18:31 | 16/10/2017

Nỗ lực giữ gìn và đưa nghề nón làng Chuông hội nhập

(LV) - Trong khi đa phần người làm nón làng Chuông đang loay hoay, vất vả mưu sinh và bảo tồn nghề truyền thống thì nghệ nhân Lê Văn Tuy là một trong số ít người đã tìm ra hướng đi mới cho nghề và sản phẩm nón.

 >>> Làng nghề đúc gang Mỹ Đồng

Tiếp nối, giữ gìn nghề gia truyền

Sinh ra và lớn lên tại ngôi làng nổi tiếng với nghề làm nón - làng Chuông (xã Phương Trung, Huyện Thanh Oai, Hà Nội), đến nay nghệ nhân Lê Văn Tuy đã có ngót nghét 40 năm gắn bó với nghề.

Gia đình có đến 5 đời làm nón, do vậy tuổi thơ của Lê Văn Tuy đã gắn liền với việc học hành và tham gia cùng gia đình làm nón. Với hơn 40 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Lê Văn Tuy đã chứng kiến sự thăng trầm của nghề nón. Có thời, nón lá làng Chuông được chọn làm quà biếu cho các hoàng hậu, công chúa trong cung.

 

Đa dạng các sản phẩm nón làng Chuông
Đa dạng các sản phẩm nón làng Chuông. Ảnh: Hồng Anh

Sau này, khi thứ che mưa, che nắng và làm duyên mái tóc là lựa chọn gần như duy nhất của phụ nữ, cũng là lúc nón lá làng Chuông được bán khắp các chợ khu vực phía Bắc. Cả làng Chuông bận rộn với công việc làm nón. Đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, phương tiện đi lại bằng xe máy, ô tô chiếm ưu thế cùng với sự hiện diện trào lưu của các loại mũ thời hiện đại đã làm nón trở nên lạc lõng. Làng Chuông điêu đứng vì sản phẩm làm ra bán chậm, dù giá bán thấp. Nhiều gia đình trong làng phải bỏ nghề.

 

 Ảnh: Thu Loan

Với trăn trở: “muốn sống được bằng nghề, sản phẩm phải có nhiều mẫu mã, hướng đến công dụng mới và những đối tượng khách hàng mới”. Bắt đầu từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, nghệ nhân Lê Văn Tuy đã tiếp cận với khách hàng để tìm hiểu và mày mò thiết kế những kiểu dáng, chất liệu mới cho sản phẩm nón.

Thoát khỏi lối mòn

Năm 1999, với đơn đặt hàng chỉ 1 đơn vị sản phẩm, đã mở ra cho nghệ nhân Lê Văn Tuy một hướng đi mới. Năm đó, anh nhận làm 1 chiếc nón cỡ lớn, đường kính tới 1 m với yêu cầu lá nón không được nối. Đây là thử thách không nhỏ vì kiếm lá nón dài như yêu cầu rất khó. Để làm chiếc nón, anh còn phải tự thiết kế khung mới với kích thước mới. Việc khâu chiếc nón này cũng vô cùng khó khăn do kích thước quá lớn, 2 vợ chồng cùng làm, mỗi người ngồi khâu 1 phía.

 

Một góc chợ nón làng Chuông
Một góc chợ nón làng Chuông. Ảnh: Hồng Anh

Sự hài lòng của khách hàng về sản phẩm đã khích lệ anh mạnh dạn đổi mới mẫu mã và kiểu dáng, chất liệu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Anh bắt đầu mày mò tìm hiểu về thị trường, nhu cầu khách hàng và tự thiết kế hàng loạt kiểu dáng mới. Ngoài nón chóp che mưa nắng, sản phẩm mới của gia đình anh còn có nón quai thao, các loại nón làm quà lưu niệm, nón biểu diễn (thời trang, múa), nón phục trang trong các phim cổ trang; nón Thái, nón Hàn Quốc, nón Tàu… Bên cạnh đó là hàng loạt sản phẩm phục vụ trang trí nội thất khác. Dù đổi mới về kiểu dáng cũng như chất liệu, nhưng các sản phẩm làm ra vẫn đảm bảo về chất lượng (độ bền, vững chắc của nón, mũ) và thẩm mỹ truyền thống (màu lá sáng, màu sắc đồng đều, hình dáng cân đối nhưng thanh thoát).

Sản phẩm nón làng Chuông đã tham gia nhiều hội trợ, triển lãm ở Hà Nội nhằm quảng bá sản phẩm, tiếp cận với khách hàng và được khách hàng đón nhận, tin tưởng vì cả chất lượng lẫn mẫu mã.

 

Nghệ nhân Lê Văn Tuy trang trí gian hàng  thủ công truyền thống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Nghệ nhân Lê Văn Tuy trang trí gian hàng thủ công truyền thống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam . Ảnh: Thu Loan

Nhạy bén với thị hiếu khách hàng và hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu để nghề nón làng Chuông nói riêng, làng nghề truyền thống nói chung. Người làng Chuông cũng đã khởi đầu mới từ những người tiên phong như nghệ nhân Lê Văn Tuy. Ngoài tự gia đình sản xuất, nghệ nhân đứng ra mua thu gom nón của các gia đình trong làng để tìm mối khách hàng ngoại tỉnh (Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Bình) phía Bắc và cả phía Nam. Cơ sở của gia đình anh tạo công ăn việc làm cho gần chục nhân công và nhận truyền dạy nghề làm nón.

Nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ: “Mỗi ngày cơ sở sản xuất của gia đình làm ra 1.000 sản phẩm. Có ngày bán hết, có ngày chỉ vài chục. Khách các tỉnh xa đến đặt hàng mua sỉ thường xuyên với số lượng lớn. Gia đình tôi còn nhận đơn đặt hàng theo mẫu mã của các đoàn nghệ thuật, đoàn làm phim, các nhà thiết kế thời trang. Chúng tôi cũng thường xuyên xuất khẩu hàng đi các nước."

 

Đa dạng các sản phẩm nón làng Chuông
Đa dạng các sản phẩm nón làng Chuông. Ảnh: Thu Loan

Cơ sở sản xuất của gia đình nghệ nhân Lê Văn Tuy đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nhiều lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, mua hàng. Đây là cơ hội để nghề nón của gia đình cũng như của làng Chuông - một nét văn hóa về nghề, làng nghề truyền truyền thống cũng như vẻ đẹp của chiếc nón lá được giới thiệu, quảng bá hiệu quả và thiết thực.

Nón làng Chuông còn những chặng dài trước mắt để song hành trong đời sống, cùng sự phát triển của thời trang cũng như du lịch của đất nước. Với nghệ nhân Lê Văn Tuy, nón Chuông là lựa chọn định mệnh, là lẽ sống và tình yêu của mình.

Thu Loan

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site