12:51 | 26/07/2015

Đại tá Lê Bá Ước - Huyền thoại đặc công

(LV) - Hơn 80 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng và nửa thế kỷ tham gia cách mạng, Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 bộ đội đặc công nước Rừng Sác, nguyên Chính ủy sư đoàn 2 đặc công là hình mẫu của tấm lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân và là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ học tập.

Từng tham gia nhiều trận đánh lẫy lừng như: “Nổ tung kho bom thành Tuy Hạ”, “Pháo kích Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Hoa Kỳ”, “Bốc cháy kho xăng Nhà Bè”… Tuy nhiên, trận đánh để lại trong vị chỉ huy nhiều ấn tượng nhất là trận “Ba mươi Tháng Tư đại thắng” vào năm 1975. Đại tá Lê Bá Ước tâm sự: Đầu năm 1974, do yêu cầu Giải phóng Sài Gòn, Sư đoàn 2 Đặc công được thành lập và tôi được bổ nhiệm làm Chính ủy sư đoàn 2. Ngay sau khi thành lập với 7 trung đoàn, chúng tôi nhận lệnh phối hợp với Quân đoàn 4 đang đánh địch ở Mặt trận Long Khánh. Sau đó, sư đoàn lại chia thành 6 mũi thọc sâu áp sát vùng ven Sài Gòn - Gia Định. Lúc này, nhiệm vụ của sư đoàn phải phá cho được 20 cây cầu có ý nghĩa chiến lược bao quanh Sài Gòn để cắt đường tiến, thoái của quân địch.

Đại tá Lê Bá Ước (giữa) vui mừng gặp lại đồng đội
Đại tá Lê Bá Ước (giữa) vui mừng gặp lại đồng đội.

Tuy nhiên, đến năm 1975, Sư đoàn của ông lại được chỉ thị phải đánh chiếm và giữ cầu sông Buông, cầu Đồng Nai, Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn bảo đảm cho quân đoàn đột phá vào Dinh Độc Lập. Đồng thời, chiếm giữ bến phà Cát Lái, sông Lòng Tàu và bảo vệ những cây cầu huyết mạch tạo điều kiện cho các đơn vị của ta tiến công vào nội đô. Đến 8 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, sư đoàn của Đại tá Bá Ước đã tới Thủ Đức. Mặc dù địch cố thủ quyết liệt với nhiều đợt pháo đạn bắn trả. Tuy nhiên, lực lượng đặc công của Đại tá Ước đã phối hợp với dân quân du kích địa phương xã Tăng Nhơn Phú tiêu diệt hầu hết quân địch đến tiến vào nội đô. Khoảng hơn 10 giờ ngày 30/4/1975, bộ đội đặc công và lực lượng tăng thiết giáp đã đến gần hồ An Phú sau đó tiếp tục vượt cầu Thị Nghè để tới Dinh Độc Lập.

Đại tá Lê Bá Ước vẫn nhớ như in giờ khắc lịch sử ấy, ông kể: “Ngồi trên xe tăng thứ 6, chúng tôi đã nhìn thấy xe tăng có số hiệu 390 húc đổ cánh cổng sắt tràn vào Dinh. Lúc này, nhận lệnh của chỉ huy chúng tôi cũng đã tổ chức vây bắt số lính bảo vệ của Dinh. Chừng 15 phút sau, anh em đặc công đã bắt được 30 tên gom lại gần bãi cỏ phía trước Dinh. Còn phía ngoài Dinh các cánh quân của ta từ nhiều hướng ầm ầm tiến vào nội đô hừng hừng khí thế. Nhiệm vụ của bộ đội đặc công chúng tôi lúc này phải tỏa ra lùng sục khắp xung quanh và bảo vệ những nơi trọng yếu của Dinh. Đúng 11 giờ 30 phút, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập cũng là lúc hàng triệu con tim trong đó có tôi hòa cùng một nhịp, vui mừng chào đón chiến thắng của quân và dân ta”.

Sau một hồi nhớ lại những chuyện xưa, vị đại tá già dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà. Căn nhà khá đơn sơ với một gian trưng bày nhiều kỷ vật thời lính trận của ông và những tấm ảnh xưa cũ có mặt những đồng chí, đồng đội ngày nào. Đặc biệt, trên bàn thờ nhà ông có thờ 2 liệt sĩ: Một là Nguyễn Kim Mến - quân y sĩ, hy sinh năm 1971, là người vợ đầu tiên của Đại tá Lê Bá Ước. Liệt sĩ Phạm Như Tiếp - cán bộ đại đội, hy sinh năm 1972 là người chồng đầu tiên của bà Thân Thị Tuyết Vân (hiện là vợ của Đại tá Ước).

Nói về cuộc sống riêng, ông kể, người vợ đầu tiên của mình là Y sĩ Nguyễn Kim Mến đã hy sinh trong một trận địch càn vào Rừng Sác. Bà Mến trúng đạn khi không kịp trăn trối điều gì với chồng và 3 con. Người vợ thứ 2 của ông lại vốn là vợ của cán bộ đại đội Phạm Như Tiếp cũng hy sinh và để lại cho bà Vân 3 người con. Cùng chung hoàn cảnh mất mát trong chiến tranh nên ông và bà Vân tái hợp, có chung với nhau 3 mặt con. Tất cả những đứa con này, mỗi đứa một nơi, đứa thì ông bà nội, ngoại chăm sóc, đứa thì nhờ chiến sĩ cơ sở nuôi hộ.

Sau giải phóng năm 1975, điều trước tiên mà vợ chồng ông làm là “gom” các con về sống chung dưới một mái nhà. Hiện tại 9 người con đều đã trưởng thành, người làm bác sĩ, người làm kĩ sư, thợ điện, kinh doanh… đủ cả dâu lẫn rể và ở cùng với vợ chồng ông.

Đại tá Lê Bá Ước, sinh ra ở xã Vĩnh Hòa, Rạch Giá, Kiên Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nhập ngũ vào Vệ Quốc đoàn, Ban tình báo C70. Đến kháng chiến chống Mỹ, ông tập kết ra miền Bắc đến năm 1965, ông quay trở lại Miền Nam. Từ 1965 - 1975, ông trở thành trung đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác, Chính ủy sư đoàn 2 đặc công… Năm 1978, ông chỉ huy đơn vị bộ đội địa phương tham gia chiến đấu rào làng chống Pôn Pốt bảo vệ nhân dân ở tuyến biên giới Bù Ðốp - Phước Long… Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, ông trở về tham gia lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang Ðồng Nai. Từ năm 1994 đến nay, ông trở về với cuộc sống đời thường, ông luôn phát huy truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Minh Dũng
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site