11:32 | 02/09/2015

Nghề vá lưới “lưu động”

(LV) - Trong những chuyến công tác về vùng duyên hải tỉnh Thừa Thiên-Huế, chúng tôi gặp những người phụ nữ gốc gác tứ xứ, ngày qua ngày bươn chải mưu sinh bằng nghề vá lưới “lưu động” và hiểu hơn phần nào cuộc sống của họ.

Long đong nghề vá lưới

Những người phụ nữ làm nghề vá lưới ở vào nhiều độ tuổi khác nhau, trẻ nhất cỡ 19 – 20 tuổi, già thì vào khoảng 35 – 40 tuổi. Trong số họ không hẳn là người địa phương (huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền) mà còn ở những tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... tìm về đây “ăn nhờ ở đậu”, năm này qua năm khác, để có việc làm.

Vá lưới lưu động - nghề vất vả của người phụ nữ
Vá lưới lưu động - nghề vất vả của người phụ nữ

Trò chuyện với ông Trần Trường, Trưởng thôn Hòa Duân (xã Phú Thuận, H. Phú Vang), ông cho biết: Hiện trong thôn có 10 người đang tạm trú, họ đã theo nghề vá lưới thuê gần chục năm. Đa phần chủ yếu làm thuê ở thôn An Dương cùng xã, bởi ở đây có hơn trăm tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Đang chuyện trò thì gặp chị Nguyễn Thị Dung (38 tuổi, tạm trú khu vực Tân An, thôn Hòa Duân) vừa đi vá lưới về, chị cho biết: “Công việc vá lưới thì làm gần như quanh năm. Nhận vá lưới bén, lưới bạc của tàu thuyền trên đầm phá. Còn lưới mành thì phải vào tháng 3, tháng 9, hay mùa biển động, việc làm không thiếu”. Hỏi về thu nhập, chị Dung cho biết thêm: “Mỗi ngày vá được 100 sải (khoảng 150m) được 200 nghìn đồng và ăn uống đầy đủ bữa trưa. Ăn xong tiếp tục làm cho đến tối”.

Chúng tôi về thôn An Dương cách thôn Hòa Duân khoảng 3km, gặp ông Ngô Đức Phát, chủ tàu đánh cá ngừ đại dương, ông kể: “Mỗi tấm lưới mành dài chừng 220 - 250 sải (khoảng 300 - 400m), lưới đã có sẵn, những người làm thuê vừa vá chỗ rách, vừa “đính” phao, chì lên trên lưới. Làm nghề vá lưới mành phải cần cù, cẩn thận, mới được chủ tàu tin tưởng”. Ông Phát nói nghề này không lo thất nghiệp. Nếu hết việc ở xã Phú Thuận, người làm thuê đi thành từng nhóm 5 - 10 người về các xã xa hơn như Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh... để tìm việc làm.

Nghề vá lưới mành là một công việc khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người thợ phải ngồi liên tục từ sáng đến chiều tối. Vá lưới nhiều năm cũng mắc bệnh đau dạ dày, sỏi thận do ngồi nhiều. Nguy hiểm nhất là khâu đính cột chì (hàng trăm cục chì nhỏ). Làm bằng máy không đẹp, không chắc, chì vướng lưới rách. Nên các chủ thuyền đòi hỏi người làm phải đính chì bằng miệng và cắn chỉ. Vào nghề lâu năm răng bị hư hết, chì lại là một chất độc hại.

Theo ông Nguyễn QuangTuyến, Chủ tịch Mặt trận xã Phú Thuận cho biết: “Toàn xã có tàu đánh bắt xa bờ, hàng trăm ghe ghọ đánh bắt gần bờ nên nhu cầu sửa sang ngư lưới cụ rất lớn. Theo nhận xét của ngư dân, thợ vá lưới giỏi đa số ở các tỉnh có nghề ngư phát triển như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Họ đều là phụ nữ, đi từng tốp về các vùng biển, thuê trọ hay ở hẳn trong nhà chủ thuyền thuê đan lưới. Hết mùa vụ (từ tháng 3 đến tháng 9), họ trở về quê.

Nên duyên từ nghề

Một số phụ nữ trẻ tuổi làm nghề vá lưới đã kết hôn với người địa phương, như chị Trần Thị Sen (quê Quảng Nam) về làm thuê ở xã Phú Hải. Chị Sen kể chuyện đời: “Hồi đó nhóm tôi đi hơn chục người, cứ 4 - 5 người được một chủ thuyền thuê. Mình chỉ tốn chi phí từ trong quê ra, còn nếu ở lại trong nhà chủ thuyền thì được bao ngày 3 bữa cơm và chi phí sinh hoạt, mỗi ngày 200.000 đồng/công. Ba năm sau, lúc chị chuyển qua làm lưới cho ông Nguyễn Thanh Tùng (cha anh Nguyễn Thanh Dũng 31 tuổi), rồi quen nhau, thấy thương và cưới nhau”.

Sau mỗi lần kéo lưới, chị em lại ra tận biển để vá lưới
Sau mỗi lần kéo lưới, chị em lại ra tận biển để vá lưới.

Những trường hợp nên duyên chồng vợ với dân địa phương như chị Sen, ở các xã vùng ven biển của huyện Phú Vang không phải là ít. Sau đó, họ tích cóp tiền bạc từ việc vợ chồng cùng bám biển mưu sinh, xây được nhà cửa khang trang. Số khác sau khi đã có vốn, không theo nghề vá lưới nữa, chuyển sang mua sắm thuyền đánh cá gần bờ hoặc làm các dịch vụ buôn bán thủy, hải sản... Nghề vá lưới thuê tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định, kéo dài hơn 6 tháng/năm. Vì vậy, ngày càng phát triển, thu hút số lao động nữ trẻ ngày càng nhiều... Dọc theo 52 xã thuộc 5 huyện duyên hải Thừa Thiên - Huế, ngày lại ngày, đang có hàng trăm người phụ nữ làm nghề vá lưới “lưu động” miệt mài mưu sinh…

Hiện tại, nghề vá lưới thuê đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho một bộ phận lao động nữ, ở vùng duyên hải Thừa Thiên - Huế. Song trái lại, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ (cắn chì rất độc hại). Đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào thay thế.

Vũ Hào

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site