06:46 | 19/02/2015

Gánh muối đầu năm của mẹ

(LV) - Mồng một Tết, mẹ chuẩn bị mâm cúng gia tiên từ mờ sáng, rồi sửa soạn gánh muối của mình đi rao bán, trên vai mẹ quảy hai thúng muối đi giữa thị trấn đang xuân. Mua muối đầu năm là nét phong tục đã trở thành quan niệm đẹp đẽ lâu đời của người Việt.

Tiếng rao ngày đầu năm…

Đi chầm chậm trong làn sương sớm cùng những hạt mưa xuân lây phây, mẹ cất tiếng rao khàn đục “Ai muối không, ai muối nào…”. Dường như lúc đấy mọi cảnh vật như tĩnh lại để chào đón tiếng rao của mẹ. Đón mẹ mỗi đầu cổng là những nụ cười tươi roi rói. Mẹ khẽ đáp lại nụ cười chân chất của mình, rồi múc cho khách hàng những bát muối ắp đầy, trắng tinh.

Người dân ở thị trấn bé nhỏ này nghèo vật chất nhưng giàu tình nghĩa, rộng lượng. Họ đáp trả người mang may mắn cho họ bằng những phong bao lì xì đỏ tươi. Giá trị những phong bao không lớn, nhưng nó cũng khiến những người kém may mắn hơn như mẹ tôi thêm niềm tin và ấm lòng.

Ảnh: Tonkin

… Bán may mắn

Những mùa xuân nhỏ nhỏ bên gánh muối của mẹ, tôi luôn tự hỏi rằng tại sao người dân lại có tục mua muối đầu năm? Khi lớn lên thì mới biết được rằng tục lệ mua muối đầu năm ý nghĩa như thế nào. Muối có vị mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình.

Ngoài ra tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái. Nó còn biểu hiện sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn. Tất cả được thể hiện, gói gọn trong câu ca dao: “Tay bưng chén muối, đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Có những năm tôi được mẹ cho đi cùng. Thích thú vô cùng khi được phụ giúp mẹ trả lại tiền thừa cho khách, lấy túi ni lông nếu khách cần. Lòng lâng lâng hạnh phúc khi nhận được lời khen từ mọi người, kèm lời chúc học hành giỏi giang. Tôi biết ở khóe mắt chân chim của mẹ cũng đang vui lây khi được mọi người khen ngợi về đứa con của mình.

Tới chiều tối mẹ mới về nhà trút đôi quang gánh. Đôi khi ba buông lời bông đùa, buồn rầu về mẹ “Cả năm được có cái tết, mẹ nó lại đi…”. Mẹ cười hiền “Đi bán cái may cho mọi người, âu cũng là một điều đáng làm đầu năm”. Rồi mẹ ngồi đếm lại mớ tiền lẻ, lấy dây chun buộc cẩn thận, mắt rạng ngời. Số tiền đó rồi cũng lại theo anh chị em tôi tới trường.

Qua mỗi Tết, tôi lớn thêm thì tóc mẹ lại thêm sợi bạc. Nhìn màu tóc lẫn trong màu muối sao mà thấy xót xa, thương một đời vất vả của mẹ. Mẹ chân chất với làn da đồi mồi, khô nẻ, chân nẻ toác, bận đôi dép tông cũ kĩ, mòn vẹt…Mẹ đã đi hết mùa xuân này tới mùa xuân khác với gánh muối trên vai. Mẹ gạt bỏ những sở thích cá nhân, hi sinh cả cuộc đời mình để chăm lo cho anh chị em tôi khôn lớn thành người.

Mẹ tôi nay đã già. Dáng đi của người đã còng xuống. Làng quê bây giờ cũng đã đổi thay. Nhưng mẹ thì vẫn không thay đổi thói quen của mình. Mồng một tết, mẹ vẫn cần mẫn gánh muối đi bán may mắn cho mọi người. Mỗi lần nhớ về người, mắt tôi chực trào ướt lệ và không quên tới câu nói khi xưa của mẹ “Đi bán lấy may mắn đầu năm âu cũng là một việc nên làm…”!

Cao Văn Quyền
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site