18:11 | 05/04/2017

Nghề rèn của người Nùng ở Phúc Sen

(LV) - Nghề thủ công nói chung và nghề rèn của người Nùng An Phúc Sen, Quảng Uyên, Cao Bằng nói riêng hình thành và phát triển trên cơ sở của một nền nông nghiệp lúa nước và nương rẫy. Sản phẩm của nó phục vụ nhu cầu thiết yếu của đồng bào.

 >>> Làng nghề Bánh mè xát Tân An

Nếu như người Kinh ở một số địa phương có các nghề thủ công: gốm, đan lát, chiếu…đã trở thành “nghề” và là một hoạt động kinh tế quan trọng thì phần đông ở người Nùng, các nghề thủ công truyền thống cơ bản vẫn mang tính tự cung tự cấp, sản xuất còn lẻ tẻ, rời rạc chưa tách khỏi nghề nông. Nó chỉ là nghề phụ gia đình với hình thức tổ chức mang tính nhỏ hẹp, hoạt động vào dịp nông nhàn. Trong hàng loạt các nghề thủ công hiện nay ở Phúc Sen thì nghề rèn được coi là nghề phụ chính đã vượt ra khỏi phạm vi của tính tự cung tự cấp, trở thành hàng hóa đem lại lợi ích kinh tế và thúc đẩy xã hội phát triển.

Từ khi sản phẩm rèn của Phúc Sen trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế thì nghề rèn đã thể hiện rõ vai trò của nó trong đời sống của đồng bào đặc biệt là đối với kinh tế gia đình góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Trong các hoạt động mưu sinh trồng trọt, chăn nuôi và thủ công thì nghề rèn đã góp một phần không nhỏ vào thu nhập của gia đình, đem lại giá trị kinh tế cao và không ngừng tăng qua các năm.

Ngay từ thuở sơ khai, khi nghề rèn còn mang tính tự cung tự cấp nó đã là nghề thể hiện sự phân công lao động một cách rõ nét, bởi tính chất nặng nhọc của công việc sử dụng sức lao động chân tay là chủ yếu. Chỉ những người nam giới mới có thể tham gia vào công việc này, còn phụ nữ chủ yếu là trồng bông dệt vải, làm ruộng nương và chăn nuôi gia đình. Và một thực tế đã diễn ra đó là gia đình nào càng có nhiều nam giới thì việc sản xuất càng phát triển, hàng hóa làm ra được nhiều hơn và thu nhập từ nghề rèn cũng nhiều hơn các gia đình có ít nam giới. Số lao động tham gia rèn tỷ lệ thuận với thu nhập của gia đình.

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, nghề rèn truyền thống của người Nùng không chỉ tác động và có vai trò to lớn đối với đời sống kinh tế, xã hội mà còn góp phần tạo dựng diện mạo văn hóa của tộc người ở địa phương. Khi đến với Cao Bằng, qua các huyện miền Tây của tỉnh chúng ta sẽ nghe thấy tiếng tăm của nghề dệt thổ cẩm ở Hòa An và Hà Quảng, còn nếu đến với các huyện miền Đông thì nghề rèn của người Nùng An lại làm ta phải chú ý. Có thể nói, những nghề thủ công khác nhau phát triển ở những vùng khác nhau là điều kiện cơ bản hình thành nên vùng văn hóa làng nghề.

Phúc Sen là một trong những xã của huyện Quảng Uyên duy nhất chỉ có người Nùng An cư trú, nơi đây còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Các yếu tố văn hóa truyền thống đó được chắt lọc và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác tạo nên bản sắc riêng có của tộc người. Nơi đây trở thành cái nôi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người Nùng An Cao Bằng mà khó có thể thấy ở một nhóm Nùng khác và các tộc người khác. Trải qua nhiều biến động của cuộc sống, những nét văn hóa truyền thống vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn từ cái ăn, cái mặc cho tới các phong tục tập quán, tín ngưỡng lễ nghi…Điều đó thể hiện ý thức dân tộc, lòng tự tôn về dân tộc mình luôn ẩn sâu trong mỗi cư dân nơi đây.

Cũng giống như nhiều nghề thủ công khác để làm nên một sản phẩm rèn cũng phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau: Cắt, chặt nguội; nung lửa; rèn tạo dáng ban đầu; rèn tạo dáng hoàn chỉnh; hoàn thiện sản phẩm. Trong mỗi công đoạn đòi hỏi những kỹ thuật khác nhau đòi hỏi người thợ phải rất khéo léo, tinh tế. Mỗi sản phẩm ra đời là kết quả của sự sáng tạo và lao động miệt mài mà ở đó người thợ gửi gắm cả tâm hồn mình.

Nghề rèn là một trong những nghề phụ gia đình của đại đa số cư dân Phúc Sen, trải qua quá trình phát triển lâu dài với những cách thức tổ chức sản xuất khác nhau. Ban đầu, hoạt động rèn chỉ diễn ra vào lúc nông nhàn sản phẩm mang tính tự cung tự cấp, dần dần cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường sản phẩm rèn Phúc Sen đã đến được với người tiêu dùng ở khá nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam và được nhân dân tín nhiệm bởi chất lượng của sản phẩm. Nghề rèn cần được bảo tồn và phát triển trong cuộc sống hiện nay bởi nó có những đóng góp tích cực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Nghề rèn mang lại giá trị kinh tế tương đối lớn , thu nhập từ nghề rèn góp phần không nhỏ vào kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.

Đồng thời sự tồn tại của nghề rèn còn giúp tạo công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư, hạn chế tệ nạn xã hội, tận dụng thời gian rỗi một cách có hiệu quả. Bảo tồn và phát triển nghề rèn ở Phúc Sen ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa sâu xa về mặt bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc của người Nùng An. Nhờ có nghề rèn phát triển mà những giá trị văn hóa liên quan đến nghề rèn được bảo lưu như tinh thần cố kết cộng đồng, đoàn kết tương trợ, truyền thống yêu lao động, đạo đức nghề nghiệp…

Việc bảo tồn và phát triển nghề rèn ở Phúc Sen đang đứng nhiều thuận lợi và khó khăn, cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước và chính quyền địa phương, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao tay nghề cho người dân, thành lập mô hình các hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất, đẩy mạnh công tác động viên khen thưởng, mở rộng tìm kiếm thị trường và đặc biệt cần chú trọng giải pháp đầu tư phát triển nghề rèn song song với phát triển du lịch. Đây là một việc làm đem lại nhiều lợi ích cho đồng bào nơi đây. Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở Phúc Sen trong cuộc sống hiện nay chính là bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của người Nùng, góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa Việt Nam đa sắc màu, là bước đi đúng đắn trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Hồng Hạnh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site