15:40 | 05/07/2013

Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam: Tinh hoa nghìn năm hội tụ 

(LV) - Âm nhạc cung đình Huế là di sản cuối cùng của Âm nhạc cung đình Việt Nam. Nó mang trong mình tất cả những tinh hoa của dòng nhạc cung đình Việt đã hình thành và phát triển trên một nghìn năm.

Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam bắt đầu manh nha vào triều Lý (1010 - 1225), định hình ở nhà Trần (1226 - 1400), hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427 - 1788) và phát triển rực rỡ nhất tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Đây là một loại hình âm nhạc mang tính bác học hội tụ 3 yếu tố: nhạc, múa và hát, trong đó nhạc và múa chiếm tỉ lệ cao hơn. Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

“Âm nhạc cung đình” theo nghĩa thông thường được hiểu là các thể loại ca nhạc, kể cả các thể loại ca nhạc đi kèm với múa và kịch hát, dùng trong các lễ nghi cúng tế và triều chính, các ngày quốc lễ do triều đình tổ chức và sinh hoạt vui chơi giải trí của vua và hoàng tộc. “Nhã nhạc” được các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời nhà Hồ dùng với những nội hàm khác nhau: khi để chỉ âm nhạc cung đình nói chung, lễ nhạc cung đình nói riêng, khi để chỉ một tổ chức âm nhạc, thậm chí một dàn nhạc cụ thể. Thuật ngữ “Nhã nhạc” hiện dùng được hiểu theo hai nội hàm đầu, nhất là nội hàm thứ hai.

Âm nhạc cung đình Huế chính thức hình thành với sự lên ngôi của triều Nguyễn vào đầu thế kỉ XIX. Vào thời này, nhà Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Có thể khẳng định, âm nhạc cung đình Huế là sự kế thừa và phát triển lên một đỉnh cao mới những thành tựu của dòng nhạc cung đình Thăng Long đã được xây dựng từ nhiều thế kỉ trước; là di sản cuối cùng của Âm nhạc cung đình Việt Nam. Nó mang trong mình tất cả những tinh hoa của dòng nhạc cung đình Việt đã hình thành và phát triển trên một nghìn năm. Bởi vậy, Âm nhạc cung đình Huế cũng chính là Âm nhạc cung đình Việt Nam trong giai đoạn cuối cùng của nó.

Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Tế bất thường: Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như đai triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc ... Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần... Cung trung nhạc biểu diễn trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu... Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa ... Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông... Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương (lời ca bằng chữ Hán). Các nhạc chương đều do Bộ Lễ biên soạn phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Tế Giao có 10 nhạc chương mang chữ Thành (thành công); Tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong (được mùa); Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hòa (hòa hợp), Tế Lịch Đại Đế vương có 6 nhạc chương mang chữ Văn (trí tuệ); Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ Bình (hòa bình); Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ Thọ (trường tồn); lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ Phúc (phúc lành)... Từ cơ sở kế thừa các triều đại trước, triều Nguyễn đã cho bổ sung thêm nhiều loại thể nhạc như Huyền nhạc, Ty trúc tế nhạc, Ty chung, Ty khánh, Ty cổ.

Cuối thời Nguyễn, Nhã nhạc cung đình chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc (gồm trống, kèn, mõ, bồng, xập xõa) và tiểu nhạc (trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền). Ngoài ra, triều đình cho du nhập dàn Quân nhạc của phương Tây, làm cho vai trò của Nhã nhạc càng mờ nhạt thêm. Sau năm 1945, Nhã nhạc đã mất không gian vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần.

Từ sau 1975, Nhã nhạc được bắt đầu khôi phục lại. Dự án Quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 105/TTg ngày 12/2/1996) đã nêu rõ mục tiêu: Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế.

Hiện nay, với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan cùng những người tâm huyết với nghệ thuật dân tộc, Nhã nhạc đang được bảo tồn và là một minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam.

Cuối tháng 8/2002, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Âm nhạc Cung đình Huế. Cùng năm 2002, Hồ sơ Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam gửi đến UNESCO. Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam mà Huế gìn giữ bấy lâu đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Song Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site