16:51 | 27/11/2019

Khám phá vẻ đẹp kiến trúc đền Đô

(LV) - Nằm cách Thủ đô Hà Nội gần 20 km về phía Bắc, đền Đô (hay còn gọi là đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện), thuộc địa phận hương Cổ Pháp, châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) là một quần thể kiến trúc độc đáo mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của vương triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.

>>> Đình làng Giẽ Thượng - Nét chạm khắc nghệ thuật độc đáo

Nơi thờ các vị đế vương triều Lý

Đền được dựng trên nền đất mà xưa khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.

Đến nay, đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý là Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông.

Những bức hoàng phi, câu đối được sơn son thiếp vàng
Những bức hoàng phi, câu đối được sơn son thiếp vàng .

Đền Đô được khởi công xây dựng từ ngày mùng 3 tháng 3 năm Canh Ngọ (tức năm 1030) bởi Lý Thái Tông khi vị hoàng đế này về quê làm giỗ cha. Sau này, đền được nhiều lần trung tu và mở rộng. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm thứ hai niên hiệu Hoàng Định của vua Lê Kính Tông (tức năm 1620), khắc văn bia ghi lại công đức của các vị vua triều Lý. Từ xa xưa, đền Đô luôn được các đời vua liên tục tôn tạo, mở rộng. Vào đời vua Lê Kính Tông, năm Giáp Thìn (tức năm 1605), đền Đô đã được xây dựng lại ngay trên đất cũ và được khắc văn bia ghi lại công đức của các vị vua triều Lý.

Đền Đô rộng 31.250 m², gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ, được chia thành hai khu vực nội thành và ngoại thành. Toàn bộ các công trình đều được xây dựng công phu, chạm khắc, đắp vẽ kỳ công, tinh xảo.

Mang đậm nét văn hóa lịch sử trong kiến trúc

Khu vực nội thành có tổng diện tích là 4.320 m2, được thiết kế theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Khu vực này gồm: Ngũ Long Môn, chính điện, nhà chuyển bồng, nhà bia. Ngũ Long Môn chính là cổng vào của nội thành, sở dĩ có tên gọi như vậy bởi trên hai cánh cổng có chạm khắc hình năm con rồng rất tinh xảo, sống động. Trung tâm của khu nội thành là chính điện. Trong chính điện bao gồm Phương đình hay còn gọi là nhà vuông, nhà Tiền tế và Cổ pháp điện.

Bức cuốn thư “Chiếu dời đô” bằng gốm Bát Tràng
Bức cuốn thư “Chiếu dời đô” bằng gốm Bát Tràng .

Phương đình rộng 70 m2, được xây dựng 3 gian, 8 mái. Nhà Tiền tế 7 gian, rộng 220 m2. Đây là nơi thờ vua Lý Thái Tổ, bên trái điện có treo tấm bảng “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 vị vua nhà Lý. Bên phải treo tấm bảng ghi bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Gian giữa tiền tế đặt tượng hai ông áo đen cấm vệ quân triều Lý, được tạc vô cùng sống động. Hai bên gần cửa ra vào có đôi ngựa bạch thờ và ngựa hồng thờ làm bằng gỗ mít, có đủ yên cương, áo giáp, dây cương đồng, bộ nhạc lục lạc.

Cổ Pháp điện có 7 gian, rộng 180 m2. Đây là nơi đặt ngai thờ, bài vị và 8 vị vua nhà Lý. Gian giữa là nơi thờ vua Lý Công Uẩn và Lý Thái Tông, ba gian bên trái thờ Lý Nhân Tông, Lý Huệ Tông, Lý Anh Tông, ba gian bên phải thờ Lý Thánh Tông, Lý Cao Tông và Lý Thần Tông.

Nhà chuyền bồng được xây dựng theo kiến trúc kiểu chồng diêm 8 mái, 8 đao cong mềm mại, bao gồm nhà tiền tế, nhà để kiệu thờ và nhà để ngựa thờ. Phía Đông đền có nhà bia, nơi đặt Cổ Pháp Điện Tạo Bi. Tấm bia này do tiến sĩ Phùng Khắc Khoan biên soạn và được khắc dựng năm 1605, có chiều dài 17 cm, rộng 103 cm và cao 190 cm. Tấm bia này ghi lại sự kiện lịch sử nhà Lê xây dựng lại đền và ghi công đức của các vị vua triều Lý.

Thủy đình được xây dựng trên hồ bán nguyệt
Thủy đình được xây dựng trên hồ bán nguyệt .

Đặc biệt, đền Đô còn sở hữu bức cuốn thư “Chiếu dời đô” bằng gốm Bát Tràng lớn nhất Việt Nam. Bức cuốn thư này nằm bên phải tiền đường, rộng hơn 8 m, cao 3,5 m được đắp nổi bằng chữ Hán, toàn bộ chữ đều được đắp bằng gốm sứ Bát Tràng men xanh có diện tích khoảng 6 m2.

Khu vực ngoại thành bao gồm các công trình như: thủy đình, nhà văn chỉ, nhà võ chỉ, nhà chủ tế, nhà khách, nhà kho, đền vua Bà. Thủy đình được xây dựng trên hồ bán nguyệt rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Đây là nơi để các chức sắc xưa kia ngồi xem biểu diễn rối nước. Hồ bán nguyệt thông với ao Cả trên, ao Cả dưới, sông Tiêu Tương xưa cũ.

Nhà văn chỉ nằm bên trái khu nội thành, gồm 3 gian, rộng 100 m2 được thiết kế theo lối kiến trúc mái chồng diêm. Đây là nơi thờ những quan văn đã có công lớn giúp nhà Lý như: Tô Hiến Thành, Lý Đạo Thành. Nhà võ chỉ nằm bên phải khu nội thành, có kiến trúc tương tự như nhà văn chỉ. Đây là nơi thờ những quan võ đã có công lớn giúp nhà Lý như: Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu, Đào Cam Mộc.

Kiến trúc đền Đô là sự kế thừa của phong cách cung đình và phong cách dân gian. Hai phong cách kiến trúc này được kết hợp hài hòa với thiên nhiên tạo nên không gian khoáng đạt, đẹp mắt.

Giang Phan

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site