07:08 | 07/10/2015

“Vua kèn đồng” và gia tài đồ sộ

(LV) - Có tất cả bao nhiêu loại kèn, ông Nguyễn Văn Cường cũng không biết hết, nhưng trong gia tài đồ sộ của ông có khoảng 17 loại kèn khác nhau và có thể chơi được tất cả các loại kèn này, có thể chơi không hay, chỉ để thẩm âm như lời ông nói, nhưng điều này cũng đủ khiến cho những người “ngoại đạo” như chúng tôi hết sức khâm phục.

>>> Người giữ nón Ngựa Phú Gia trường tồn

Nửa thế kỷ gắn bó với kèn đồng

Sinh ra trong một gia đình có nghề sản xuất kèn đồng ở xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định, ông Nguyễn Văn Cường cùng các anh em được thừa hưởng gen nghệ sĩ từ người cha của mình cũng vốn nổi tiếng là người đa tài vừa biết làm nghề y, cơ khí, lại giỏi nhạc lý. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, ông Cường đã được nghe tiếng kèn vang lên mọi lúc, mọi nơi trong ngôi nhà nhỏ của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Cường.   Ảnh: Thành Kông
"Vua kèn đồng" Nguyễn Văn Cường. Ảnh: Thành Kông

Năm 7 tuổi, ông Cường đã biết thổi kèn, lớn hơn chút đã biết đạp bễ cho bố hàn kèn, đến nay ông Cường đã có hơn 50 năm gắn bó với cây kèn đồng. Lúc ấy, cậu bé Cường chắc hẳn cũng không thể ngờ rằng cây kèn đồng lại đi theo suốt cuộc đời ông như vậy, mà chỉ biết rằng “đời bố biết nghề kèn, mình còn nhỏ học được cái nghề của cha ông là quý!”.

Theo thời gian, anh em ông Cường lớn lên trong tình thương của cha mẹ và những tiếng kèn, tiếng bễ, tiếng búa đập đe chan chát. Và rồi tình yêu nghề, yêu những cây kèn đồng đến một cách tự nhiên. Ba anh em ông Cường đều theo nghề cha. Năm 1971, ông Cường đã được đi làm “ông phó”. Đối với một cậu bé 15 tuổi, điều này quả thực rất đáng tự hào.

Những tưởng duyên nợ với cây kèn bị đứt đoạn khi ông nhập ngũ. Vào bộ đội, ông khát khao được trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng cấp trên quyết định điều ông vào quân nhạc. Tuy trong lòng có chút buồn phiền vì không được thoả chí nam nhi, ông Cường vẫn cố gắng học tập, rèn luyện theo phân công của tổ chức. Nhìn những ngón tay mềm mại nâng lên dập xuống trên những phím kèn đồng như múa, nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã động viên và khuyên ông Cường cố gắng đi theo con đường âm nhạc.

Xuất ngũ về quê, chưa biết chọn nghề gì, ông Cường theo các anh em đi đắp tượng, vẽ tranh, dạy nhạc… Những chuyến đi mang lại cho ông nhiều trải nghiệm lý thú. Nhưng cuộc sống của anh bộ đội xuất ngũ vẫn thiếu thiếu một thứ gì đó. Sau nhiều đêm trăn trở, ông Cường quyết định nối nghiệp cha, dù biết rằng làm nghề cũng chỉ vì đam mê, chứ nếu tính kinh tế thì không đáng kể. Ông Cường bộc bạch: “Tôi theo nghề, rồi để lại cho đời con, đời cháu nối nghiệp vừa phục vụ xã hội, vừa phục vụ bà con giáo dân. Dần dần, cũng đã có những đơn đặt hàng với nhiều loại kèn khác nhau, bà con muốn kèn gì thì mình làm kèn đó”.

Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với kèn đồng, ông Cường có khả năng bắt “bệnh” rất chính xác, chỉ cần nghe tiếng kèn đã biết kèn gì, nghe tả là đã biết “bệnh tình” ra sao. Chính vì vậy, ông Cường được nhiều người trong vùng yêu mến gọi là “Vua kèn đồng”.

Bộ sưu tập của “Vua kèn đồng”
Một góc bộ sưu tập của ông Cường. Ảnh: Thành Kông

Giữ nghề “cha truyền con nối”

Trong câu chuyện của ông Cường, xen giữa những niềm vui giản dị trên gương mặt chân chất, phúc hậu còn là những nét suy tư khi nghĩ về nghề. Suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với những cây kèn đồng, đã không ít lần ông Cường nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Không phải vì “lửa tình yêu” với cây kèn đã tắt, cũng không phải ông có “tình yêu” mới. Mà bởi vì, cùng với sự vận động của xã hội, cuộc sống cơm áo gạo tiền của gia đình nuôi 5 người con ăn học không cho phép ông mạo hiểm. “Nhiều khi cũng nghĩ tiêu cực, muốn bỏ nghề vì công làm kèn không bằng ông thợ xây. Nhưng rồi vì tình yêu với cây kèn đã níu giữ tôi lại, theo nghề để giữ nghề cha ông”, ông Cường chia sẻ.

Vừa làm nghề, ông Cường vừa truyền dạy nghề cho các con. Cả 4 người con trai của ông ai cũng có thể theo nghề bố. Sự mở cửa kinh tế thị trường đã giúp kinh tế gia đình hiện nay khá giả hơn nhờ việc phát triển hàng gia dụng đồ gỗ nhưng không vì thế mà xưởng nhà ông Cường vắng tiếng bễ, tiếng hàn kèn đồng. Có những ngày nghỉ, con cái tập trung, trong ngôi nhà đầm ấm của ông Cường lại vang lên những tiếng kèn đồng như một dàn nhạc thực thụ. Lắng nghe tiếng kèn trầm bổng, réo rắt; nhìn những ngón tay thô mộc nhưng rất điêu luyện, luyến láy trên từng phím kèn càng khiến mọi người thêm phần nể phục.

Ông Cường cho biết, trước đây ông sản xuất hầu hết các loại kèn nhưng hiện nay xưởng kèn của ông chủ yếu sửa kèn hoặc sản xuất những chiếc kèn rất to, bởi chi phí vận chuyển nếu mua về thì quá đắt; còn những chiếc kèn nhỏ thì trên thị trường bây giờ chủ yếu là hàng Trung Quốc với giá rất rẻ, mà nếu gia công thì những cơ sở sản xuất như của ông không thể nào thu hồi được vốn.

Cùng với nguyện vọng giữ được nghề cha ông, được trao truyền cho các con tình yêu với cây kèn đồng, ông Cường cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền để có thể được xem xét công nhận danh hiệu nghệ nhân. Đối với ông đó là sự động viên khích lệ, là món quà quý báu sau hơn nửa thập kỷ tâm huyết với kèn đồng.

Song Nguyên

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site