16:52 | 14/08/2016

Người giữ nghề “Tiến sĩ giấy”

(LV) – Cứ mỗi dịp trăng tròn tháng 8, người ta nô nức khắp phố phường Hàng Mã, Hàng Gà, Hàng Cót … để mà ngắm, mà mua những món đồ chơi độc đáo. Nhưng còn đâu những ông tiến sĩ giấy ngày nào, mà thay vào đó là những món đồ chơi mới lạ.

Nghề làm tiến sĩ giấy

Trở về Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội được nghe người thổi hồn cho giấy sẻ chia chúng tôi mới thấm cái dư vị truyền thống, những lớp văn hóa tích hợp đằng sau những đồ chơi hàng mã đến vậy. Ngay từ khi còn bé, lúc mới chỉ phân biệt được sắc màu cô Nguyễn Thị Tuyết đã được bố mẹ, anh chị chỉ dạy cách làm đồ chơi trung thu. Ấy vậy mà đến nay cô cũng được 40 năm làm nghề.

Dõi mắt về phía xa xăm cô kể: Hồi ấy vào mỗi dịp trung thu, nhà cô lại rậm rịch từ cuối tháng 6 âm lịch. Nào mua nứa, giấy màu rồi chuẩn bị thêm các nguyên vật liệu để cắt dán. Sát ngày rằm 5 hôm, cả nhà cô mới đi đến các chợ ở gần để bán. Có khi cha mẹ các em còn đưa các em đến tận nơi để chọn mua những món đồ chơi vừa ý nhất. Đồ chơi Trung thu nhà cô cũng rất đa dạng, mỗi món đồ chơi lại mang một ý nghĩa và gắn với một câu chuyện riêng.

 

Cô Tuyết đang miệt mài giữ nghề
Cô Tuyết đang miệt mài giữ nghề

Kể như, đèn ông sao năm cánh tượng trưng cho đất nước Việt Nam hòa bình, đèn con thỏ gắn với sự tích Thỏ ngọc cứu bạn trên cung trăng. Đặc biệt hơn cả, ông tiến sĩ giấy là món đồ chơi dân gian không thể nào thiếu được vào dịp Trung thu. Vào đúng hôm trăng tròn, ông tiến sĩ ngồi ngai vàng được đặt trước mâm ngũ quả, hai bên là 2 ông “vệ sĩ” được gọi là “ông đánh gậy”. Sau màn rước đèn quanh làng đầy vui nhộn, các em nhỏ sẽ về nhà phá cỗ Trung thu. Lúc ấy ông tiến sĩ sẽ được phụ huynh đưa vào bàn học của con mình với tâm nguyện các cháu sẽ học hành giỏi giang, đỗ đạt. Phía trên đầu mỗi “ông đánh gậy” còn treo một “mặt trăng vàng” bằng giấy, khi có gió thổi qua, mặt trăng đung đưa khiến cho 2 cánh tay vốn nhiều màu sắc của hai ông lúc lắc theo, trông rất ngộ nghĩnh. “Trong lúc học, nhìn thấy những hình ảnh vui mắt như thế, các cháu sẽ thấy thư giãn hơn” cô Tuyến nói. Rồi to hơn ông tiến sĩ là ông Nghè. Ông tiến sĩ chỉ là quan huyện, quan xã thôi, còn ông Nghè thì là quan tỉnh, quan cấp thành phố.

Trung thu bây giờ

Mấy năm trở lại đây người ta dường như thờ ơ với những món đồ chơi Trung thu truyền thống. Cũng khó trách khi thị trường đồ chơi Việt Nam bây giờ tràn ngập đồ Trung Quốc. Không chỉ nói riêng đồ chơi Trung thu mà gần như đa số những món đồ chơi dân gian đang bị “ra rìa”. “Trẻ con bây giờ thích những trò chơi điện tử hơn chứ không còn háo hức với những đồ như thế này nữa rồi” cô Tuyến tâm sự. Thêm vào đó, đây là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì nên khó có người theo gót được. Tất cả các bộ phận của những món đồ chơi này đều được cắt dán, gọt tỉa thủ công. Thành phẩm làm ra vì thế cũng không được nhiều, làm hàng loạt nhưng tính trung bình mỗi ngày nhà cô chỉ làm được 3 chiếc đèn ông sao. “Thành phẩm ít, tốn nhiều công, công việc không ổn định, mỗi năm chỉ có 1 mùa 2 tháng, thu nhập lại không được bao nhiêu, thành ra bây giờ trong làng chỉ còn mình nhà cô là còn đi theo với nghề truyền thống này” cô chia sẻ.

Tâm huyết với ngọn lửa nghề

Không đành lòng để nghề truyền thống của gia đình bị thất truyền, không đành lòng để ông tiến sĩ giấy bị rơi vào quên lãng, cô Tuyết cố gắng kéo “thời xa xưa” trở về với hiện tại. Vợ chồng cô đang cố gắng đa dạng thêm mẫu mã các mặt hàng đồ chơi. Không chỉ có đèn con thỏ, đèn ông sao mà còn có thêm đèn con tôm, con cá hay con công. Được sự quan tâm của Nhà nước, cô cũng đã được mời đến các bảo tàng, nhà văn hóa để chia sẻ, hướng dẫn về cách làm đồ chơi Trung thu truyền thống.

 

Người giữ nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống
Người giữ nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống

Hàng năm, lần nào vào dịp Trung thu cô cũng đến Bảo tàng dân tộc học. Ở nơi đây các em nhỏ sẽ được trao tận tay những nguyên liệu cắt dán. Cùng với sự hướng dẫn tận tình của cô và các bạn tình nguyện viên, các em đã biết cách làm đồ chơi Trung thu như thế nào. Những chiếc đèn ông sao tuy không đẹp, hình ông tiến sĩ giấy còn méo mó lỏng lẻo, nhưng nhìn những nụ cười trên môi bọn trẻ hay nghĩ rằng ít nhất trong tuổi thơ của các em cũng được nhìn thầy hình ảnh những món đồ chơi trung thu như thế này thì lòng cô như được an ủi. Rồi mỗi khi trường học nào đó tổ chức tham quan cô lại được mời đến Nhà cổ 87 Mã Mây hay 38 Hàng Đào để dạy các cháu ở trường làm đồ chơi cũng như giải thích cho các cháu về ý nghĩa của từng món đồ. “Nhìn các cháu vui vẻ hào hứng mình lại muốn gửi gắm sức mình để giúp các cháu hiểu hơn về đồ chơi dân gian” cô nói. Tình cảm của cô với ông tiến sĩ giấy giữ được đến bây giờ đã khó, thế nhưng để tìm được một người thực sự có tâm huyết theo nghề như cô thì quả là còn khó hơn. Anh chị em cô ai cũng biết làm nhưng theo nghề đến nay chỉ còn gia đình cô. Con cái cô ai cũng đã được cô dạy nhưng không ai muốn theo vì vất vả quá. Cô nói chỉ cần đến trước trung thu 2 tháng cô sẵn sàng nhận làm “đệ tử” và dạy nghề cho, tỉ mỉ đến nơi đến chốn, thế mà đến nay vẫn chưa có ai tìm đến.

Tuệ Bình

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site