21:11 | 27/07/2020

Người Bản Xèo giữ nghề làm miến

(LV) - Bên chái nhà, ở ngoài sân, những sào phơi miến sóng sánh nắng. Trong bếp, lò tráng miến nghi ngút khói. Mỗi người một việc, tất cả đều tất bật để sớm đưa đặc sản của mảnh đất vùng cao Bản Xèo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vươn ra thị trường phục vụ nhu cầu của khách hàng.

>>> Rực rỡ sắc màu thổ cẩm Mỹ Nghiệp

Đặc sản trên đại ngàn

Đến thăm gia đình ông Cồ Như Nghệ, thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bếp luôn đỏ lửa, 6 lao động miệt mài với công việc rửa củ đao, làm bột, tráng bánh, phơi khô, cắt sợi, đóng gói … Vào vụ sản xuất, gia đình ông thức nhiều hơn ngủ, ngày nào cũng vậy, cứ 3 giờ sáng là phải nổi lửa, đến 10 giờ tối mới xong công việc. Tranh thủ lúc nghỉ, ông Nghệ dành thời gian trò chuyện với tôi. Những vất vả, mệt nhọc dường như đã thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông, nhưng khi nói về nghề làm miến đao, ông không giấu được niềm vui và tự hào.

 

Công nhân Hợp tác xã Thành Sơn sản xuất miến đao
Công nhân Hợp tác xã Thành Sơn sản xuất miến đao.

Ông Cồ Như Nghệ tâm sự: Bố mẹ tôi làm miến đao từ năm 1966. Nhờ gia đình có nghề truyền thống, nên từ khi 10 tuổi, tôi đã biết làm miến đao. Ngày trước, làm miến đao vất vả lắm, phải leo ngược dốc lên nương để thu hoạch củ đao, rồi phải gánh 40 kg đi xuống dốc với quãng đường dài 2 km mới đến nhà. Đi thu hoạch củ đao vất vả một, thì mài củ đao để lấy bột vất vả mười, bởi công đoạn này hoàn toàn bằng thủ công, đòi hỏi phải có sức khỏe, đôi tay dẻo dai, làm suốt ngày, tay mỏi rã rời, nhưng vẫn phải cố, bởi không có đủ bột để làm miến. Bây giờ, công việc đỡ vất vả hơn, bởi củ đao được người ta chở bán tận nhà, xay củ lấy bột làm hoàn toàn bằng máy. Tuy nhiên, các công đoạn còn lại, gia đình tôi vẫn làm thủ công...

 

Ông Cồ Như Nghệ phơi bánh
Ông Cồ Như Nghệ phơi bánh.

Bột đao sau khi trải qua công đoạn sơ chế, ngâm ủ sẽ được tráng thành bánh, hấp chín rồi phơi. Những chiếc bánh được căng trên sào tre và phơi ngoài sân. Sau khi phơi đủ nắng, bánh được thu về, cắt thành từng sợi miến nhỏ. Để sản phẩm thơm ngon, giòn và dai, miến phải được phơi thêm một nắng, rồi mới đóng gói trước khi bán ra thị trường. “Nói thì đơn giản, nhưng để được những bó miến ngon quả thực không dễ, không chỉ tốn công sức, mà còn đòi hỏi sự cẩn thận, kiên trì. Hầu như buổi trưa nào, gia đình tôi cũng không được nghỉ, phải thay phiên nhau, người ăn cơm, người đi kiểm tra bánh, sờ bánh không bị dính tay là phải dỡ ngay, nếu để “già” nắng, bánh sẽ bị giòn và không thể cắt thành sợi”, ông Nghệ cho hay.

 

Chuẩn bị miến đao phục vụ khách hàng đặt
Chuẩn bị miến đao phục vụ khách hàng đặt.

Hiện, mỗi ngày gia đình ông Cồ Như Nghệ làm được 100 - 120 kg miến đao. Dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, gia đình ông làm được 2 - 3 tấn miến đao. Điều đáng nói, tất cả sản phẩm miến đao của gia đình ông Nghệ đều có người đặt trước. “Gia đình tôi phải từ chối nhiều đơn đặt hàng, bởi không có khả năng đáp ứng đủ”, ông Nghệ tâm sự.

Cơ hội phát triển

Đưa chúng tôi đi mục sở thị các cơ sở miến đao, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo - Cồ Bá Thìn không giấu được niềm vui, bởi chính anh cũng được thừa hưởng truyền thống làm miến đao của gia đình. Anh Thìn tâm sự: Vào những năm 60 của thế kỷ trước, 45 hộ dân xã Nam Thành (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) lên mảnh đất Bản Xèo khai hoang, xây dựng kinh tế mới, trong đó có gia đình tôi. Rời quê hương lên mảnh đất vùng cao, tài sản duy nhất các hộ dân mang theo là củ đao đỏ làm giống. Sau những tháng ngày vất vả khai hoang, xuống giống, cây đao đỏ hợp đất, phát triển mạnh. Năm 1986 - 1987 là thời kỳ được coi là đỉnh cao của làng nghề làm miến truyền thống ở Bản Xèo. Nhà nhà làm miến, người người làm miến, hình thành làng nghề sản xuất miến đao truyền thống. Thương hiệu miến đao của xã Bản Xèo cũng từ đó ra đời và ngày càng nổi tiếng, bởi sợi miến luôn dai và thơm.

 

Đặc sản miến đao của làng nghề ở Bản Xèo được đóng gói và là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng
Đặc sản miến đao của làng nghề ở Bản Xèo được đóng gói và là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Thế nhưng, cuộc sống thay đổi, nhiều hộ dân lên khai hoang ở Bản Xèo đã chuyển đi, hiện chỉ còn 5 hộ, khiến nghề làm miến đao Thành Sơn cũng mai một. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người tiêu dùng đang có nhu cầu tìm lại dư vị miến đao một thời, nên nghề làm miến mang lại cho những gia đình còn giữ nghề truyền thống cơ hội phát triển và thu nhập ổn định. Ông Cồ Như Nghệ tâm sự: Mấy năm gần đây, trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đều thu được 100 triệu đồng từ làm miến đao.

Một tương lai đang mở ra với người dân ở thôn Thành Sơn khi xã Bản Xèo quyết định mở rộng vùng trồng đao để khôi phục và phát triển nghề làm miến đao nức tiếng không chỉ của Bản Xèo, mà của cả tỉnh Lào Cai.

Thanh Cường

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site