17:16 | 15/08/2012

Triển lãm Châu bản quý hiếm có bút tích Vua triều Nguyễn

(LV) - Ngày 15/8/2012, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (18 Trung Yên 1, P. Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra triển lãm “Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn 1802-1945”.

Triển lãm trưng bày 128 phiên bản tài liệu của 10 vị Vua thuộc khối Châu bản triều Nguyễn, có niên đại từ Gia Long đến Bảo Đại (1802-1945), giới thiệu tới công chúng các hình thức ngự phê của vua triều Nguyễn, cung cấp thêm những thông tin về tư tưởng chỉ đạo của nhà vua trên văn bản cũng như cách thức phê duyệt trong chế độ văn thư triều Nguyễn.

Các đại biểu nghe thuyết minh tại Triển lãm
Các đại biểu nghe thuyết minh về "ngự phê" của các vị Vua triều Nguyễn tại Triển lãm.

Tài liệu triển lãm được chia làm 10 phần, gồm ngự phê của các vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Phần đầu của triển lãm là bút tích của Gia Long - vị vua sáng lập nhà Nguyễn, ông phê trên các tờ khải của Ngự y viện Thái Y về các vị thuốc nhà Vua dùng trong khi lâm bệnh nặng vào năm Kỷ Mão (1819). Công chúng sẽ được thưởng thức ngự phê của vua Minh Mệnh là vị hoàng đế tiêu biểu của nhà Nguyễn, những công lao của ông và thành quả đạt được trong suốt 21 năm trị vì đã được lịch sử ghi nhận. Triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng bút tích của vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn - vua Bảo Đại. Ông ngự phê trên Châu bản bằng ba thứ tiếng: Việt, Pháp, Hán... Triển lãm kéo dài đến ngày 31-12-2012.

Châu bản là các văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan hành chính triều Nguyễn từ Trung ương đến địa phương soạn thảo thông qua nhà Vua “ngự lãm” hay “ngự phê” bằng mực màu son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… dưới thời nhà Nguyễn. Châu bản thường có các hình thức châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải.

Ngự phê của vua Tự Đức năm 1859: “...Việc huấn luyện biền binh cốt làm cho mọi người đều can đảm dũng mãnh, kỹ thuật tinh thông, gặp chết không từ” - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cung cấp.
Ngự phê của vua Tự Đức năm 1859: “...Việc huấn luyện biền binh cốt làm cho mọi người đều can đảm dũng mãnh, kỹ thuật tinh thông, gặp chết không từ” - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cung cấp..

Bản ngự phê bằng chữ quốc ngữ của vua Bảo Đại vào ngày 3-3-1945: “Chuẩn y đem phát chẩn cho dân nghèo Thanh Hóa...” - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cung cấp
Bản ngự phê bằng chữ quốc ngữ của vua Bảo Đại vào ngày 3-3-1945: “Chuẩn y đem phát chẩn cho dân nghèo Thanh Hóa...” - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cung cấp.

 

Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm khẳng định: Qua các Châu bản này thấy được các vị Vua rất nghiêm túc, nghiên cứu rất kỹ các tư liệu trước khi phê, duyệt. Trong số những Châu bản đó có những tài liệu rất quý chúng ta có thể khai thác sâu hơn nữa thành những chuyên đề, chắc chắn sẽ được nhiều người quan tâm, nhất là những chuyên đề liên quan tới biên giới, biển đảo.

Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia I cho biết: Chuyên đề “Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn 1802-1945” được Trung tâm hoàn thiện và sắp xếp chi tiết cụ thể từ chữ Hán Nôm sang tiếng Việt. Đây gần như là báu vật độc nhất vô nhị trong khu vực. Nhật Bản, Hàn Quốc không có Châu bản. Đời nhà Thanh (Trung Quốc) chỉ lác đác, không xuyên suốt chiều dài qua 13 đời như ở Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đang số hóa tài liệu này để độc giả có thể dễ dàng tra cứu, truy cập trong hệ thống mạng của Trung tâm. Trong trường hợp cần đối chiếu so sánh có thể sử dụng bản gốc.

Ông Hà Văn Huề cũng cho biết: Trong số khối lượng Châu bản đồ sộ của triều Nguyễn hiện Trung tâm đang lưu giữ có hơn chục Châu bản, tài liệu liên quan đến biển đảo thể hiện một cách trực tiếp, gián tiếp. Ví dụ như cử đội linh ra Hoàng Sa để đổi quân hoặc khen thưởng những người có công ra Trường Sa, Hoàng Sa… Gần đây, Trung tâm tiếp nhận một văn bản từ năm 1939 của triều Bảo Đại có liên quan đến vấn đề này.

Giáo sư Sử học Phan Huy Lê cho rằng: Với những Châu bản có liên quan đến vấn đề biên giới biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa… có ý nghĩa và giá trị về mặt lịch sử và pháp lý. Về mặt lịch sử không chỉ thể hiện sự sở hữu mà còn thể hiện việc thực thi về chủ quyền biên giới biển đảo, nhất là Hoàng Sa, Trường Sa, hiểu thêm về cách quản lý, khai thác, đo đạc trên Trường Sa, Hoàng Sa. Về mặt pháp lý, đây là những văn bản nguyên gốc trong triều đình nhà Nguyễn có giá trị công pháp quốc tế, do đó chúng ta có thể tổng hợp thành tư liệu quý chứng minh về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời dải đất hình chữ S của Việt Nam.

 

Thu Lê

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site