10:19 | 20/12/2016

Mái Gươl - “linh hồn làng” Cơ Tu

(LV) - Toạ lạc tại thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) giữa một không gian thoáng đãng, mái Gươl đã tạo nên bức tranh tuyệt mỹ, không gian xanh hài hòa, thân thiện, đoàn kết của bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu.

>>> Chùa Giám – Danh lam cổ tự nổi tiếng Hải Dương 

Mái gươl - lưu giữ mảnh hồn làng

Còn nhớ, cách đây 9 năm vào tháng 7/2007, trong cơ may chúng tôi đã có dịp về dự ngày khánh thành Gươl (ngôi nhà làng truyền thống) thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) tưng bừng với lễ đâm trâu, múa tung tung da dá trong niềm tự hào của đồng bào Cơ Tu trong thôn. Đồng bào Cơ Tu nơi đây tự hào vì mình đã đồng tâm, hiệp lực cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để xây nên Gươl này làm nơi sinh hoạt văn hóa. Bà con càng tự hào vì chưa khi nào thôn có Gươl to đẹp như thế, nơi lưu giữ, phát huy truyền thống nhất là truyền đạt lại văn hóa, bản sắc văn hóa cho thế hệ sau.

Phù điêu trang trí trên mái Gươl
Phù điêu trang trí trên mái Gươl.

Già làng Y Kông (87 tuổi) hiện đang sống tại thôn Tống Coóih cho biết, vào năm 2006, được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, chúng tôi phối hợp với Ban cán sự thôn làm Gươl này với trị giá 120 triệu đồng. Riêng công lao động bà con tự nguyện đóng góp là 4.600 công, để tìm những vật liệu cột, kèo gỗ quý, dây mây già, tranh, tre, nứa mang về. Khi đã có đủ vật liệu, những bậc cao niên và thanh niên trai tráng trong làng phải bỏ công nửa năm ròng cất dựng mới hoàn thành. Gươl này làm theo thiết kế nguyên mẫu Gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ngôi Gươl có hình bầu dục, chiều dài 17m, rộng 7m, có 16 cây cột vừa và 1 cây cột chính rất to ở giữa, mái lợp bằng tranh.

Khánh thành mái Gươl thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) tháng 7/2007
Khánh thành mái Gươl thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) tháng 7/2007.

Được biết, theo chủ trương của thôn phát động thì gia đình nào cũng phải đóng góp công sức cho mái nhà chung của cộng đồng làng. Hàng chục thanh niên trai tráng cùng các già làng có kinh nghiệm sẽ đảm trách khâu thiết kế. Số còn lại trong thôn sẽ tổ chức thành nhiều nhóm mang theo gùi, rựa vào rừng tìm gỗ tốt, cắt tranh mang về đan tấm lợp. Phần trang trí nội thất do già làng Y Kông đảm nhiệm. Trên vách trang trí nhiều con vật đã đi vào nếp sống của bà con như: Khỉ, trăn, rắn, kỳ đà, trâu rừng... cùng nhiều hoa văn hoạ tiết truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Già Y Kông mất nửa năm trời vừa sáng tác, vừa chỉ dạy cho lớp trẻ từng đường nét chạm trổ hoa văn hoạ tiết... Từ đó, ngôi Gươl Tống Coóih trở thành nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí của bà con Cơ Tu trong làng.

Mái Gươl và những thách thức bảo tồn

Mới đây, có dịp về huyện vùng cao Đông Giang công tác, chúng tôi có ghé lại thăm Gươl Tống Coóih và bắt gặp mái Gươl không còn lợp lá tranh mà thay vào đó là mái tôn. Đem chuyện hỏi già làng Y Kông, thì già Y Kông vẫn nguyên nỗi tiếc nuối hằn trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn về mái Gươl lợp tranh nay không còn nữa, nhưng cũng phấn khởi và già làng Y Kông cho biết: Gươl Tống Coóih trước đây lợp tranh, nhưng trải qua mưa nắng nhiều năm đã làm mái Gươl mục nát hư hại rất nhiều, thế nhưng tìm kiếm cho ra lượng tranh gần ngàn bó để lợp lại mái Gươl là tốn công sức không dễ chút nào. Nhằm khắc phục sự xuống cấp của Gươl, ngay từ đầu năm 2013, Ban nhân dân thôn đã triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ, huy động các lực lượng từ Chi hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên đến Hội cựu chiến binh cùng sự hỗ trợ của chính quyền xã Ba và nhân dân tham gia. Mục tiêu công trình này, là phải giữ được nét văn hóa truyền thống và thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân tộc Cơ Tu. Gươl thôn Tống Coóih được phục hồi lại, với mái lợp tôn đến nay đã gần 1 năm.

Mái Gươl truyền thống của người Cơ Tu
Mái Gươl truyền thống của người Cơ Tu.

Đối với đồng bào dân tộc Cơ Tu, Gươl là “linh hồn” của làng, nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và cũng là nơi các già làng hội họp, thống nhất những vấn đề chung ảnh hưởng đến sự hưng, vong cả cộng đồng. Đáng trân trọng là bà con Cơ Tu xem đây như trách nhiệm của mỗi thành viên trong làng, nhà nào cũng tự nguyện đóng góp công sức, tiền bạc. Chính vì thế, việc sửa chữa lại Gươl thôn Tống Coóih luôn được mọi thành viên trong làng đồng tình hưởng ứng, có nơi để tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống cho dân làng, vào những thời điểm nhàn rỗi không lên nương, làm rẫy đến Gươl sinh hoạt, vui chơi.

Nguyễn Văn Sơn

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site