08:33 | 26/12/2016

Chè Hải Hà - món quà của đất Quảng Ninh

(LV) - Được trồng tại đất Hải Hà (Quảng Ninh) cách đây nửa thế kỷ, chè là cây trồng chủ lực đem lại lợi nhuận không nhỏ, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh việc phát triển sản xuất gắn với phong trào “mỗi làng một sản phẩm”, người dân Hải Hà phấn đấu xây dựng thương hiệu chè trở thành một đặc sản nổi tiếng của địa phương.

>>> Vạn Phúc phát triển làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa 

“Vựa chè” của cả tỉnh

Những người trồng chè lâu năm ở huyện Hải Hà nói rằng không nơi nào trong tỉnh có thời tiết thuận lợi, khí hậu gần biển, mưa nhiều, thổ nhưỡng hợp với cây chè như ở đây. Ai đi dọc đường quốc lộ 18A qua huyện Hải Hà đều thấy những đồi chè xanh trải dài tầm mắt. Gắn bó với mảnh đất này từ nửa thế kỷ nay, đất chè Hải Hà được biết nhiều với thương hiệu chè Đường Hoa, đó là một xã trồng chè nổi tiếng của huyện. Tới nay, Đường Hoa không còn là xã duy nhất trồng chè nữa mà loại cây đặc sản này đã được trồng ở 7, 8 xã của huyện, với tổng diện tích trồng chè lên tới trên 1.000 ha. Cây chè đã giúp cải thiện được tình trạng đất trống đồi trọc, tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con.

Bà con nông dân huyện Hải Hà đang thu hái chè
Bà con nông dân huyện Hải Hà đang thu hái chè.

Trước đây, các hộ dân trồng tự phát, chủ yếu trồng giống chè trung du, tuổi đời cao, cây cằn cỗi, lá mỏng, búp ít, vị đắng chát, năng suất và giá thành thấp nên hiệu quả kinh tế không cao, thường được thương lái mua để trộn vào các sản phẩm chè khác. Ông Nguyễn Văn Tùng, người trồng chè lâu năm tại xã Quảng Long, huyện Hải Hà cho biết, hiện nay có 8 giống chè đang được trồng tại đây là chè Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, Keo Am Tích, chè Cành, Long Vân, PH10, BT 95 và chè Trung du. Các loại chè không chỉ khác nhau ở hình dáng và cấu tạo lá, mà còn phân biệt ở hương vị chè đặc trưng sau khi pha. Quá trình chuyển đổi cơ cấu giống chè được thực hiện ở hầu hết các xã của huyện bắt đầu từ năm 2010, với sự đầu tư khoa học công nghệ của chính quyền địa phương, những giống chè đặc sản, chè lai có chất lượng tốt, vị thơm ngon được đưa vào trồng tại Hải Hà như PH8, PH10, Kim Tuyên, Ngọc Thuý.

Hành trình xây dựng thương hiệu

Chè là giống cây công nghiệp lâu năm, từ khi trồng đến khi thu hoạch lần đầu phải mất từ 2 - 3 năm. Sau một thời gian chuyển đổi, vài năm trở lại đây, những hộ trồng chè ở hải hà mới bắt đầu thu hoạch sản phẩm chè giống mới. Theo đánh giá của nhiều người trồng chè tại địa phương, việc trồng chè giống mới đem lại hiệu quả cao hơn hẳn, giá trị kinh tế cao hơn trung bình từ 3.000 - 4.000 đồng/kg búp tươi so với giống cũ, được người mua chuộng hơn. Giống chè ngọc Thúy được người dùng ưa chuộng nhất do giá cả phải chăng, màu nước chè thanh, vị đậm. Vùng đất hải hà cũng có thể sản xuất những loại chè ngon, cao cấp như chè Ô Long.

Đã có một thời gian dài, việc tiêu thụ chè của Hải Hà hiện nay chủ yếu dưới dạng bán thành phẩm, hiệu quả kinh tế chưa cao (giá chè nguyên liệu và bán thành phẩm thấp), tất cả các cơ sở chế biến, kinh doanh đều bán sản phẩm dưới dạng không có nhãn mác hoặc tự dán nhãn cơ sở của mình. Điều này gây khó khăn cho việc nhận dạng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của chính người chế biến, kinh doanh và trồng chè. Vì vậy, cùng với việc quan tâm đẩy mạnh phát triển trồng và chế biến chè bằng việc thông qua những chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhân dân như hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, thu hái, phương tiện, công cụ chế biến chè thành phẩm... để hình thành được các vùng sản xuất tập trung, chính quyền các cấp đã cùng ngồi lại với bà con nông dân và doanh nghiệp tại huyện để cùng thảo luận về phương thức xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chè Hải Hà.

Bà Hà Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Quỳnh cho biết: “Mặt hàng này chủ yếu để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, tuy nhiên, giá thành còn thấp so với giá trị thực của sản phẩm bởi vì chè hải hà chưa tạo dựng được thương hiệu lớn trên thị trường. Muốn làm thương hiệu chè hải hà thì thực sự phải có một vùng chè chất lượng, kiểm nghiệm an toàn để xây dựng đảm bảo, bà con trồng chè cũng phải tuân thủ đúng quy trình trồng chè sạch, an toàn thì mới đảm bảo yếu tố thương hiệu bền vững”.

Đưa hương chè Hải Hà bay xa
Đưa hương chè Hải Hà bay xa.

Trong thời gian qua, rất nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trồng cây chè vụ đông; thu hái chè bằng máy; trồng và chế biến chè theo quy trình VietGap, tăng cường xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực thu mua, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh được với các sản phẩm chè trong và ngoài nước góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.

Không chỉ sản xuất nông nghiệp, những đồi chè ở Hải Hà trở thành một điểm đến ưa thích của các bạn trẻ ham khám phá, dân phượt, những đôi uyên ương muốn có những bức ảnh cưới độc đáo hay những du khách có dịp ngang qua đây. Nông trường chè Đường Hoa (xã Quảng Long, huyện Hải Hà), từ lâu đã là một vựa chè có tiếng ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Bên những đồi chè xanh uốn lượn đầy thơ mộng, mỗi vườn chè, cây chè ấy là kết tinh bao công sức, cùng với những mong mỏi đêm ngày muốn xây dựng một thương hiệu nông sản cho quê hương.

Yên Giang

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site