05:00 | 09/07/2016

Người đưa quýt Bắc Sơn về núi Phượng Hoàng

(LV) - Từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng nhìn xuống, xen lẫn giữa các tảng đá sắc nhọn là những vườn quýt xanh mướt đang ra hoa, chuẩn bị kết quả. Đã từ nhiều năm nay, hơn 30 hộ dân ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đều có thu nhập khá từ cây quýt. Người có công đưa cây quýt về với bà con là hai anh em Lường Văn Triệu và Lường Văn An.

>>> Người làm cho tre nở hoa 

>>> Người giữ vốn quý của dân tộc Giáy 

Phá đá trồng cây

Để lên được núi Phượng Hoàng phải leo qua những con dốc ngoằn ngoèo toàn đá là đá. Con đường vào các nương quýt đã được người dân dùng cuốc, xẻng cạy, phá đá để đỡ sắc cạnh, nguy hiểm hơn. Nhưng cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ mới tới được ngôi nhà sàn dựng tạm của anh Lường Văn Triệu nằm giữa thung lũng. Từ lúc khởi đầu cho đến nay, anh đã có 1.000 gốc quýt cho ra quả, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Vất vả mới có ngày hôm nay nên anh không thể nào quên được những ngày cạy từng viên đá, phát cỏ, lấy đất để trồng từng cây giống.

Anh Lường Văn Triệu là người đầu tiên đưa giống quýt Bắc Sơn về núi Phượng Hoàng
Anh Lường Văn Triệu là người đầu tiên đưa giống quýt Bắc Sơn về núi Phượng Hoàng.

Anh Lường Văn Triệu chia sẻ: Hồi những năm 1990, tôi vẫn đạp xe đạp ngược lên huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) để lấy quýt về bán ở chợ thành phố. Để mua được quýt rẻ nhất, tôi vào tận vườn nhà người ta. Thấy vườn quýt của người ta đẹp quá, tôi mới nghĩ chất đất và khí hậu ở vùng núi Phượng Hoàng nơi mình sống cũng tương tự như thế này, sao không thử trồng xem thế nào. Thế là tôi bàn với anh trai mua giống về trồng. Núi Phượng Hoàng khi ấy vẫn là rừng rậm, hoang vu, chỉ có những người đi khai thác lâm sản mới mò lên tới đó, chứ bình thường chả ai đặt chân đến làm gì. Hai anh em lên đấy xới từng cục đá, giành lấy từng chút đất ít ỏi để trồng cây, bà con xung quanh không khỏi dị nghị. Nhưng hai anh em tôi cứ bỏ ngoài tai và quyết tâm trồng cây quýt.

Không một máy móc nào đi lên được những khu vực sâu hun hút toàn đá tảng to, bởi vậy việc khai hoang ở đây hoàn toàn phải làm bằng sức người. Mất nhiều tháng trời, hai anh em mới phát xong được 2 mẫu đất đá hoang. Cây giống cũng được trồng xuống đúng thời vụ. Cứ tưởng thế là đã đỡ được phần nào nhưng khó khăn mới bắt đầu. Có những lúc trời hạn, không có mưa, để đảm bảo nước tưới cho cây, anh Triệu phải dùng can 20 lít xuống hang Phượng Hoàng xách nước tưới cho từng gốc cây.

Giống quýt Bắc Sơn phải từ 6 - 7 năm mới cho thu hoạch. Từng ấy năm là từng ấy thời gian, hai anh em chăm sóc sớm khuya. Không phụ công người, từng gốc quýt phát triển tốt trong sự vui mừng của hai anh em. Hôm cầm trái quýt vừa thu hoạch trên tay, niềm vui như vỡ oà. Vậy là bao mồ hôi, nước mắt, bao vất vả, mệt nhọc đã được đền đáp xứng đáng.

Giống quýt Bắc Sơn sống quen ở núi đá, không ngọt đằm mà ngọt pha lẫn vị chua nhẹ nên rất dễ bán trên thị trường. Với giá bán từ 10.000 - 25.000 đồng/kg gia đình anh cầm chắc thu về số tiền lãi trên dưới 100 triệu đồng.

Chia sẻ quả ngọt

Vài năm sau khi thu hoạch, thấy vườn quýt của hai anh em An - Triệu đúng thật “hái” ra tiền, một số hộ dân bắt đầu đến nhà học kinh nghiệm, mua giống cây do anh Triệu chiết cành và trồng trên những mảnh đất đá còn lại.

Gia đình chị Chu Thị Niên hiện đang có hơn 400 cây quýt, cho thu hoạch từ năm 2013. Mỗi năm chị thu đều đều từ 50 triệu đồng trở lên. Chị Niên cho biết: “Nhà tôi trước cũng làm nông nghiệp, chỉ có mấy mẫu ruộng, làm vất vả cũng chỉ đủ ăn. Hai vợ chồng phải chạy làm thuê nơi này, nơi kia mới đủ tiền nuôi con ăn học. Học theo anh Triệu, anh An vừa làm vừa tranh thủ trồng quýt.

Gia đình chị Chu Thị Niên hiện đang có hơn 400 cây quýt, bắt đầu được thu hoạch từ năm 2013
Gia đình chị Chu Thị Niên hiện đang có hơn 400 cây quýt, bắt đầu được thu hoạch từ năm 2013.

Ban đầu cũng vất vả lắm, vì núi toàn đá, lại chỉ dùng sức người nhưng nhìn thấy các anh ấy thành công rồi, cũng không lấn cấn gì nữa. Các anh ấy cũng nhiệt tình, hỏi kinh nghiệm gì đều chia sẻ. Giờ thì vui lắm rồi, năm nào cũng có thu nhập đều đặn”.

Đến nay, hơn 30 hộ dân ở các xóm Phượng Hoàng, Nà Kheo, Nà Phài có thu nhập khá từ trồng quýt Bắc Sơn ở những vùng núi đá cao. Hộ ít có 200 cây, nhiều là 1.000 cây. Nhìn thấy những nơi ngày xưa chỉ toàn đá với cỏ dại bây giờ đã bạt ngàn màu vàng quýt, anh Lường Văn Triệu không giấu được niềm vui: “Mình làm giàu cho bản thân là thành công rồi nhưng còn giúp được cho bà con nghèo ở đây có sinh kế bền vững còn vui hơn gấp nhiều lần. Cứ tới mùa thu hoạch quýt mà xem, ở trên núi người gánh, người mua còn nhộn nhịp hơn ở dưới phố”

Nguyễn Lê


Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site