18:18 | 22/11/2014

Phú Xuyên “đất trăm nghề” phát triển chưa xứng tầm

(LV) - Phú Xuyên là một trong những huyện tập trung nhiều làng nghề truyền thống có tiếng của Hà Nội. Tuy nhiên, với những thế mạnh vốn có này thì sự phát triển ở các làng nghề còn manh mún, việc đầu tư cho làng nghề chưa xứng tầm.

Thế mạnh và… tự thân vận động

Huyện Phú Xuyên nằm trên trục giao thông Pháp Vân - Cầu Giẽ rất thuận lợi cho việc đi lại giao thương, buôn bán và là nơi tập trung đông làng nghề nhất của Hà Nội. Ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết: Huyện có 158 làng, khu dân cư có nghề trong đó 39 làng nghề được Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Không chỉ giải quyết việc làm cho các lao động địa phương, các làng nghề trong huyện đã tạo việc làm cho nhiều lao động ngoài huyện, khu vực lân cận. Thu nhập của lao động làng nghề trong huyện đạt hơn 27 triệu đồng/năm. Nhiều mặt hàng có truyền thống lâu đời như khảm trai - sơn mài Chuyên Mỹ, da giày Phú Yên, may Vân Từ, mộc Tân Dân… được xuất khẩu sang các thị trường Đông Âu, Mỹ, Nhật, Ba Lan…

1. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu còn thị trường trong nước thì bị bỏ ngỏ
Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu còn thị trường trong nước thì bị bỏ ngỏ.

Với thương hiệu đã có từ lâu đời, sự phát triển của làng nghề ở Phú Xuyên lại mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ, phát triển manh mún, tự phát, mạnh ai lấy làm chứ chưa có quy hoạch tập trung, phát triển chưa xứng với tiềm năng của địa phương hội tụ nhiều làng nghề nổi tiếng.

Đơn cử, làng nghề khảm chai Chuyên Mỹ có từ cách đây 1000 năm, người làng sinh ra là đã biết tới tiếng đục, tiếng đẽo cũng như chuyên tâm với nghề. Bởi vậy, sản phẩm của Chuyên Mỹ nổi tiếng từ lâu và đã có thị trường truyền thống ở nhiều nước, thu nhập của người làng cũng ở mức ổn định, đảm bảo cuộc sống. Nhưng, hiện người làng Chuyên Mỹ vẫn phải chật vật tự tìm đầu ra cho sản phẩm và chủ yếu xuất khẩu còn thị trường trong nước thì bỏ ngỏ. Cạnh đó, làng nghề tò he Xuân La có trên 300 năm tuổi, được cả nước biết đến. Người làng Xuân La đem tò he đi khắp nơi mang lại thu nhập cho gia đình, trong khi ngay tại làng thì đìu hiu, vắng vẻ, khách đến làng chủ yếu do mối quan hệ của người làng đem lại chứ chưa có động thái hiệu quả nào từ chính quyền địa phương. Còn làng nghề may Vân Từ chuyên may comple hơn 100 năm, thì nay vẫn chỉ chuyên làm gia công cho các hiệu may ở thành phố, chứ chưa có định hướng để tạo thương hiệu riêng…

Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ nhiệm HTX Ngọ Hạ, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên chia sẻ: HTX khảm trai của bà trước đây có kết hợp với một công ty lo đầu ra, nhưng thường bị động về thời gian và không ổn định thị trường, nên HTX đã tự bán, tự lo nguồn hàng, tự vận động để tìm thị trường. Dần dần, cơ sở sản xuất đã có đầu ra ổn định ở Nga, Hà Lan và một số nước Đông Âu. Doanh thu từ xuất khẩu của cơ sở Ngọ Hạ bình quân hàng năm là 4 tỷ đồng, doanh thu nội địa là 1 tỷ đồng. Từ khi thành lập, HTX đã đào tạo nghề cho trên 200 cháu ở các huyện lân cận và tạo việc làm cho 4.000 lao động. Hiện HTX có 281 lao động thường xuyên, trong đó có 16 lao động là người khuyết tật. HTX cũng đã đăng ký thương hiệu khảm trai Ngọ Hạ, nhưng việc quảng bá ở mức độ hạn hẹp vì phải lo nhiều thứ từ sản xuất, chất lượng đến tiêu thụ sản phẩm.

Tò he Xuân La đi khắp nơi
Tò he Xuân La đi khắp nơi.

Bỏ ngỏ phát triển du lịch làng nghề

Khi được hỏi về việc phát triển các làng nghệ hiện nay, ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho rằng: Sản xuất tại các làng nghề phát triển đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhưng việc tổ chức lại sản xuất theo quy mô tập trung, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực huyện chưa làm được mà mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ ở mức có thể cho các làng nghề. Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tổ chức, quy hoạch lại các làng nghề vào 19 cụm công nghiệp để đảm bảo phát triển theo quy mô, sử dụng trên 20 tỷ ngân sách để đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển nghề…

Ngoài việc xây dựng quy hoạch nông thôn mới, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, tăng cường đào tạo dậy nghề, thì huyện Phú Xuyên là một trong những địa phương đi đầu trong việc vinh danh làng nghề, nhằm động viên, khuyến khích kịp thời các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động tại các làng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, từng bước tháo gỡ khó khăn trong nghề truyền thống, phần nào thúc đẩy giao thương, quảng bá thương hiệu làng nghề.

Làng đan cỏ tế Phú Túc
Làng đan cỏ tế Phú Túc.

Phát triển du lịch làng nghề, tuy là vấn đề không mới nhưng với làng nghề Phú Xuyên dường như còn khá lúng túng ngay từ chính quyền địa phương. Được biết, Phú Xuyên sẽ xây dựng tuyến du lịch làng nghề với gần 20km chủ yếu ở các xã phía Tây của huyện. Dù nhận thức được tiềm năng phát triển du lịch làng nghề, nhưng ông Nguyễn Thế Cầu, Bí thư huyện uỷ Phú Xuyên cho rằng, trước khi tạo nên các tour du lịch trong và ngoài nước thì huyện Phú Xuyên đang chủ trương xây dựng một trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề và từng bước nâng cao mẫu mã sản phẩm. Từ trung tâm này, sản phẩm của người Phú Xuyên được quảng bá, thu hút được sự quan tâm của du khách thì họ mới tìm về để tham quan.

Tuy vậy, các chủ trương này đều mới chỉ là ý tưởng hoặc trên giấy, còn thực hiện thì vẫn là bài toán khó giải. Còn với bất kỳ ai đến đây cũng cảm thấy tiếc nuối khi so sánh Phú Xuyên với các làng nghề truyền thống như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng đá Non Nước (Đà Nẵng), Bát Tràng (Hà Nội)…

Minh Quế

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site