04:00 | 31/08/2016

Những khuôn mặt bước ra từ bến Xích

(LV) - Khởi nghiệp bằng một lò nung. Đã có lúc không tìm được lối ra, phải đập lò xây chuồng lợn. Nhưng rồi tình yêu đất - lửa đã kéo Lê Đức Hạ quay trở lại. Để rồi hơn 20 năm sau, từ chiếc lò nung có thể tích bằng “lon sữa bò”, sản phẩm gốm đất nung của anh đã có mặt dọc theo chiều dài đất nước.

Tạo lối đi riêng

Bến Xích là tên một bến nhỏ bên bờ sông Thu Bồn, thuộc xóm Bãi Thượng, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là quê cha, nơi cho anh những trải nghiệm đầu đời về sự kết hợp giữa đất và lửa, với những cánh đồng đất sét mịn màng dẻo quánh đã dựng nên thánh địa Mỹ Sơn nổi tiếng của Vương triều Chăm Pa xưa. Người làng vẫn quen gọi Lê Đức Hạ bằng cái tên mộc mạc “Hạ đất nung” như một sự nhắc nhở, khẳng định cho những sản phẩm bước ra từ vùng quê Quảng Nam.

Hơn 20 năm trở lại với nghề, sản phẩm của anh mang màu sắc, dáng dấp, phong cách riêng biệt không thể lẫn. Anh đã tạo cho sản phẩm gốm của mình con đường đi riêng, một con đường rất rộng, không giống ai để thỏa sức thể hiện. Đấy là tượng, bình, đèn, tranh... mang khuôn mặt chỉ có thể bước ra từ bến Xích.

Mỗi khuôn mặt của Lê Đức Hạ có khuôn mặt và biểu cảm khác nhau
Mỗi khuôn mặt của Lê Đức Hạ có khuôn mặt và biểu cảm khác nhau.

Những người bạn già, trẻ, gái, trai đi qua trong cuộc đời anh; những khuôn mặt không giống ai, không hoàn mỹ, không hấp dẫn, không rõ ràng, nhưng lương thiện, hồn nhiên và chân chất. “Đó là những khái niệm khác nhau về một khuôn mặt, về sự biểu cảm mà. Tại sao phải rõ ràng kia chứ? Tôi cũng không chủ trương làm mặt nạ nên càng không nhất thiết phải dương nanh, trợn vuốt. Tôi muốn gửi đến mọi người thứ chất liệu đất nung khét lửa, một cuộc đốt cháy cao độ để trải nghiệm những biến hóa. Tôi mong muốn sự chú ý, sự tiếp nhận từ người mua, từ du khách trong hành trình của bến Xích mang niềm vui đến mọi người”, anh Hạ tâm sự.

Sản phẩm của anh chủ yêu là dạng đất nung mang chút âm hưởng gốm Chăm
Sản phẩm của anh chủ yêu là dạng đất nung mang chút âm hưởng gốm Chăm.

Bến Xích, một cái bến không mấy tên tuổi trong lòng người quanh vùng. Nhưng hơn 20 năm nay, tại cái bến Xích ấy, mỗi ngày vẫn có một người đàn ông không giống ai ngồi vọc đất say sưa, cắt cắt, gọt gọt, nhào nhào, nặn nặn. Và từ đây, bao nhiêu tác phẩm, khuôn mặt, trải nghiệm, hỉ - nộ - ái - ố đã qua tay anh bước ra với đời. Phần lớn những sản phẩm của anh, từ những bức tượng vũ nữ chăm pa, mục đồng, danh nhân cho đến đèn tường, tranh tường, đèn vườn... hay các mẫu sản phẩm khác đều mang một sắc thái rất riêng nhưng mộc mạc mà sống động; mang hơi thở huyền bí của những tháp Chăm trầm mặc. Bến Xích ấy cùng anh lăn lộn với “những cuộc đốt cháy cao độ để trải nghiệm những biến hóa” đã thật sự bước ra với đời. Giờ đây, khi nhắc tới cái tên bến Xích, xã Điện Phương, người quanh vùng đều nghĩ ngay đến sản phẩm gốm đất nung với cái tên Lê Đức Hạ.

Khẳng định một thương hiệu

Nhiều năm trong nghề, những gì anh làm đều để “bước ra với đời”. Giờ đây anh muốn khẳng định một thứ cho riêng mình, đó là tượng chân dung về những người mà anh yêu quý, kính trọng. Bằng chất liệu đất nung dân dã, anh chỉ làm một vài tác phẩm hạn chế, có đánh số thứ tự và có giấy cam kết của cơ sở, để giúp những ai yêu thích có thêm điều kiện sở hữu.

Khi được hỏi về cạnh tranh sản phẩm trong tương lai với các sản phẩm của gốm phù Lãng, Bát Tràng, Chu Đậu hay gốm Chăm, anh cho biết: “Mỗi dòng gốm có một phong cách riêng, tôi có con đường đi riêng của tôi, một con đường rất rộng, khác với Chu Đậu, Bát Tràng; không đồng điệu với Phù Lãng, gốm Chăm, nên chưa nhất thiết phải cạnh tranh ở thời điểm hiện tại.

Sản phẩm của anh đã từng mang chuông đi đánh xứ người, có mặt trong các kỳ hội chợ, festival. Khách hàng đã có một sản phẩm thân thiện với môi trường, chịu nắng mưa, chịu gió cát và hơi nước biển. Sản phẩm làm ấm lên khu vườn màu xanh, làm dịu lại không gian nhà toàn bê tông cốt thép và những thiết bị đắt tiền. Những sản phẩm ấy đã khẳng định sự vươn lên và tồn tại của một làng nghề chân chính trong cơ chế thị trường khốc liệt. Anh tâm sự: “Sản phẩm mới đối với tôi như bước chân đời người vậy, ngày nào cũng phải làm, cũng chào hàng rồi chờ đợi. Không phải cứ làm là được, vài chục mẫu đi may mắn mới có một mẫu ăn khách. Và một khi đã chào hàng, đã post hình lên website, in tờ rơi là chấp nhận mất mẫu. Để chống ăn cắp, chỉ có thể làm đẹp hơn, bán rẻ hơn và đẩy mạnh uy tín của thương hiệu. Tất cả những tâm nguyện của tôi là tháng ngày phải nỗ lực phía trước. Làng nghề Việt có đi lên hay không? Không có con đường nào khác là mỗi chúng ta phải tự vận động và vận động nỗ lực”.

Thanh Hà

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site