21:52 | 20/08/2017

Giá trị kiến trúc nghệ thuật đình làng An Cố, Thái Bình

(LV) - Đình An Cố, xã Thụy An, huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình là một ngôi đình có quy mô hoành tráng nhất trong các ngôi Đình ở Thái Bình. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê rất độc đáo và còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ tự, y phục tế rước quý giá.

>>> Đình Giàn và những giá trị văn hoá lịch sử

Kết cấu kiến trúc

Đình An Cố là một ngôi đình 10 gian, nhưng về quy mô mực thước là một ngôi đình lơn nhất trong các ngôi đình ở Thái Bình. Tòa Tiền Tế 7 gian nhưng có chiều dài 25,4m, lòng rộng 10m; ( đủ sức chứa 1000 người), gian chính tâm gian dài tới 3,8m. Diện tích thềm tòa bái đường tính cả hiên tiền rộng tới 270m2. Tòa hậu cung 3 gian rộng lớn.

Nội thất đình kiểu chồng rường. Đường kính cột cái, cột quân đều từ 40-50cm. Hệ thống rường, xà, đấu chắn phong kết thành mảng, tổng cộng trong đình gồm 56 mảng chạm lớn thể hiện đề tài tứ linh, đục trạm trên 500 con rồng đủ loại: Long cuốn thủy, Long phi, Long giáng, Long quần Long ổ, rất nhiều chim phượng, Nghê thần đủ các thế, Phượng hàm thư Phượng bay, Phượng đỗ, Phượng chầu Nghê nhảy, Nghê múa, Nghê chầu.

Toàn cảnh ngôi đình
Toàn cảnh ngôi đình.

Tòa hậu cung, cũng cấu trúc theo kiểu chồng rường, vì ngoài cũng chạm lỗng, chạm bong rồng bay, phượng múa, nghê chầu không kém ở tòa tiền tế. Rồng và lửa là đề tài phổ biến được thể hiện trong điêu khắc 2 triều Lê, Mạc, vào thời kỳ lịch sử ấy mâu thuẫn của Chính quyền phong kiến trung ương lên đến tột đỉnh về sự tranh chấp quyền lực Lê – Trịnh, Lê – Mạc, luôn chém giết lẫn nhau .

Hệ thống bờ cánh, bờ đao cũng soi hai tầng chỉ mớ, trổ hoa chanh; góc bờ cánh đắp nghê thần, dàn đao guột đắp, rồng chầu, phượng múa; nghê thì tư thế hiên ngang, bờm rồng, mắt hổ, chân ôm quả cầu, chân vờn mây cuộn, chân đạp hoa chanh. Đao phượng mỏ dài, bờm xoắn, cánh sải như chim phượng, đuôi dài như chim công. Đao rồng: Râu bờm phất phới, cổ dài vươn cao, cưỡi tản vân như đang cất cánh bay.

Kết cấu kiến trúc
Kết cấu kiến trúc.

Hiên trước, các đầu bẩy chạm tứ linh, tứ quý. Hai gian hồi đóng bốn tầng, ngưỡng bát, ngưỡng thượng, ngưỡng trung, ngưỡng hạ, trên dựng bao kép lắp con song tiện. Thềm bậc lát toàn đá phiến bào gọt, ba gian giữa lắp 2 tầng ngưỡng, đóng cánh cửa ô.

Trừ 2 vì cạnh ( do dân làng tự thi công) còn các vì trung tâm, vì hồi, vì nách đều chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Toàn bộ hệ thống cồn, rường, cửa võng, lan can, sàn cầu được chạm tới gần 200 con rồng với các đề tài: Tứ linh; long hổ giao đấu; anh hùng tương ngộ, long phi; long giáng, long quấn thuỷ, long quần, long ổ,... Mỗi mảng chạm tối thiểu ba tầng 5 lớp. Chỗ thì cả bầy rồng đang thong dong cưỡi mây du ngoạn, chỗ thì rồng hổ giao tranh quyết liệt, 9 rồng 10 hổ quần nhau,... Lại có chỗ rồng và hổ đang như vui như đùa, vờn cuộn lấy nhau thật thanh bình.

Trang trí trên kiến trúc

Nghệ thuật điêu khắc đình làng vừa đạt sự tinh mỹ, vừa đạt tính hoành tráng; chi tiết đến từng nếp vây, chiếc vẩy, tỉ mỉ đến từng sợi râu, sợi bờm. Có những mảng lớn diện tích từ 3 – 4m2 mà từ long cuốn thuỷ đến phượng hàm thủ, liêm áp, liên quy, nghê múa, nghê chầu,... lớp xa, lớp gần, chạm bóng, chạm chìm, chạm lồng, lớp nào cũng tỉ mỷ chi tiết. Mỗi linh vật là một tác phẩm, mỗi mảng chạm là một tác phẩm và cả ngôi đình là một kiệt tác lớn đạt đỉnh cao của giá trị văn hoá nghệ thuật, thành chuẩn mực cho đời sau.

Riêng hai vì cánh tiền và hệ thống con dư của đình An Cố thì vượt xa các tác phẩm cùng loại trước đó và muôn sau. Các con dư đều được chạm lồng từ 5 đến 6 tầng. Đầu dư mi mày dựng ngược, miệng rồng nanh sắc như dao, mang to, miệng ngậm bảo ngọc; râu, tóc, bờm uốn sóng nhịp nhản gồi cùng duỗi thẳng như hàng gươm giáo, tạo thế đang bay lao thẳng về phía trước. Hai cánh tiền gian trung tâm dài tới 1,2m, cao 0,8m, dày 0,4m là cả bầy rồng con chầu, con múa, con lượn, con bay,... gần 200 tác phẩm rồng trong đình, mỗi con một vẻ nhưng có chung thể thức: Rồng lửa, mây bờm bay ngang thành rừng kiếm bãi gươm, dựng ngược thành đuốc lửa và cả ngôi đình là một rừng gươm khổng lồ, là không gian đuốc lửa, là thế giới long, ly, quy, phượng,...

 

Nghệ thuật trang trí tinh xảo trên cửa võng ngôi đình
Nghệ thuật trang trí tinh xảo trên cửa võng ngôi đình.

Các bức chạm khắc ở Đình An Cố, hình như các nghệ nhân muốn gửi gắm các sự kiện lịch sử vào đó. Nếu như trên 500 con rồng (rồng tượng trưng cho Vua) ngự tọa trên các vì kiến trúc ở đây thì cũng có trên 500 con hổ giao tranh, chỗ thì rồng hỉ hả cùng bầy hổ, chỗ thì rồng oằn oại dùng sức bình sinh đè bẹp bầy hổ... lại cỏ mảng cả bầy chuột đồng chạy đuổi nhanh trên đầu rồng! lại có cảnh bầy khỉ chặn rồng, con cưỡi, con bóp miệng rồng móc ngọc

Toà hậu cung lòng rộng 10m gồm 3 gian. Vì cửa cũng được chạm khắc công phu không thua gì bái đình. Vẫn đề tài tứ linh nhưng quan sát thật kỹ có phần tinh xảo hơn. Cửa vào cung cấm chia làm 3 khu: Khu trung tâm và tả hữu. Xà xoi vỏ măng, ngưỡng soi chỉ mớ, bào kép soi kép. Hai toà tả hữu đóng cửa khay, bốn bức giữa lắp thượng xỏ, hạ mật. Các vì còn lại trong cấm đều tạo thế sấu quỳ. Các thanh rường, vì câu đầu, quá giang đều tạo dáng đầu sấu đội đấu soi, lưng sấu cõng xà. Cả bầy sấu mỗi vì thanh mộy lớp, mỗi lớp 16 con sấu to khoẻ chầu vào chính điện. Công năng kiến trúc khoẻ, ước lệ nghệ thuật cao,...

Đình An Cố hiện vẫn là viên ngọc quý trong các di sản kiến trúc văn hoá thời Lê Mạc của đất nước, là điểm đến của nhiều du khách và các nhà nghiên cứu văn hoá trong và ngoài nước.

Huyền Trang

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site