08:52 | 20/04/2015

Làng tôi “lên” phố

(LV) - Mỗi lần về quê, gặp một ngôi làng vẫn còn đang trong quá trình bị “vỡ ra”, được cơi nới, giãn dân theo dọc các trục đường lớn, nhỏ, một cộng cư “dở phố dở làng” mất hẳn bóng tre xanh, cây đa, giếng nước, sân đình, tôi lại thấy chạnh lòng, dù biết đó là tất yếu của các làng quê nông thôn hiện nay.

Bố tôi kể, xưa mỗi khi các làng muốn giãn dân, lập làng, phải tìm nơi, tìm mạch nước đào vài cái giếng, trồng lũy tre bao bọc, đầu xóm trồng một cây đa, rồi các hộ gia đình mới ra trại vượt thổ dựng nhà, tạo lập vườn cây, ao cá, chuồng chăn nuôi... Nhưng làng quê tôi, cái làng thuần nông giờ cũng “tiến mạnh lên phố”. Hình dáng các làng thôn cũ phần nhiều là tổ hợp những khu cộng cư nhà cao tầng, đường ngõ xóm rải nhựa, láng xi măng. Nhà nào nhà nấy gọn gàng khuôn viên bờ ao, rào dậu.

Chuyện ông lão “gàn dở”

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có chuyện. Chẳng là, ông bác họ tôi ở xóm trên, tuổi ngoài tám mươi, cứ nấn ná không chịu cho triệt hạ lũy tre trước ngõ nhà mình theo lệnh giải phóng mặt bằng của chính quyền, để Ban dự án thi công làm con đường lớn tới xưởng công nghiệp. Mà cái lũy tre ấy, dễ có đến hàng trăm năm tuổi. Bao năm nay, nó chở che, đùm bọc cả khu xóm hơn ba chục hộ gia đình. Chắc vì ông là cha của hai liệt sĩ, vợ mất đã lâu, con trai út ở xa, tuổi già bóng xế nên chính quyền nể mặt, không cưỡng chế nhưng cho ông thời hạn. Mấy hộ dân đầu xóm thì lại hồ hởi chặt tre vì thấy hời khi được đền bù tới hơn hai chục nghìn đồng một cây, lớn bù bé, cả bụi có đến tiền triệu. Có lẽ vì thế, một ông lão tuổi bát tuần không chịu cho triệt hạ lũy tre đầu nhà mình, với họ, là dở hơi lẩn thẩn.

Bác tôi bảo, ông cố giữ lũy tre nhà mình để chờ anh con trai út ở Sài Gòn sẽ đưa cháu nội về thăm quê. Ông ước ao được chỉ cho cháu nội ông thấy lũy tre trăm tuổi đầu ngõ rồi sẽ chấp nhận “chia tay” với lũy tre xanh ấy. Ông bảo, anh con trai út đi lập nghiệp đã gần hai chục năm, chưa một lần về quê. Trong những cuộc điện thoại trò chuyện với con trai, với thằng cháu nội đích tôn, ông luôn nhắc tới làng quê, lũy tre, cánh đồng, con diều, tiếng sáo… và ông tha thiết muốn cháu nội mình nhìn thấy “cái làng vẫn còn ra làng”, không thì ít nhất cũng có một lần, hai ông cháu ngồi dưới lũy tre, ngả một cây tre bánh tẻ, dạy cháu làm con diều, cùng nó thả chơi trên đê, thả ước mơ theo sải cánh diều bay.

Thế rồi, gia đình anh con trai út cũng về. Anh nói với tôi, phải để ý kỹ lắm mới nhận ra hình bóng làng quê xưa. Trong khoảnh khắc, anh nhận ra cả một bụi tre to loi thoi, trơ trọi. Anh bảo, anh đã hiểu vì sao bố giục anh thu xếp đưa vợ con về thăm quê. Anh chợt mỉm cười, hướng ánh nhìn ấm áp vào cậu bé con trai anh khi nó reo lên, tay chỉ về phía khóm tre già: “Lũy tre của ông nội kia phải không ba?”

Đợi chờ “làng lên phố”

Vậy là, “lên phố”, làng tôi sẽ có một xưởng sản xuất lớn, gom các hộ làm nghề thủ công lại với nhau và đây sẽ là cơ hội lớn cho người làng tôi. Nhưng, tất cả còn là phía trước, bởi từ sản xuất thủ công trong gia đình chuyển sang sản xuất có tính công nghiệp hàng hóa trong một xưởng thủ công tập trung, dù quy mô to hay nhỏ có thể là một bước phát triển về tổ chức sản xuất nhưng chưa chắc đã là một bước tiến về văn hóa trong khái niệm của những ngành nghề thủ công truyền thống, thứ nghề vốn được coi như là một bộ phận của di sản văn hóa truyền thống. Biết đâu, khi còn sản xuất theo lối gia đình chúng ta còn có những nghệ nhân, nhưng khi có xưởng sản xuất, có thể chúng ta chỉ có được những ông chủ làm ăn kinh doanh giỏi mà thôi!

Vậy là, làm sao để còn những lũy tre, cánh đồng lúa xanh tươi, những đàn cò sải cánh bay, vẫn còn những cây đa, giếng nước, sân đình? Làm sao để vừa có những khu công nghiệp nhưng vẫn có làng quê yên ả, thanh bình?

Làm sao để chúng ta có những ông chủ giàu có nhưng vẫn có những nghệ nhân tài hoa?

Vậy là, làng quê tôi “lên phố” vẫn còn là cả sự đợi chờ ở phía trước.

Minh Huyền
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site