, ấp trứng vịt, đi bán kem dạo… nhưng vẫn không bảo đảm đời sống gia đình. Chính những ngày đi bán kem dạo trên các nẻo đường, nhìn thấy nhiều gia đình ở xã khác làm giàu từ phát triển kinh tế gia trại nên anh Kình đã học tập làm theo. Năm 2002, khi xã có chủ trương vận động nhân dân nhận đấu thầu đất 5% (công ích) của xã, gia đình anh và 16 hộ gia đình khác đã mạnh dạn ra khởi nghiệp tại vùng đất mới hoang hóa nằm bên sông Trà Lý. Bao sức người đã được đổ xuống để đẩy lùi hoang hóa, quật đất, đào ao, lập vườn..., vùng đầm lầy um tùm cỏ lau cao quá đầu người ngày nào nhờ bàn tay cần mẫn khai phá đã thành ruộng lúa, vườn cây, ao cá… hứa hẹn những mùa vàng bội thu. Niềm vui chưa trọn vẹn thì mưa bão ập đến, bao công sức bấy lâu tưởng chừng bị cuốn theo mưa bão.

Anh Kình cho biết: Nhìn nhà cửa, cây màu, chuồng trại tan hoang sau mỗi trận bão, lòng xót xa vô cùng. Rồi anh chị tự động viên nhau đã ra lập nghiệp ngoài đất mới là phải sống chung với bão; vay mượn tiền của người thân dựng lại chuồng trại, làm lại từ đầu. Công sức bỏ ra được đền đáp, gia đình anh đã thu được những thành quả khả quan từ mô hình gia trại, đời sống được cải thiện dần. Nhận thấy quy mô gia trại của mình vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, muốn làm ăn lớn phải có kiến thức sản xuất, kinh doanh, anh theo học các lớp bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến kỹ thuật do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy tổ chức; ngoài ra anh còn tự học thêm từ sách báo, truyền hình để nâng cao kiến thức cho bản thân.

Anh Nguyễn Văn Kình phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp
Anh Nguyễn Văn Kình phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Trước những cố gắng, nỗ lực và hiệu quả kinh tế từ mô hình gia trại của người nông dân Nguyễn Văn Kình, năm 2007, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy đã tin tưởng vận động và hỗ trợ phát triển gia trại của anh thành trang trại thí điểm nuôi lợn thịt đầu tiên của huyện liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của huyện, anh vay mượn thêm người thân đầu tư chuồng trại, tuyển dụng lao động có kỹ thuật chăn nuôi…

Ðến nay, với số vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Văn Kình với quy mô hơn 2,7ha, trong đó có 5 dãy chuồng rộng 1.500m2 có hệ thống làm mát, quạt thông gió, máng ăn hiện đại, nuôi hơn 1.000 con lợn siêu nạc; 1,7ha ao thả cá truyền thống với các giống cá trắm, trôi, chép, mè…, 2 dãy chuồng nuôi gia cầm với hơn 700 con ngan, ngỗng, gà thịt và 1 trại cá sấu. Ðể xử lý chất thải trong chăn nuôi, anh Kình đã đầu tư hệ thống bể Biogas hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường. Là đối tác của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, trang trại của anh luôn nhận được sự hỗ trợ về con giống, thức ăn chăn nuôi, bảo đảm công tác thú y, sản phẩm chăn nuôi được Công ty bao tiêu 100%. Hàng năm trừ mọi chi phí, trang trại của anh thu lãi trung bình 400 - 450 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Kình luôn quan tâm tạo việc làm cho lao động địa phương, hiện trang trại của anh có 9 lao động được đào tạo qua các lớp nâng cao kiến thức chăn nuôi và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi của đối tác đề ra.

Bên cạnh những thành công thu được từ phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp, vẫn còn đó những khó khăn như lời anh Kình tâm sự. Khó nhất vẫn là vốn, để có được hệ thống chuồng trại như ngày nay, gia đình anh ngoài tự lực còn phải đi vay bạn bè, người thân. Tuy quy mô là trang trại, sản xuất lớn nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Ðây là vấn đề cần có sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan chức năng nhất là ngân hàng cần nghiên cứu và sớm có chính sách hợp lý hỗ trợ người nông dân.

Với bản chất cần cù trong lao động, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nông dân Nguyễn Văn Kình từ hai bàn tay trắng đã vươn lên lập nghiệp trở thành chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp bên sông Trà Lý. Anh là tấm gương cho nhiều nông dân khác học hỏi và làm theo trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

KN (Nguồn: Báo Thái Bình)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site