12:11 | 19/03/2017

Trở về buôn làng

(LV) - Trong xu hướng chung, rất nhiều người trẻ tuổi, sau khi học hành đỗ đạt, đều chọn con đường lập nghiệp bằng cách ly hương thì chàng trai trẻ Ka Ly Trần lại chọn con đường ngược lại, trở về với làng Kon Klor, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) của mình để sống trọn vẹn cho niềm đam mê với vốn âm nhạc truyền thống quý giá của người Ba Na.

>>> Chàng trai cháy hết mình với tình yêu di sản 

Ra đi từ làng quê

Sinh ra từ làng quê với những người nông dân chân chất quen làm nương rẫy nhưng cũng chính là chủ thể văn hóa của cồng chiêng, những nhạc cụ tre nứa và đàn đá…, chàng trai sinh năm 1988 sớm được làm quen và đam mê với vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Mê hát dân ca, lại có cha là nghệ nhân cồng chiêng, ngay từ bé, Ka Ly đã được cha chỉ dạy diễn tấu cồng chiêng cũng như truyền ngọn lửa đam mê này.

Ngay từ nhỏ, Ka Ly tập và chơi thử tất cả các nhạc cụ truyền thống khi được cùng cha tham gia các lễ hội tại làng. Vốn có khả năng thẩm âm tốt, cậu bé Ka Ly nhanh chóng nắm bắt và diễn tấu thuần thục các loại nhạc cụ này. Quan sát, học theo cha và các nghệ nhân trong làng, Ka Ly cũng mày mò học chế tác nhạc cụ truyền thống và khi đến tuổi trưởng thành, Ka Ly đã thuộc lòng những bài dân ca cổ, biết chỉnh chiêng, chế tác các nhạc cụ tre nứa và nhất là mày mò để chế tác thành công đàn đá. Chiếc đàn đá mà Ka Ly đang sử dụng đã được Ka Ly tìm tòi trong khoảng 10 năm. Không biết bao nhiêu lối rừng, con suối mà Ka Ly đã đi, gõ vào từng phiến đá để nghe những thang bậc âm thanh và tìm ra đúng “hồn” của đàn đá.

Không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu những kiến thức, kỹ năng diễn tấu cũng như chế tác nhạc cụ truyền thống, Ka Ly còn thổi vào mỗi loại nhạc cụ sự sáng tạo của một chàng trai trẻ với đầy đam mê.

Trở về làng quê

Yêu thích âm nhạc truyền thống nhưng không muốn đi theo lối mòn và chỉ dừng lại ở đó, Ka Ly thi vào khoa Sư phạm âm nhạc Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (TP. Hồ Chí Minh) với mong muốn được đào tạo bài bản, có kiến thức căn bản để có thể phát huy những giá trị truyền thống của cha ông.

Khi học tại khoa Sư phạm âm nhạc Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội hệ cử nhân, Ka Ly có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn về không gian văn hóa cồng chiêng, về diễn tấu các nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên. Mong ước bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Tây Nguyên của chàng trai Ba Na được chấp cánh.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp, Ka Ly từ chối ở lại TP. Hồ Chí Minh với nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp để trở về quê hương, mang những kiến thức đã học tập được để thực hiện mong ước của mình.

Bắt đầu từ việc “truyền lửa”, Ka Ly tập hợp những bạn trẻ, ưa thích ca hát, âm nhạc để truyền dạy và tập hợp thành ban nhạc dân gian “Ka Ly band”. Đến nay, Ka Ly band có 120 thành viên đa phần là trẻ tuổi, với 45 nhạc công và 85 diễn viên hát dân ca, biểu diễn xoang... Ban nhạc chuyên sử dụng nhạc cụ do chính Ka Ly sưu tầm, sáng chế. Những thành viên ban nhạc theo Ka Ly cho biết: “Họ chỉ là những nông dân trong làng, quen việc nương rẫy, khi nào rảnh thì tập và diễn cùng nhau thôi”.

Ka Ly đánh đàn T’rưng trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2016
            được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội)
Ka Ly đánh đàn T’rưng trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2016 được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Ka Ly được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh giao nhiệm vụ đạo diễn và thực hiện một số chương trình như: Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên tổ chức tại Kon Tum vào tháng 3/2016 (Chương trình đêm khai mạc; lễ hội đường phố); tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2016 được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Ka Ly chia sẻ: Âm nhạc Tây Nguyên mình có 5 âm, na ná nhau. Mình muốn quảng bá cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ trong nước mà cả nước ngoài thì mình cố gắng cải tiến để đánh được theo thang âm quốc tế, để nhạc cụ quen thuộc này sử dụng được cho tất cả các loại bài hát.

Ka Ly sáng tạo nên dàn nhạc sử dụng các nhạc cụ truyền thống đã được cải tiến với bộ cồng chiêng (16 chiêng, 12 cồng), kết hợp với nhiều loại nhạc cụ như đàn T’rưng, trống, đinh-pút... Bộ đàn đá do Ka Ly sáng chế theo thang âm quốc tế cũng nằm trong phần hòa tấu của dàn nhạc cụ này. Vì thế, âm thanh đa dạng hơn, thực hiện được nhiều giai điệu phong phú, có thể diễn hòa tấu hay độc tấu, chơi được nhạc truyền thống và hòa tấu được nhạc đương đại.

Chính Ka Ly cũng là người đưa các loại nhạc cụ truyền thống vào trong thánh lễ tại các nhà thờ ở quê hương mình và giúp một số nhà thờ dàn dựng các bài cho sinh hoạt tín ngưỡng không dùng piano, organ mà dùng chính nhạc cụ truyền thống để hát.

Mong ước lớn nhất, thường trực trong trái tim chàng trai Ba Na trẻ tuổi là làm sao để thế hệ trẻ không thờ ơ, quay lưng với những giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình và làm sao để những giá trị này tỏa sáng không chỉ ở quê hương mà bay xa đến muôn nơi.

Trịnh Thị Hiền

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site