22:55 | 13/09/2017

Cao Lỗ Vương trong đời sống tín ngưỡng người dân Bắc Ninh

(LV) - Hình tượng Cao Lỗ chính là sự huyền thoại hóa sức mạnh tồn tại và phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước. Với những chiến công hiển hách, Cao Lỗ Vương được cư dân huyện Gia Bình (Bắc Ninh) tôn thờ và trở thành một tín ngưỡng không thể thiếu của người dân.

>>> Nghệ nhân đam mê truyền lại văn hóa dân tộc H’rê

Hình tượng Cao Lỗ Vương trong văn hóa Việt

Cao Lỗ Vương là một danh tướng đã giúp vua Thục Phán – An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc, đã hiến kế với nhà vua dời đô xuống đồng bằng và giúp nhà vua xây thành Cổ Loa, đã chế ra nỏ Liên Châu, được xem là “Nỏ thần” “Linh Quang Thần Cơ” – vũ khí thần dũng vô địch để giữ nước Âu Lạc với lời nói được truyền tụng “Giữ được nỏ thần thì giữ được thiên hạ, mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ”. Người có tầm nhìn xa, tỉnh táo, cảnh giác và đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù vì điều đó mà bị vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, Tổ quốc lâm nguy, Cao Lỗ lại ra phò vua cứu nước, tử tiết trước trận tiền, để lại danh thơm muôn thuở cho hậu thế. Danh tướng Cao Lỗ là một vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu dựng nước, được nhân dân ta sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.

 

Tượng thờ Cao Lỗ Vương
Tượng thờ Cao Lỗ Vương.

Trong các tín ngưỡng dân gian tại Gia Bình, Bắc Ninh chủ yếu là các thờ vị thần bảo trợ cộng đồng hay là các vị thổ thần có mối quan hệ chặt chẽ với cư dân. Đặc biệt là tín ngưỡng thờ Cao Lỗ Vương ở hai xã Vạn Ninh và Cao Đức hiện nay, người dân nơi đây vẫn còn nhắc tới nhiều dấu tích xửa để lại. Tại đền thôn Đại Trung (thôn Lớ) xã Cao Đức vẫn còn nhắc đến dấu tích của một bệ đá thiêng dưới nền đền thờ ngài đã bị vùi lấp vì nền đình đã phải nâng cao để chống ngập lụt. Nền đá này tương truyền còn có các hang sâu bên dưới thông từ bệ đá ra vùng sông nước Lục Đầu – Đại Than.

Với người dân Cao Đức và Vạn Ninh ngày sinh và ngày mất của thần Cao Lỗ vào ngày 10 tháng 03 và ngày mồng 04 tháng 04 âm lịch cũng là ngày khai mạc lễ hội tôn vinh thần tại đền thờ của ngài. Đây là dịp người dân địa phương không chỉ tôn vinh sự nghiệp và công đức của thần đối với đất nước và quê hương của họ mà còn là dịp để cầu xin ngài đem lại mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt và nhân khang vật thịnh.

Cao Lỗ Vương trong đời sống tín ngưỡng người dân

Tín ngưỡng thờ Cao Lỗ Vương là một tín ngưỡng thờ nhân thần xa xưa gắn với nhiều trò lễ hội như trò “múa mo múa bộc” (Trò múa mo múa bộc là trò gắn với tục thờ sinh thực khí chỉ còn ở các lễ hội dân gian vùng trung du Bắc Bộ. Đó là điệu múa cầm một cây gậy gỗ mộc có xơ ở đầu tượng trưng cho dương vật ném vào cái mo cau có hình âm vật treo trên cao, cho nó rơi xuống trong ngày lễ hội để cầu mong được mùa.) mang tính phồn thực trong lễ hội Cao Lỗ Vương mà giờ đây rất ít người biết đến ý nghĩa biểu trưng và thực tiễn của nó. Những ngày lễ hội thường trùng với lễ cầu mưa với sự tham gia của nhà chùa vào các dịp tháng ba và tháng tư âm lịch.

Lễ hội tưởng niệm Cao Lỗ Vương
Lễ hội tưởng niệm Cao Lỗ Vương.

Vào những dịp giao thừa và Tết nguyên đán, người dân địa phương còn làm lễ cúng thần theo những nghi thức trước đây có lẽ chỉ nhà vua ở tầm quốc gia mới thực hiện, như lễ động thổ ám chỉ thần còn cai quản toàn bộ không gian và thời gian trong vũ trụ. Còn trong những ngày lễ hội, nghi lễ tế thần có khuôn mẫu theo nghi thức của triều đình trước kia (lễ phong chầu), cho dù hiện tại đã bị lược đi rất nhiều không còn giống toàn bộ như xưa.

Trong xã hội ngày nay, sự thờ cúng tướng quân Cao Lỗ Vương đã trở thành điểm quy tụ các quan hệ cộng đồng hay xã hội. Sự gắn bó của các cộng đồng dân cư ở xã Đại Than Huyện Gia Bình Tỉnh Bắc Ninh trước đây, nay là 7 thôn của xã Cao Đức và thôn Tiểu Than của xã Vạn Ninh là biểu hiện của quá trình kiến tạo và cố kết xã hội ở các cộng đồng thôn, xóm hay làng, xã, cho tới ngày nay. Sự ngưỡng mộ Đức thánh của người dân vùng “Đại Than” không kém gì sự ngưỡng mộ của người dân vùng “Đại Than” với tổ tiên của họ.

Đặc biệt thờ Đức Thánh Cao Lỗ đã trở thành một biểu tượng của văn hóa tâm linh của người dân hai xã Cao Đức và Vạn Ninh. Đình, đền làng trở thành nơi hội họp của làng, là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã. Trong tâm thức người dân nơi đây, Đức Thánh Cao Lỗ là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khỏe mạnh, nhân khang vật thịnh. Sự tối linh của Đức Thánh mang lại không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất của dân làng.

Nguyễn Hoa

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site