13:40 | 24/01/2015

Dệt hoa ở xứ Cổng Trời

(LV) - Nhìn từ Cổng trời Quản Bạ, xã Lùng Tám, huyện Yên Minh, Hà Giang hiện lên như một bức tranh đẹp đầy màu sắc. Những cây cầu treo nối hai bờ suối Cán Tỷ như những mũi khâu kết nối hai nửa của bức tranh lụa là gấm vóc.

Nghề thủ công truyền thống…

Từ bao đời nay, quần áo của người Mông chủ yếu may bằng vải lanh do chính bàn tay những người phụ nữ trong gia đình thêu dệt, đậm đà bản sắc trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật, hoa văn đa dạng. Chỉ với những chất liệu từ thiên nhiên người phụ nữ Mông đã tạo nên màu sắc vô cùng đa dạng, phong phú cho những họa tiết của trang phục.

Trưng bày và bán sản phẩm trong HTX
Trưng bày và bán sản phẩm trong HTX.

Trang phục của phụ nữ Mông thể hiện sự tinh tế, sức sống, bản lĩnh của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt ở vùng sơn cước từ khăn đội đầu đến xà cạp quấn chân, cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo phía trước, thân váy, xà cạp… kỹ thuật thêu hoa văn của người Mông rất phức tạp và chỉ được làm bằng tay.

Bà Vàng Thị Mai, người dân tộc Mông xã Lùng Tám, cho biết: Loại vải của người Mông được dệt từ cây lanh vốn rất dễ trồng. Ðầu tiên, người ta phải thu hoạch những cây lanh già. Ðể có các sợi dài nhất có thể, lanh được thu hoạch thủ công bằng cách nhổ toàn bộ cây hoặc thân cây được cắt sát gốc. Sau khi thu hoạch, những hạt giống được tách ra. Phần than xơ lanh được giầm trong nước rồi đập giập, dùng cối đá lăn cho các sợi xơ lanh hoàn toàn bong và tạo thành bùi, dễ tước.

Sau khi giầm, đập, lăn và tước xơ, các sợi lanh sẽ được chải và nối lại thành những sợi dài. Sợi lanh được các nghệ nhân se lại qua nhiều công đoạn guồng se, luộc trắng rồi lại se cho tới khi sợi lanh đạt được kích thước và độ dai như ý. Công đoạn tiếp theo là dùng guồng cuộn lại thành từng cuộn lanh hoặc lồng vào thoi để mắc lên khung dệt. Những thước vải sau đó được luộc lại thêm một lần trước khi mang nhuộm màu và dùng cối đá lăn cho đến khi nhẵn bóng mới thôi.

Bà Vàng Thị Mai đang kéo sợi trong xưởng dệt của HTX
Bà Vàng Thị Mai đang kéo sợi trong xưởng dệt của HTX .

Ðể có được những bộ váy áo, những chiếc túi, xà cạp xinh xắn và rực rỡ sắc màu như vậy. Công đoạn quan trọng nhất và đòi hỏi nhiều thời gian, sự khéo léo nhất của người phụ nữ Mông là giai đoạn tạo hình, thêu hoa, vẽ sáp ong và tạo màu thành phẩm cho sản phẩm. Tất cả những công đoạn này đều được làm bằng tay. Vì vậy, có những thiếu nữ Mông để làm xong một bộ váy áo chuẩn bị cho ngày cưới có thể mất tới một vài năm. Ðôi khi, một chiếc gấu váy cũng đã phải thêu trong vài ba tháng mới hoàn thành. Mọi cô gái Mông đều tự tay may, thêu những bộ váy áo đẹp nhất cho ngày cưới của mình. Chính vì vậy, chiếc váy Mông với những hoa văn tinh tế, đặc sắc ấy không chỉ là những bộ váy thông thường, nó còn là cả tinh hoa văn hóa, tinh thần và tình cảm của người con gái Mông, người phụ nữ Mông trong cuộc sống thường ngày.

… tạo ra mô hình phát triển kinh tế

Bà Vàng Thị Mai, người dân tộc Mông nguyên là một cán bộ công tác tại hội phụ nữ của xã. Năm 2001, bà xin về hưu sớm và đứng ra kêu gọi hội viên phụ nữ tự nguyện chung tay xây dựng nên Hợp tác xã (HTX) dệt lanh Lùng Tám. Bà Mai chia sẻ: “Làm cán bộ hội phụ nữ hơn 20 năm, mình hiểu rất rõ những khó khăn, thiệt thòi của người phụ nữ Mông. Phụ nữ người Mông khéo tay, chăm chỉ và chịu khó nhưng dân trí còn hạn chế, thêm những phong tục, tập quán từ xưa khiến người phụ nữ Mông không có cách nào để cải thiện cuộc sống. Là một cán bộ phụ nữ, một nghệ nhân dệt lanh và biết rõ dệt lanh là một công việc mà mọi người phụ nữ Mông đều biết làm. Vậy nên khi đủ năm công tác, dù chưa đủ tuổi mình cũng xin về sớm để cùng chị em trong bản lập nên HTX dệt lanh, tìm một hướng đi mới, một công việc có thể cải thiện cuộc sống cho phụ nữ Mông ở xã vùng cao Lùng Tám”.

Tất cả các công đoạn sản xuất đều được các xã viên thực hiện thủ công bằng tay
Tất cả các công đoạn sản xuất đều được các xã viên thực hiện thủ công bằng tay.

Bà Mai cho biết thêm: “Hiện nay, với những xã viên làm việc toàn thời gian và chăm chỉ thì thu nhập có thể tới 5 - 7 triệu đồng/tháng. Những xã viên bận việc gia đình, con nhỏ hoặc ít có thời gian tham gia sản xuất cũng có thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng. Tất cả thu nhập của các xã viên đều được tính trên năng suất và chất lượng sản phẩm khi giao về cho HTX nên ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, và đảm bảo ai tham gia HTX cũng có việc làm, có thu nhập đúng với chất lượng và giá trị sản phẩm do mình làm ra”.

Ông Yasushi Oguda, khách du lịch từ Nhật Bản đến thăm HTX cho biết, ông rất hài lòng với những sản phẩm được sản xuất tại đây bởi tất cả các công đoạn sản xuất đều được làm thủ công bằng tay. Từ khâu thu hoạch lanh, tước sợi, dệt vải, nhuộm, thêu, may thành phẩm đều được làm thủ công bằng chính những đôi tay khéo léo, tinh tế của người phụ nữ Mông. Ðiều này khiến du khách đặc biệt trân trọng, thích thú và đánh giá cao giá trị của những sản phẩm mà họ mua.

Sau 13 năm thành lập và hoạt động sản xuất, từ buổi ban đầu chỉ có 10 xã viên, giờ đã có hơn 120 xã viên chia thành từng tổ nhóm trong các thôn bản. Mẫu mã sản phẩm đa dạng với mấy chục mẫu sản phẩm hoàn thiện, tinh xảo chứ không còn bán vải thô như trước nữa.

Vũ Thanh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site