23:12 | 07/04/2019

Tạo sinh kế từ các làng nghề truyền thống

(LV) - Nhắc đến Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, chắc hẳn ai cũng biết đến những dãy núi đá điệp trùng dựng thành lũy. Đá tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ nhưng cũng cản bước phát triển kinh tế, khiến cho đồng bào nơi đây rơi vào vòng luẩn quẩn đói, nghèo. Không khuất phục thiên nhiên khắc nghiệt, người dân đã biết tận dụng lợi thế riêng về văn hóa đặc trưng; gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống để tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

 >>> Làng nghề bún Khắc Niệm

Sản xuất các sản phẩm văn hóa đặc trưng…

Trong xu thế phát triển hiện nay, Hà Giang coi trọng phát triển các làng nghề truyền thống và xem đây là một trong những nguồn tài nguyên vô giá để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc sắc, lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Hà Giang cũng xác định chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Theo đó, tỉnh Hà Giang tập trung vào công tác bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.

 

Dệt lanh - nghề truyền thống của đồng bào Mông ở Hà Giang
Dệt lanh - nghề truyền thống của đồng bào Mông ở Hà Giang.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Với đặc thù là địa phương đa sắc màu văn hóa với 19 dân tộc anh em cùng chung sống; mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán và sản phẩm văn hóa đặc trưng. Do đó, mỗi làng nghề truyền thống đều gắn liền với nếp sống, nếp nghĩ và sinh hoạt của từng cộng đồng dân tộc. Để tạo điều kiện phát triển các làng nghề truyền thống, ngày 25/10/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2016 - 2020”. Với các cơ chế khuyến khích, đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 39 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận; trong đó, một số làng nghề truyền thống đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan như: Làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pà Thẻn ở huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Quang Bình; Làng nghề chế tác khèn Mông ở Đồng Văn, Mèo Vạc; Làng nghề chạm Bạc của người Dao, người Nùng ở Hoàng Su Phì…

 

Nghề đan quẩy tấu giúp người dân ở Đồng Văn tăng thu nhập
Nghề đan quẩy tấu giúp người dân ở Đồng Văn tăng thu nhập.

Để đáp ứng nhu cầu khách hàng và nâng cao đời sống cho thành viên tham gia, nhiều làng nghề tập trung phát triển sản xuất hàng hóa với các sản phẩm sạch, hữu cơ, thân thiện môi trường; chất lượng, hình thức, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên; không ít sản phẩm của các làng nghề truyền thống được tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Minh chứng rõ nét chính là các sản phẩm của Hợp tác xã Dệt lanh Lùng Tám, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới. Hàng năm, Hợp tác xã đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hợp tác xã có doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm; tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động nông thôn, với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

… Gắn với phát triển du lịch

Hà Giang là địa phương có số người Mông chiếm tỷ lệ đông nhất trong các dân tộc cùng sinh sống. Người Mông có nhiều sản phẩm văn hóa đặc trưng, nổi bật và gắn bó nhất là vải lanh và khèn Mông. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều Làng nghề chế tác khèn Mông nhưng có lẽ làng nghề chế tác khèn Mông ở xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn khiến người ta nhắc đến nhiều nhất. Bởi nơi đây đã có hơn 30 năm truyền thống làm nghề chế tác khèn. Nhờ có phát triển của du lịch, đường xá, phương tiện giao thông thuận lợi nên cây khèn Mông được nhiều người biết đến; thu nhập của người dân tăng đáng kể. Để duy trì làng nghề, xã đã phối hợp mở các lớp dạy nghề tại chỗ cho thế hệ trẻ; quảng bá, đưa cây khèn Hố Quáng Phìn trở thành sản phẩm có thương hiệu trên thị trường.

 

Sản phẩm quẩy tấu bày bán tại các phiên chợ được nhiều du khách thăm quan, mua sắm
Sản phẩm quẩy tấu bày bán tại các phiên chợ được nhiều du khách thăm quan, mua sắm.

Trên thực tế, việc phát triển các làng nghề truyền thống mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng các sản phẩm truyền thống và các dịch vụ phục vụ du lịch tại các làng nghề chưa phong phú, đa dạng về mẫu mã cũng như chất lượng. Cách thức hoạt động của các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp; thu nhập của một số làng nghề thấp nên không thu hút được nhiều lao động tham gia; các nghệ nhân có tay nghề cao ở các làng nghề ngày càng ít trong khi thế hệ trẻ hiện nay ngại học nghề truyền thống của thế hệ cha ông. Do đó, phát triển các làng nghề truyền thống gắn phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân đang được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đẩy mạnh, thông qua lồng ghép, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh để hỗ trợ các làng nghề; tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù có thế mạnh để phục vụ du lịch.

“Hà Giang đang tập trung xây dựng, phát triển các tour, tuyến du lịch đến các làng nghề; phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao nhận thức và khả năng sáng tạo của người dân; định hướng thị trường cho sản phẩm làng nghề; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, để làng nghề truyền thống không chỉ là không gian bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mà thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn; tạo ra nhiều sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập” - ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết thêm.

Kim Tiến

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site