09:11 | 07/01/2020

Chùa Keo – Kiệt tác nghệ thuật đặc sắc

(LV) - Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ đẹp bậc nhất của Việt Nam, vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ kính, độc đáo riêng có.

>>> Cầu Ngói chợ Lương một trong 3 cầu ngói đẹp nhất Việt Nam

Nét cổ kính riêng có

Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự, nằm trên địa phận xã Duy Nhất (Vũ Thư, Thái Bình) là nơi thờ Phật và đền Thánh thờ Đức Thánh Dương Không Lộ, vị đại sư thời Lý có công dựng chùa. Ngôi chùa cổ này được xây dựng năm 1061 thời vua Lý Thánh Tông với tên chữ là chùa Nghiêm Quang. Năm 1611, chùa bị đổ do sông Hồng sạt lở, mãi đến năm 1632 chùa mới được dựng lại như ngày nay. Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, chùa Keo vẫn giữ được kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).

Gác chuông là công trình kiến trúc độc đáo của chùa Keo
Gác chuông là công trình kiến trúc độc đáo của chùa Keo.

Diện tích toàn khu chùa rộng khoảng 58.000 m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Qua tam quan, đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là khách hành hương sắm lễ vào chùa lễ Phật và lễ Thánh. Đi đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống muống và ngôi nhà trong là Phật điện. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của chùa Keo có gần 100 pho tượng.

Chùa Keo quay mặt hướng chính nam. Mặt bằng các công trình chùa Keo được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “nội nhị công, ngoại nhất quốc”. Nếu tính Tam quan ngoại là kiến trúc điểm đầu và gác chuông phía sau chùa là điểm cuối, thì hai điểm này nằm trên một đường thẳng theo hướng Bắc – Nam, gọi là đường thần đạo.

Bước vào bên trong chùa là gian Tiền đường lợp mái ngói, được chống đỡ bằng những cột gỗ lim lớn rất chắc chắn. Trước mặt Tiền đường là thảm cỏ xanh mướt, với những hàng cau cảnh nhỏ bên cạnh. Hai bên hành lang là hai bia đá cổ, khắc ghi lịch sử xây dựng của chùa.

Đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc

Trong khu đền Thánh, các tảng đá kê chân cột đều chạm cánh sen. Các đầu củng, chắn phong đều được chạm trổ hết sức công phu. Trên các chắn phong rồng mẹ dắt díu đàn con vui đùa với thú. Thú cưỡi lưng rồng, thú túm râu rồng, thú đu trên chum mây lửa. Đặc biệt, ở đây tất cả các bẩy, kẻ đều có con sơn chống đỡ hai đầu, 42 con sơn ngoại chạm 42 con rồng với các dáng vẻ khác nhau, chỗ này rồng cuộn 4 vòng, 5 vòng quanh con sơn, chỗ kia rồng tì ngực vào cột dồn hết sức dơ đầu đỡ kẻ. 42 con sơn nội nhỏ hơn nhưng chạm trổ công phu hơn, cái thì chạm rồng bốc lửa đưa đầu đội bẩy, cái lại chạm rồng đang khom lưng uốn mình cõng đấu hoặc chạm nghê thần cõng kẻ, đội hoành, đạp đấu với đường chạm nét rất sắc sảo, tinh vi.

Khánh đá trong gác chuông
Khánh đá trong gác chuông.

Toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán mà chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau. Mặc dù vậy qua mấy trăm năm, kết cấu của toàn bộ kiến trúc gỗ này vẫn rất chắc chắn. Các cột đỡ, vì kèo được các nghệ nhân điêu khắc thời Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.

Gác chuông chùa Keo với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Từ trên cao nhìn xuống, gác chuông chùa Keo trông giống như mái nhà Rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Cấu trúc các tầng nhẹ nhàng, khỏe đẹp. Dưới hệ thống tàu mái của mỗi tầng xếp 84 cánh rui bay thành 3 tầng, 28 cum lớn liên kết với nhau bằng những thanh xà mảnh như dàn cánh tay đỡ mái. Hệ thống dàn rui bay này được được đặt trên dàn đấu củng đối trọng vào bên trong qua 3 hàng tay đòn thẳng gối tựa xà lách. Ba quả chuông đồng nặng gần 2 tấn treo chính tâm gác chuông cùng sức nặng của dàn mái tạo lực trọng trường kéo các mộng luôn gắn kết chặt với nhau tạo thế vững chắc cho gác chuông.

Bộ cửa chạm rồng tại tam quan nội
Bộ cửa chạm rồng tại tam quan nội.

Toàn bộ mái chùa đều được lợp vảy cá mềm mại. Các kiến trúc đao loan uốn cong chạm trổ hình rồng, phượng, cá,.. rất tỉ mỉ công phu. Ở tam quan nội có bộ cửa gỗ chạm một đôi rồng và nhiều rồng con đang chầu nguyệt được xem là kiệt tác chạm khắc thế kỷ XVII. Trong chùa có những pho tượng Phật được chạm khắc từ thế kỷ XVII, XVIII, khánh đá và bộ chuông đồng ,.. đều là những di sản quý báu. Có thể nói chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ XVII, với nhiều kiệt tác đặc sắc.

Với những giá trị lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật độc đáo, năm 2012 chùa Keo đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017 lễ hội chùa Keo cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tùng Lâm

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site