22:07 | 19/11/2012

Tháp Chăm giữa lòng Hà Nội

(LV) - Khi bóng tháp Chăm in trên bầu trời Hà Nội, nghĩa là: Cả trăm miền đã hội tụ về mảnh đất Văn Hiến ngàn đời. Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam hội đủ biểu trưng của 54 dân tộc anh em, như bọc đồng bào mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng.

>>> Vài nét về nghệ thuật dân gian Chăm 

>>> Khám phá Tháp Chăm tại Hà Nội 

>>> Thêm một điểm đến hấp dẫn trong Ngôi nhà chung Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam 

Mái nhà sàn của dân tộc Mường, dân tộc Thái với chín bậc cầu thang như chín bậc tình yêu; Nhà Rông của đồng bào Tây Nguyên như lưỡi “Đại rìu” hướng lên trời xanh thề giữ vững mối tình đoàn kết; Những ngôi nhà mái gỗ mái ngói đỏ tươi của dân tộc Kinh, đã bao đời nuôi lời ru câu hát, cho bao lớp người lớn khôn đi lập nghiệp xây đời... Rồi ba toà tháp Chăm - điểm nhấn của Làng Văn hoá – nơi sinh hoạt tâm linh tự ngàn đời của dân tộc Chăm Pa, dân tộc Khmer, đã mang đến cho Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sự linh thiêng, trầm mặc.

Quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam
Quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hồng Anh

Hoàng hôn buông trên không gian Làng Văn hoá, bóng tháp Chàm đổ dài tựa vai vào mảnh đất Thủ đô. Việc tháp Chăm có mặt tại Làng Văn hoá với những bàn tay tài ba của các nghệ nhân đến từ Ninh Thuận gợi cho chúng ta sự gắn kết giao lưu văn hoá các vùng miền.

Nghệ thuật xây dựng tháp Chăm là một nghệ thuật đặc biệt. Đặc biệt từ thủ pháp chế tạo nguyên vật liệu, gạch dùng để xây tháp là 1 loại gạch được sản xuất theo một phương pháp riêng: Bốn mặt được nung chín nhưng trong ruột vẫn còn “Sống”. Tuy vậy dù có để ngoài trời hàng trăm năm gạch vẫn không bị rã, không thấm nước, khi gặp nước lại rất nhanh khô. Nhờ đó, đã trải qua hàng nghìn năm các toà tháp Chăm vẫn không bị rêu phong, hay ẩm ướt. Sự liên kết giữa các viên gạch được mài vào nhau đến mức như liền khít, sau đó được gắn với nhau bằng chất kết dính được chiết xuất từ cây dầu rái, loại cây được trồng ở Thánh địa Mỹ Sơn.

Tháp Chăm thực chất là những kiến trúc đền đài, thờ thần Siva - Một tín ngưỡng rất riêng của người Chăm Pa. Ba toà tháp Chăm (Tháp Chính, tháp Cổng, tháp Hoả) được dựng lên giữa lòng Hà Nội và xây dựng theo tỷ lệ 1/1 nguyên mẫu từ toà tháp Poklong Garai – Ninh Thuận gợi cho chúng ta sự hoà quyện giữa văn hoá Chăm và văn hoá vùng đồng bằng Bắc Bộ, giữa tín ngưỡng Phật giáo với tín ngưỡng thờ thần Siva. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định nòi giống Rồng Tiên con Lạc cháu Hồng từ buổi Hùng vương dựng quốc, khắp non sông đâu cũng là nước non nhà.

Niên đại của các toà tháp Chăm được xác định là: Từ thế kỷ XI – XII, tức là trung bình tuổi thọ của chúng đã ngót ngàn năm. Điều này hướng sự liên tưởng của chúng ta về buổi Lý Thái Tổ thiên đô về thành Đại La cũng vào thế kỷ thứ XI.

Tháp chính Kalan
Tháp chính Kalan. Ảnh: Hồng Anh

Như vậy, lúc mà ở thành Đại La, nhà Lý đang cho xây dựng những ngôi “Cổ Tự” để tôn Phật giáo lên làm Quốc đạo, xây chùa “ Liên hoa Tự” như hình bông Sen để tôn vinh Phật giáo, thì ở phía Nam dân tộc Chăm Pa cũng đang xây dựng những tào tháp Chăm để thờ phụng thần Siva.

Ngày nay, khi non sông liền một dải, ba toà tháp Chăm hiện hữu giữa lòng Hà Nội cùng với những ngôi “Cổ Tự” của xứ Kinh Bắc, tựa như những người anh em trải bao xa cách, nay hội ngộ về đây tay bắt mặt mừng.

Điều này khẳng định: 54 dân tộc anh em luôn giữ mối đoàn kết, để kiến tạo non sông đất nước.

Việc xây dựng thành công ba toà tháp Chăm với kỹ thuật tương tự như tháp Chăm xây dựng cách đây hàng ngàn năm, cho ta thấy hậu duệ của những nghệ nhân dân tộc Chăm Pa, đã khôi phục được những kỹ sảo dựng tháp Chăm đã bị thất truyền hàng ngàn năm, tưởng như đã bị chôn vùi dưới chân tháp cổ.

Những điều chúng ta nêu trên, có thể nhiều người chưa biết hết, cần có những chương trình giới thiệu, thuyết minh về các biểu trưng của các dân tộc anh em, có thể biên soạn thành cuốn cẩm nang ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để khi nhân dân và du khách ra về có thêm thông tin để tự hào về 54 dân tộc anh em trên đất nước mang nòi giống Lạc Hồng.

Có lẽ nên làm các kỷ vật – Như nhà mô phỏng, thu nhỏ các biểu trưng của các dân tộc, nhất là hình ảnh thu nhỏ của tháp Chăm, khi du khách và nhân dân chia tay Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ mang theo hình ảnh của ba toà tháp, để hình ảnh của ba toà tháp Chăm luôn hiện hữu trong mỗi gia đình. Ngoài việc thưởng ngoạn hình ảnh thiêng liêng của ba toà tháp, còn quảng bá tuyên truyền cho người thân về những toà tháp cổ Chăm Pa.

Hồ Quang Sơn

(Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lam Kinh)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site